Hậu thi tốt nghiệp THPT:
Xét tốt nghiệp - tại sao không?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 đã kết thúc. Bộ GDĐT đã “tạm”
yên tâm về một kỳ thi không ồn ào về tiêu cực như những mùa thi trước.
Phải chăng kỳ thi này đã hội đủ “tiêu chí, điều kiện” để bộ triển khai
lựa chọn đề án... xét tốt nghiệp và chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia
tuyển sinh ĐH-CĐ, tránh gây tốn kém thời gian, tiền của và những áp lực
không đáng có.
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ lâu dư luận vẫn “sôi” lên câu hỏi về chất lượng thi cử. Nhiều điểm thi, địa phương nằm trong danh sách có tiếng về tiêu cực trong thi cử. Để có một kỳ thi tốt nghiệp chất lượng như xã hội mong muốn, năm 2007, Bộ GDĐT phát động phong trào “2 không”- nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Kết quả tỉ lệ thi tốt nghiệp năm đó thấp thê thảm.
Để “cứu” học sinh (HS) thoát khỏi bậc học này, bộ liền mở cửa cho thí sinh thi rớt bằng cách được thi tốt nghiệp lần 2 - đối tượng này không được dự thi ĐH, CĐ - mục đích cũng là để cho các em có được tấm bằng, để có cơ hội tìm việc làm phù hợp. Vài năm sau, những thí sinh không đỗ tốt nghiệp, bộ không cho thi lại, nhưng “hé” thêm cơ hội, bằng cách dù không đỗ tốt nghiệp nhưng các em được vào hệ trung cấp, sau một thời gian học thì trường trung cấp sẽ cấp bằng tốt nghiệp phổ thông. Có được tấm bằng phổ thông để vào đời, với những HS có học lực yếu đã phải lựa chọn đi đường tắt.
Kiên quyết hơn về chất lượng thi cử, bộ liền quyết định “thi cụm, chấm chéo”. Bao phiền hà với cả thí sinh lẫn cán bộ coi thi! Ngoài tốn kém tiền của, thí sinh ở vùng sâu, vùng xa phải “cơm đùm cơm nắm” đến điểm thi cách xa nhà vài chục cây số, có trường hợp đã mất mạng vì TNGT. Các sở GDĐT đối mặt với những khó khăn, tốn kém trong việc di chuyển bài thi để các địa phương chấm chéo. Được đúng ba năm, bộ lại thôi “chấm chéo, thi cụm’, trả lại sự tự chủ cho các địa phương.
Dù “vi phạm quy chế thi”, nhưng thầy giáo Đỗ Việt Khoa (Hà Tây cũ) và thầy Lê Đình Hoàng (Nghệ An) đã nổi như cồn, sau khi công bố trước dư luận tiêu cực trong thi cử bằng những clip. Hiệu ứng quay clip tố cáo tiêu cực thi cử đã được lặp lại ở điểm thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang). Kỳ thi tốt nghiệp năm nay, dù bộ mở rộng cửa để thí sinh giám sát tiêu cực với thiết bị ghi âm, ghi hình, nhưng cuối cùng thì đã không có một clip như ngành và xã hội lo ngại.
Tại cuộc họp báo chiều 4.6, Bộ GDĐT phấn khởi về một kỳ thi không có tiêu cực, hy vọng một kỳ thi chất lượng sau khi đã “thử nghiệm” quá nhiều... phép thử. Mỗi năm ngân sách tốn hàng nghìn tỉ đồng cho kỳ thi này. Dư luận đã lên tiếng đề nghị bộ chỉ nên xét tốt nghiệp.
Chọn kỳ thi nào, bộ vẫn đắn đo
Dù chưa có kết quả của kỳ thi tốt nghiệp, nhưng với nhiều tín hiệu cho phép được tiên đoán một kết quả mỹ mãn: Đề vừa tầm HS có học lực trung bình. Vì thi tốt nghiệp 6 môn, các em đã làm phép tính để không “mất sức” ôn luyện, bằng cách sau mỗi môn thi, HS tự tính được điểm của môn đó (đáp án được công bố trên truyền thông), cộng với điểm nghề, tổng điểm thi tốt nghiệp từ 29 điểm là đỗ, để dành sức cho kỳ thi “quyết định” cuộc đời - ĐH, CĐ.
Sau khi bộ công bố môn thi tốt nghiệp vào cuối tháng 3, trong vòng hai tháng, thầy trò “quần quật” luyện 6 môn thi, cộng với hai, ba lần thi thử thì việc đỗ tốt nghiệp với mốc điểm tối thiểu 28-29... không mấy khó khăn. Đây chính là mốc đánh dấu độ doãng khoảng cách của kết quả hai kỳ thi: Tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ. Dư luận đã từng băn khoăn với câu hỏi: Vì sao tỉ lệ tốt nghiệp cao ngất ngưởng, kết quả thi ĐH, CĐ lại tỉ lệ nghịch, trong khi hai kỳ thi chỉ cách nhau một tháng? Chính câu hỏi “chất lượng hai kỳ thi” đã khiến xã hội, ngay cả những nhà giáo đã không đồng tình với chủ trương đổi mới thi cử của Bộ GDĐT đã đề xuất cách đây những 5 năm: Giữ kỳ thi tốt nghiệp, xét tuyển vào ĐH, CĐ (đề án 2 trong 1).
Sau tới gần 20 lần chỉnh sửa dự thảo đề án “2 trong 1”, trung tuần tháng 5.2008, bộ tuyên bố quyết định sẽ triển khai ngay trong kỳ thi năm 2009 vì đã chín muồi, hội tụ đủ các điều kiện - nhất là hiệu quả của phong trào 2 không. Dư luận phân tích điều “được-mất” của đề án. Nếu giữ phương án của bộ (thi tốt nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ) thì cái mất nhiều hơn là được. Thi tuyển sinh ĐH, CĐ là kỳ thi “đốt đuốc” tìm người tài. Chất lượng kỳ thi tốt nghiệp dù làm nghiêm đến mấy, nhưng vì địa bàn rộng trên 63 tỉnh, thành, với hàng nghìn điểm thi thì chất lượng có được đảm bảo?
Dư luận nghiêng về xét tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ. GS Bùi Trọng Liễn có thâm niên hơn 40 năm giảng dạy đại học ở Pháp cho rằng, với một số ngành có định hướng nghề nghiệp, ngành kiến thức cơ bản (y, dược, nha sĩ, giáo viên...) vẫn phải thi, ngành còn lại thì tuyển sinh, thí sinh đóng tiền học. Tai họa đã xảy ra, nhiều người ghi tên mà không học nổi, lãng phí nhân lực, thời gian, trí tuệ, tiền bạc... Chọn phương án xét tốt nghiệp- ngưỡng để định hướng cho HS lựa chọn ngành, nghề phù hợp với trình độ, khả năng của bản thân. Phương án “thi tốt nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ” chính là phương án “chọn nhiều người học, không chọn chất lượng”.
Lắng nghe dư luận - sau hai lần tuyên bố tạm dừng việc gộp 2 kỳ thi, nay đã qua 5 mùa thi, Bộ GDĐT vẫn còn “nợ” xã hội câu trả lời: Chọn kỳ thi nào (xét tốt nghiệp chỉ thi ĐH, CĐ hay thi tốt nghiệp xét tuyển vào ĐH, CĐ), vừa để đạt được sự đồng thuận của xã hội, vừa giảm tốn kém công sức tiền của? Thực tế mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, tỉ lệ thí sinh nộp đơn dự thi đại học đã giảm mạnh so với năm trước. Lý do là chính bậc phụ huynh và cả thí sinh đã nhìn thấy, sau bốn năm học đại học vẫn thất nghiệp, học nghề dễ tìm việc hơn. “Sức ép” con đường duy nhất vào đại học.. cũng đã thay đổi.
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2013, phải chăng đã hội đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để Bộ GDĐT đưa ra quyết định, hy vọng sẽ nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội, đó là: Xét thi tốt nghiệp THPT, giữ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT: Cần cân nhắc việc bỏ kỳ thi. Trong lịch sử, nhiều trường đã bỏ thi cử, song sau đó đều phải quay lại vì không có chuẩn khách quan để đánh giá, phân loại, cũng như động lực thúc đẩy học sinh học tập. Thi cử không chỉ là để đánh giá mà còn để áp đặt các chuẩn mực cần thiết lên cả hành vi dạy của thầy giáo và hành vi học của trò. Mặt khác, trình độ THPT của học sinh tại các vùng, miền nước ta rất khác nhau, trong khi đó thi tốt nghiệp là đánh giá kiến thức theo chương trình phổ thông cơ bản, tiêu chí đánh giá chất lượng đại trà, vì vậy việc đạt điểm cao đôi khi chỉ đòi hỏi sự chăm chỉ, thay vì lực học thực chất. Do đó, không thể lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm chuẩn tuyển vào ĐH, CĐ. Hiện ngành giáo dục VN chưa thể áp dụng mô hình như các nước Đức, Pháp, Anh, Mỹ..., vì ngành giáo dục VN chưa thể thỏa mãn được những yếu tố về giáo viên nhiều, chất lượng, cơ sở, thiết bị tốt hơn...; do đó, chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay kỳ thi tuyển sinh ĐH , CĐ được.
GS TSKH Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TTNNĐ của Quốc hội: Đơn giản hoá các kỳ thi. Thứ nhất, tính chất, mức độ, độ khó đề thi của hai kỳ thi này là khác nhau. Một kỳ thi mang tính chất kiểm tra bình thường, còn kỳ thi kia là tuyển chọn, có tính chất cạnh tranh cao; hai là, việc tổ chức hai kỳ thi cũng khác nhau. Kỳ thi ĐH do các trường ĐH tổ chức thi tuyển chọn sinh viên cho mình được dư luận đánh giá là nghiêm túc. Trong khi đó, thi tốt nghiệp THPT vẫn bị coi là còn mang tính cục bộ, tiêu cực vẫn còn không ít. Điều này thấy rõ khi học sinh nhiều tỉnh được đánh giá là chất lượng không cao, nhưng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao và ngược lại. Tuy nhiên, có thể đơn giản hóa các kỳ thi này theo hai hướng. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu là kiểm tra chất lượng học sinh, không phải cấp quốc gia, mà nên giao cho địa phương tự tổ chức. Còn kỳ thi ĐH, để đỡ bớt căng thẳng, tốn kém, có thể giao cho các trường tự đứng ra tổ chức thực hiện.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TTNNĐ của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch: Các kỳ thi may rủi gây tâm lý xã hội nặng nề. 99% số học sinh tốt nghiệp loại khá giỏi nhưng chỉ sau một tháng- trong kỳ thi vào đại học- thì lại trượt nhiều. Ở đây rõ ràng có chuyện trong vấn đề thi cử. Các kỳ thi quốc gia của chúng ta rất nặng nề, căng thẳng và gây ức chế xã hội rất lớn. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông của chúng ta là chấm dứt một giai đoạn giáo dục phổ thông. Còn kỳ thi đại học là để bắt đầu một giai đoạn đào tạo mới. Hai kỳ thi này cách nhau có một tháng thôi, nhưng lại xuất hiện tình trạng tốt nghiệp THPT loại giỏi rất nhiều, sau đó lại thi trượt trong kỳ thi đại học. Đây là một mâu thuẫn. Các kỳ thi quốc gia của chúng ta rất nặng nề, căng thẳng và gây ức chế xã hội rất lớn. Theo tôi, trong 12 năm học phổ thông, chúng ta nên có những đánh giá theo từng giai đoạn theo học bạ hoặc từng năm, giao cho các sở hay trường đánh giá. Tôi nghĩ không có gì phải ngại khi đánh giá như vậy. Chúng tôi đã trao đổi với Bộ GDĐT, nhưng các anh ấy vẫn muốn tổ chức một kỳ thi (tốt nghiệp THPT) quốc gia hoành tráng. Tôi nói, mình cứ hoành tráng sẽ phải trả một cái giá đắt. Tôi nghĩ muốn gọn nhẹ thì không nên có một kỳ thi chung toàn quốc, nên để địa phương họ chủ động.
Chị Hoàng Thị Kim Thoa (Q.Bình Thạnh, TPHCM): Thi để làm gì nếu biết chắc học sinh sẽ đậu 100%? Con trai tôi vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thi xong môn cuối cùng, cháu nói học ôn, nhất là những môn phải học thuộc lòng, thì bị áp lực; thi xong, kiến thức trả hết lại cho thầy. Từ việc học, thi của con, tôi thấy việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa tốn kém cho ngân sách nhà nước, mà thầy cô, phụ huynh, học sinh cũng chịu áp lực. Kết quả cuộc thi thường là 100% đậu. Vậy, tổ chức làm gì một kỳ thi mà biết chắc kết quả đậu là 100%? Theo tôi chỉ nên tổ chức kỳ thi học kỳ 1, học kỳ 2 thật nghiêm túc và đề thi cho tất cả các trường do sở GDĐT ra chung một đề. Cô Hoàng Thị Diễm Trang –Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TPHCM): Cần đi theo lộ trình một cách khoa học
Theo chủ quan của chúng tôi, thời điểm này khi chúng ta đang dùng chương trình giảng dạy cũ, kỳ thi tốt nghiệp PTTH là cần thiết bởi vì cũng như nhiều nước trên thế giới, họ vẫn coi kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quốc gia và nó là cơ sở để đánh giá cho việc học sinh thi đại học. Và với một số trường đại học chuyên biệt, họ mới đặt ra một kỳ thi riêng.
Chúng tôi vẫn thấy đánh giá thẩm định công sức 12 năm là cần thiết. Với những em thi vào các trường trung cấp, cao đẳng, bằng tốt nghiệp THPT giúp các em chuyển tiếp dễ cho các bậc học tiếp theo. Nhiều nước trên thế giới, có nước không thi tuyển đại học, họ thi tốt nghiệp, lấy điểm tốt nghiệp xét tuyển vào đại học; một số trường chuyên biệt, khó thì họ sẽ cho thêm bài luận, tổ chức kỳ thi riêng,… để xét vào trường. Nên chăng, chúng ta đi theo lộ trình này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét