Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Giáo viên sống chật vật để bám lớp, bám trường


Ảnh: PLTPHCM


Giáo viên sống chật vật để bám lớp, bám trường

Thứ tư 03/10/2012 05:45Theo phân tích của bộ phận chuyên ngành thuộc bộ phận kế hoạch tài chính Sở GDĐT TPHCM thì thang, bậc lương của giáo viên trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay đang ở vị trí rất “khiêm nhường”. Đặc biệt là giáo viên tiểu học, mức lương nhà nước của đối tượng này có một khoảng cách khá xa so với thang bậc của 24 chức danh khác của viên chức loại B.
Cụ thể hơn, trong 53 chức danh xếp chung, bậc lương của giáo viên THPT đứng hàng cuối cùng. Không chỉ thế, hệ số chênh lệch trong lương giữa các bậc của giáo viên cũng rất nhỏ trong khi số thâm niên để giáo viên được hưởng vượt khung lại quá dài. Có thể đơn cử con số quy định vượt khung của giáo viên bậc tiểu học là minh chứng: Muốn hưởng mức lương vượt khung, giáo viên tiểu học phải có thâm niên công tác trong khoảng 10 – 15 năm. Không chỉ thế, mức lương khởi điểm của giáo viên cũng rất thấp, cụ thể chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Còn với những giáo viên có thâm niên từ 15 năm trở lên mới có thu nhập vào khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.
Phân tích cụ thể hơn từ “người thật việc thật” ở trường hợp của cô Nguyễn Phương Khanh – giáo viên Trường Tiểu học Phú Thạnh – Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết: Với thâm niên trong nghiệp “gõ đầu trẻ” gần 23 năm, hiện mức lương nhà nước mà cô giáo Khanh được hưởng ở mức 3.843.000 đồng/tháng. Đó là chưa trừ một số khoản như bảo hiểm xã hội (chiếm 10% mức lương) và tiền bảo hiểm y tế cô phải tự đóng mỗi năm một lần. Ngoài mức lương chính như trên, cộng các khoản phụ thu khác, thu nhập mỗi tháng của cô đạt chưa đầy 5,1 triệu. Cô Phương Khanh cho biết thêm: Với mức thu nhập này, gia đình đang có con độ tuổi đi học như cô phải thật sự tằn tiện mới có thể “đắp đổi” qua ngày và không thể có khoản phòng thân trong những lúc đau yếu hoặc những tình huống đột xuất khác.
Cô Triệu Thị Huệ - GV Trường chuyên Lê Hồng Phong thì tâm sự: "Với thâm niên gần 30 năm trong nghề cộng thêm đủ các khoản hỗ trợ từ công đoàn trường và cả phụ cấp trách nhiệm khi giữ vị trí tổ trưởng tổ văn Trường chuyên Lê Hồng Phong, mức thu nhập của tôi cũng chỉ tròm trèm 6,5 triệu đồng.
Thú thực, theo tôi biết mức thu nhập này đã là cao so với nhiều đồng nghiệp ở những trường khác cũng như các địa bàn còn khó khăn khác. Tuy nhiên, nếu xét vấn đề một cách sát thực, cụ thể và mang tính logic hơn thì thu nhập này hoàn toàn không đủ chi tiêu cho một gia đình công chức, có hai con đang độ tuổi đi học, nhất là khi sống tại một địa phương có mức sinh hoạt thuộc hàng đắt đỏ nhất nhì hiện nay như TPHCM. Nếu không “cày thêm” thì không thể sống nổi. Song nếu không biết “điều tiết”, cân đối giữa việc làm chính và làm thêm thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, như dân gian ta vẫn có câu nghề giáo chính là nghề “bán cháo phổi” đó thôi.
Sống với nghiệp “gõ đầu trẻ”, vắt kiệt sức với nghề là lao lực ngay. Nếu chủ quan nhận định, tôi cho rằng nghề giáo là một nghề nặng nhọc chứ không hề nhàn hạ, thanh thản như hình ảnh chiếc áo dài đồng phục của nhiều giáo viên. Nghề này rất cần một chế độ đãi ngộ hợp lý. Bởi nhìn vấn đề một cách rộng hơn, vấn đề thu nhập chế độ đãi ngộ cho giáo viên chính là cốt lõi của chất lượng giáo dục. So sánh một cách nôm na, nếu muốn tạo ra những sản phẩm tốt (những thế hệ HS có kiến thức và nhân cách tốt) thì chính người thợ (đội ngũ giáo viên) phải có một đời sống, một sức khỏe ổn định ở mức chấp nhận được so với mặt bằng chung của xã hội. Có như thế, họ mới có tâm huyết và cả sức lực để cống hiến cho nghiệp “trồng người” còn nếu không sẽ phải chấp nhận một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ giáo viên sẽ mãi mãi dừng ở mức là những người “thợ dạy”…

Chia sẻ

M.Hương75@gmail.com - 04/10/2012 16:52

Ở đây Tôi mới thấy bàn đến mức lương của giáo viên phổ thông, nhưng còn hệ thống giáo viên dạy nghề thì chưa thấy đề cập tới, Tôi thấy giáo viên dạy nghề, kể cả bậc trung cấp đến cao đẳng đều vẫn theo thang bậc lương của giáo viên phổ thông, nhưng mọi người không biết đến là: giáo viên dạy nghề trong các trường kể cả trường công lập không có lương hoặc có lương thì mức lương còn thấp hơn cả mức lương tối thiểu của nhà nước quy định, nếu mọi người không tin thì hãy hỏi Trường trung cấp nghề công trình 1 thuộc Tổng công ty XDCTGTI, đội ngũ giáo viên ở đây 9 tháng rồi không có lương, mỗi tháng bình quân chỉ được ứng có ... 500.000đ, hỏi ai có tin không?

Không có nhận xét nào: