Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Lương giáo viên: Không phải tăng mà cải tiến

Lương giáo viên: Không phải tăng mà cải tiến


- Tăng lương chỉ là một phần nhỏ để tạo sự khác biệt về lương cho giáo viên (GV), nhưng nó sẽ không giải quyết triệt để các vấn đề tiêu cực nảy sinh do lương, cũng không tạo động lực triệt để khuyến khích GV dạy tốt. Cải tiến chế độ tiền lương có tác dụng tạo động lực thúc đẩy GV làm tốt công tác dạy học vì nó đòi hỏi sự đồng bộ cả về chính sách, cơ chế lẫn trách nhiệm của cả hệ thống giáo dục đối với chất lượng giáo dục Việt Nam.

Trong ảnh: Một tiết học của cô trò Trường TH Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội.

(Ảnh: Văn Chung)

Việc cải tiến chế độ lương để có thể tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục cần giải quyết các vấn đề sau:

1) Mặt bằng lương đảm bảo cho GV có thể nuôi sống được bản thân + ít nhất 1 đứa con + phát triển chuyên môn nghề nghiệp.

Đây là tiêu chuẩn dành cho giáo viên VN, chưa dựa trên những tính toán thực tế về tài chính dành cho GD và tình trạng tài chính chung của quốc gia.

Còn ở các nước, lương GV đủ để nuôi sống cả gia đình, thỏa mãn cuộc sống tinh thần và tích lũy được để tiết kiệm cho việc mua sắm và phòng thân.

Ở Việt Nam, nếu rà soát lại cách sử dụng ngân sách cho GD và rà soát lại ngân quĩ quốc gia thì có lẽ lượng tiền không chỉ đủ để đáp ứng lương cho GV nói riêng theo cách trả lương của quố tế mà còn đủ cho cán bộ hành chính và các ngành hưởng phúc lợi nói chung.

2) Khi đã có mặt bằng lương như vậy thì cần có chế tài kèm theo: Ai còn đi dạy thêm thì xử lí kỉ luật, đuổi việc nếu tiếp tục vi phạm.

3) Bộ GD- ĐT cần cải tiến việc đánh giá, thi cử và xây dựng văn hóa chất lượng. Nếu tiếp tục giữ chế độ thi cử, kiểm tra đánh giá và xem nhẹ chất lượng GD như hiện nay (qua thành tích thi tốt nghiệp phổ thông và năng lực thật của HS phổ thông và SV đại học; ở cấp học cao hơn sau đại học như thạc sĩ hay tiến sĩ thì HV vừa học, vừa làm, ít có thời gian để học nghiêm túc, giảng viên nào đòi hỏi cao là bị kêu, học để lấy bằng, luận văn, luận án thì sao chép, ít nghiên cứu cập nhật thông tin mới nhưng vẫn bảo vệ loại giỏi và xuất sắc… Nhiều GS.PGS nhưng không có nhiều bài báo, công trình nghiên cứu quốc tế) thì các trường học và GV cũng sẽ tiếp tục không coi trọng chất lượng thực tế của HS mà chỉ nhăm nhăm dạy thế nào để HS làm tốt các bài thi trắc nghiệm, chỉ tập trung vào kì thi cuối cấp hay thi vào đại học hơn là phát triển năng lực của mỗi học sinh. Ở cấp học cao hơn thì bảo vệ kiểu gì cũng qua nên luận văn hay luận án chẳng cần làm theo những hướng nghiên cứu mới hay có cái mới.

Cần xây dựng văn hóa coi trọng chất lượng giáo dục với các việc làm cụ thể sau:

a) Xây dựng lòng tự trọng của GV và trách nhiệm của họ đối với chất lượng GD (qui chuẩn văn hóa chất lượng GD);

b) Xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng GD; c) Xây dựng chuẩn công dân thế kỉ 21 của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường và kinh tế tri thức của VN và đánh giá chất lượng dựa trên các chuẩn này;

d) Xây dựng một nền GD dựa trên các thành tựu và kết quả nghiên cứu khoa học. Điều này khuyến khích GV nghiên cứu khoa học;

e) Sử dụng trí tuệ của các nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn giàu kinh nghiệm trong quá trình hoạch định các chính sách, xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển giáo dục;

g) Thay đổi cơ chế cấp ngân sách nghiên cứu khoa học để khuyến khích GV nghiên cứu khoa học nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo kiến thức, sản phẩm mới cho nền GD;

f) Xây dựng năng lực phê phán và tiếp nhận các phê phán về những yếu kém của hệ thống GD.

4) Xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng GD: việc tăng lương cần dựa trên thành tích giảng dạy và nghiên cứu khoa học theo các thang bậc:

Ở phổ thông:

a) Có sự khác biệt giữa lương của GV có HS tham gia các kì thi HS giỏi quốc tế, quốc gia, thành phố/tỉnh...

b) Khác biệt giữa chất lượng học tập của HS được đo bằng các kĩ năng yêu cầu đối với HS- công dân thế kỉ 21 (chứ không phải bằng điểm số vì điểm số rất dễ thay đổi và còn gây ra các hiện tượng tiêu cực);

c) Có thành tích giảm số lượng HS yếu kém;

d) Tạo điều kiện để HS khuyết tật hòa nhập và phát triển năng lực của bản thân;

e) Có nhiều sáng kiến trong dạy học;

d) Sử dụng thành thạo ICT trong dạy học.

Ở đại học: Có sự khác biệt về lương giữa:

a) Giảng viên có thành tích nghiên cứu trong khoa học về số bài đăng tạp chí quốctế, sách xuất bản bằng tiếng Anh;

b) Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: chủ nhiệm các đề tài, dự án quốc tế và trong nước;

c) Sự khác biệt giữa GV có các hợp tác quốc tế về nghiên cứu và giảng dạy;

d) Thành tích hướng dẫn học viên các đề tài có tính mới, có tác dụng ứng dụng thực tiễn…

5) Đổi mới cơ chế tuyển chọn và sử dụng GV ở tất cả các cấp học: thực hiện chế độ hợp đồng GV và bảo hiểm xã hội thay cho biên chế vĩnh cửu. Kèm theo đó là qui định các điều kiện làm việc tạo điều kiện cho GV phát huy năng lực, sở trường của bản thân. Cho phép GV lựa chọn nơi làm việc phù hợp với năng lực của mình, nghĩa là khi NT không đáp ứng nhu cầu làm việc thì GV có thể ra đi mà không bị níu kéo lại hay gây khó khăn, phiền.hà, sách nhiễu.

6) Xử phạt các hiện tượng tham nhũng và hối lộ trong GD để tránh việc chạy việc hay dễ dàng có được điểm cao, có chức danh, lấy được bằng cấp…Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng đào tạo thấp.

•TS Giáo dục Trần Thị Bích Liễu (chương trình Fulbright)

Không có nhận xét nào: