Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Học sinh giỏi chưa mê ngành sư phạm

Học sinh giỏi chưa mê ngành sư phạm


Ngành sư phạm đang đứng trước nguy cơ sụt giảm chất lượng vì ngày càng ít thí sinh giỏi dự thi. Đây là thực trạng báo động cho chất lượng giáo dục trong tương lai, bởi thiếu thầy giỏi thì khó lòng đào tạo ra những trò giỏi.

“Chuột chạy cùng sào” vẫn không vào sư phạm !



GS Đinh Quang Báo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ĐH Sư phạm Hà Nội, chua chát nói: “Vài ba năm nay thì tuyển sinh vào ngành sư phạm (SP) còn nặng nề hơn cả câu "chuột chạy cùng sào", nghĩa là đã phải tuyển nhóm "cùng sào" rồi mà cũng không đủ. Nếu cứ tiếp tục thế này sẽ là một vấn đề báo động cho chất lượng giáo dục phổ thông. Anh muốn nâng cao chất lượng nền giáo dục mà chất lượng đội ngũ giảng dạy không được cải thiện thì chỉ là nói suông”.

Tháng 3.2012, tiến sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh Loan, Phó trưởng khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cùng cộng sự công bố nghiên cứu về xu hướng chọn ngành thi ĐH của thí sinh tại TP.HCM giai đoạn 2006 - 2010. Kết quả cho thấy nhóm ngành kinh tế, quản lý, tài chính luôn có lượng đăng ký rất cao. Trong khi đó, số lượng thí sinh đăng ký dự thi ngành SP - quản lý giáo dục ngày càng giảm, nhất là các ngành: tiếng Pháp, Nga, năng khiếu, âm nhạc…

Năm 1998, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có hơn 22.000 thí sinh dự thi, đến năm 1999 có gần 30.000 và năm 2000 có đến hơn 40.000. Thế nhưng, trong 3 năm trở lại đây, lượng thí sinh thi vào trường khoảng từ 15.000 đến hơn 17.000. Số lượng thí sinh thi vào ngành SP ở các trường địa phương năm nay rất thấp. Tại ĐH Cần Thơ, ngành SP tiếng Pháp có 20 thí sinh, trong khi chỉ tiêu của ngành là 40… Đến nay, nhiều trường đã phải tuyên bố đóng cửa ngành SP vì không đủ sinh viên để mở ngành. Trường ĐH Quảng Nam tạm dừng tuyển sinh ngành SP mỹ thuật (bậc CĐ), Trường ĐH An Giang tạm dừng tuyển sinh ngành SP sinh học và SP tin học…
Mùa tuyển sinh năm 2012, lãnh đạo Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã nhận định thí sinh của tỉnh này dự thi vào SP thấp kỷ lục. Trong tổng số gần 80.000 hồ sơ thí sinh dự thi vào các trường, chỉ có hơn 386 vào ĐH SP Hà Nội, 29 vào SP Huế, 41 vào ĐH SP Hà Nội 2; 392 vào CĐ Sư phạm T.Ư. Ở Phú Thọ, số lượng cũng giảm đáng kể: 425 vào ĐH SP Hà Nội, 349 vào ĐH SP Hà Nội 2…

Những năm gần đây, các trường sư phạm không còn là điểm nóng tuyển sinh như trước đây - Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Điểm chuẩn cũng thấp dần

Trong những năm khoảng từ 1999 đến 2003, SP là một trong ít ngành có điểm chuẩn cao thời bấy giờ. Chẳng hạn tại Trường ĐH SP TP.HCM, năm 1999 ngành SP toán lấy 20 điểm, năm 2000 là 31 (môn toán hệ số 2), vào năm 2002 lấy 22 và năm 2004 là 24. Khoảng thời gian này, thí sinh nào trúng tuyển vào SP được coi là danh giá và được bạn bè ngưỡng mộ…

Đông đảo thí sinh chọn ngành SP trong giai đoạn này vì học phí cho tất cả học sinh, sinh viên ngành SP được miễn. Thạc sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn (lúc bấy giờ còn là CĐ Sư phạm TP.HCM), cho biết: “Thời điểm đó kinh tế khó khăn, việc học SP không phải đóng học phí, ra trường lại được bố trí việc làm ngay khiến phụ huynh và thí sinh rất mê. Chỉ những học sinh giỏi mới có khả năng trúng tuyển. Khá chưa chắc đã đậu”.

GS Đinh Quang Báo cho rằng thời kỳ hoàng kim trong tuyển sinh Trường ĐH SP Hà Nội là từ 1997 - 2003, hồi ấy phải đạt 27 điểm/3 môn mới đỗ vào khoa toán, 24 - 25 điểm vào khoa văn, các khoa khác cũng phải 22 điểm, tỷ lệ là 7 - 8 thí sinh “chọi” 1, thậm chí mười mấy chọi 1. Sau năm 2003, chất lượng đầu vào trường SP đuối dần nhưng vẫn còn học sinh giỏi để tuyển, chỉ có điều những thí sinh xuất sắc nhất (đoạt giải quốc gia, quốc tế) thì không vào SP nữa.

Thế nhưng vài năm trở lại đây, điểm chuẩn những trường ĐH có đào tạo ngành SP thường khá thấp.
Ba năm gần đây, điểm chuẩn nhiều ngành tại trường ĐH SP TP.HCM chỉ ngang điểm sàn (khoảng 13 - 14 điểm) như: SP giáo dục chính trị, SP sử - giáo dục quốc phòng, SP giáo dục đặc biệt… Nhiều ngành như: SP tin học, SP tiếng Pháp phải xét tuyển. Đa số ngành SP ở các trường ĐH An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp cũng chỉ tương đương điểm sàn. Tại Trường ĐH Sài Gòn, các ngành SP cơ bản như: toán, lý, văn, sử… cũng có điểm chuẩn thấp so với các ngành khác, dao động từ 16 - 17,5 điểm.

Năm nay, ngành SP tiếng Pháp của ĐH Cần Thơ chỉ có 12/20 thí sinh dự thi đạt điểm từ 13 trở lên. Ngành SP ngữ văn của Trường ĐH Trà Vinh có 24/105 đạt 13 điểm. Đặc biệt, ngành SP toán Trường ĐH Đồng Tháp chỉ có 10 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên ở 2 khối A và A1, ngành SP tin học có 13 thí sinh và điểm cao nhất chỉ 11 điểm, SP vật lý có 27 thí sinh nhưng chỉ 1 đạt 14,5 điểm…

Tiến sĩ Bạch Văn Hợp, Hiệu trưởng Trường ĐH SP TP.HCM, thừa nhận: “Đúng là thí sinh giỏi ngày nay không chọn học SP. Thực tế, nhiều em đạt điểm cao ở trường (từ 27 điểm trở lên) nếu đỗ thêm một trường khác nữa thì họ sẵn sàng chọn học trường đó. Những năm trở lại đây, chính vì SP không còn sức hút nên các trường SP phải đào tạo thêm nhiều ngành ngoài SP để tuyển dễ hơn”.

Thấy mà buồn !

Những năm gần đây, không nhiều học sinh các trường THPT trên địa bàn TP.HCM chọn thi SP. Ông Trần Phước Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4), cho biết: “Trong năm học vừa qua, trường có 500 học sinh lớp 12 nhưng số lượng đăng ký thi ngành SP chiếm chưa đến 1%”. Tương tự, theo lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10) năm vừa rồi, lượng HS chọn thi SP cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Đức cho rằng: “Những năm 1990, điểm chuẩn của ngành SP rất cao, các ngành khối A không thua các ngành thuộc Trường ĐH Bách khoa. Những năm gần đây, điểm đầu vào các trường SP giảm sút đáng kể, thấy mà buồn”.
Minh Luân
Học sinh giỏi chưa mê ngành sư phạm - Kỳ 2: Còi cọc đồng lương, bấp bênh việc làm
bênh việc làm


09/10/2012 3:20

Theo nhiều giáo viên, lương không đủ sống là lý do chính khiến nhiều người không chọn sư phạm làm nghề nghiệp. Đó là chưa kể sinh viên ngành này ra trường gặp rất nhiều khó khăn trên con đường tìm việc.
Sinh viên ngành giáo dục tâm lý Trường ĐH SP TP.HCM trong giờ thuyết trình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

29 năm, lương 4,8 triệu đồng

PGS Vũ Trọng Rỹ, Viện Khoa học giáo dục, chỉ rõ: “Để tình trạng không có người giỏi vào sư phạm (SP) như hiện nay đơn giản vì chế độ chính sách đãi ngộ với họ chưa thỏa đáng, không tốt. Nghề không nuôi sống được bản thân, gia đình”.
Tôi đã hỏi hơn 500 GV ở 3 cấp với câu hỏi: Nếu được chọn lại nghề khác thì ông (bà) có chọn nghề dạy học nữa không? Kết quả là số GV không còn muốn làm nghề giáo ở cấp tiểu học là 40,9%, THCS là 59%, và THPT là 52,4%. Thế là có ít nhất một nửa GV hiện nay không muốn làm nghề dạy học nữa
PGS Vũ Trọng Rỹ, Viện Khoa học giáo dục


Một giáo viên (GV) tâm sự đầy chua chát: “Tôi không dám so lương thấp với ai. Tôi chỉ thấy trước hết là thấp so với cái người ta cần để tồn tại chứ chưa nói đến chuyện để sống sung sướng. Trước tháng 5.2012 (lương tối thiểu lên 1,05 triệu đồng), khi lương tối thiểu là 850.000 đồng, sinh viên giỏi trường SP được giữ lại làm cán bộ giảng dạy chỉ được khoảng 1,4 triệu đồng/tháng, khi hết tập sự thì khoảng 2 triệu đồng/tháng”.
Một GV có thâm niên gần 30 năm trong nghề nói: “Ngày đầu tiên bước vào ngành SP năm 1982, tôi đã biết là nghề này nghèo và khó khăn. Tôi cố gắng làm việc đến nay đã hơn 29 năm, lương của tôi được 4,8 triệu đồng. Tôi nghe các cấp lãnh đạo hứa nhiều đến... 29 năm rồi nhưng vẫn hy vọng”.
Ông Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Củ Chi, TP.HCM), phân tích: “Nguyên nhân để người giỏi ít vào ngành SP là đầu ra bấp bênh hơn so với một số ngành khác. Thứ hai là thu nhập rất khiêm tốn. Trong khi đó, lao động của GV rất vất vả, phải cần mẫn, kỹ lưỡng”. Một GV tiểu học tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) cho biết: “Khi ra trường, mức lương của tôi chỉ 1,8 triệu đồng/tháng. Trong khi các bạn mình học khối ngành kinh tế lương 7-8 triệu đồng. Sau 2 năm giảng dạy, tổng lương, phụ cấp hằng tháng chỉ khoảng 3 triệu đồng. Do yêu nghề từ bé nên tôi mới gắn bó với nghề, chứ thực chất cũng rất ngao ngán”.
Hỏi ngẫu nhiên các GV, 100% đều nhận định chính do chế độ đãi ngộ, áp lực nặng nề nên ngày càng ít người chọn SP. Cô giáo 23 tuổi, dạy tại một trường THPT ở Q.8 (TP.HCM), chia sẻ: “Thu nhập của tôi chỉ đủ trang trải tiền nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt hằng ngày... Còn khi có việc như: đám cưới, đám giỗ, hay mua đồ dùng trong nhà, học thêm đều phải ngửa tay xin bố mẹ ở quê”. Ngay như cô Sương Mai (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) thâm niên 30 năm trong nghề nhưng lương nhận hằng tháng cũng khoảng 5 triệu đồng.

Lương giáo viên Việt Nam quá thấp

Tháng 4.2012, Báo The Guardian (Anh) đưa ra bảng thống kê nước nào chi nhiều tiền nhất cho giáo dục, trong đó có thông tin về mức lương của giáo viên tại các nước. Theo thống kê, Luxembourg là nơi giáo viên nhận được mức lương cao nhất thế giới, với 95.043 USD/năm. Xếp thứ hai là Đức với 55.771 USD/ năm. Tiếp theo là Canada 54.977 USD/năm và Ireland 53.677 USD/năm.

Khu vực châu Á chỉ có Nhật Bản và Hàn Quốc lọt vào bảng xếp hạng này. Giáo viên ở Nhật Bản có lương 44.787 USD/năm (tương đương 3.732 USD/tháng). Hàn Quốc cao hơn với 46.337 USD/năm (3.861 USD/tháng). Trong khi đó, mức lương trung bình của người mới đi dạy tại Việt Nam chỉ khoảng 1.200 USD/năm (hơn 25 triệu đồng).
Đ.Nguyên

Khó tìm việc làm

Tình trạng sinh viên SP ra trường phải vất vả tìm việc, thậm chí thất nghiệp chuyển sang các nghề khác hiện rất phổ biến.
Thạc sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, chia sẻ: “Về việc làm thì GV THPT và THCS rất khó xin việc hoặc bị phân về những trường xa, điều kiện làm việc khó khăn. Trước đây các thành phố lớn yêu cầu GV phải có hộ khẩu thành phố, nhưng hiện nay chỉ cần KT3 là được nên sinh viên ngoại tỉnh đổ xô về thành phố xin việc, dẫn đến khủng hoảng thừa GV”.
Ông Nguyễn Văn Ngai, Nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Ngay tại TP.HCM, số lượng đăng ký vào ngành giáo dục đông nhưng tuyển có giới hạn. Lương không cao, ra trường lại chưa chắc có việc làm, dần dà sẽ làm cho ngành này mất sức hấp dẫn đối với những em học sinh”. Còn tiến sĩ Bạch Văn Hợp, Hiệu trưởng Trường ĐH SP TP.HCM, cũng cho rằng hiện nay sinh viên học SP chỉ có lợi là không phải đóng học phí. Còn sau đó thì khi về địa phương, họ không được vào biên chế, xin việc hết sức khó khăn.

Chọn rồi thì... hối hận

Tiến sĩ Bạch Văn Hợp khẳng định: “Một khi đã nghèo thì khó ai có thể toàn tâm toàn ý cho công việc, họ sẽ mất tập trung vì còn phải nghĩ đến cơm áo gạo tiền. Mức lương không đáp ứng cuộc sống tối thiểu dễ khiến người ta chán nản”.
Là một thành viên của nhóm nghiên cứu đề tài cấp nhà nước về đào tạo và bồi dưỡng GV phổ thông, PGS Vũ Trọng Rỹ cho hay: “Tôi đã hỏi hơn 500 GV ở 3 cấp với câu hỏi: Nếu được chọn lại nghề khác thì ông (bà) có chọn nghề dạy học nữa không? Kết quả là số GV không còn muốn làm nghề giáo ở cấp tiểu học là 40,9%, THCS là 59%, và THPT là 52,4%. Thế là có ít nhất một nửa GV hiện nay không muốn làm nghề dạy học nữa. Họ hối hận với lựa chọn nghề giáo. Một bộ phận đáng kể đang chán nghề. Cũng theo kết quả điều tra của đề án nói trên, số GV thực sự yêu nghề, gắn bó với nghề chỉ chiếm khoảng 10 - 20%. Không ít GV ở đô thị khi có điều kiện thuận lợi thì chuyển ngành. Còn theo nghiên cứu tại Khoa Hóa học Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) có 17,8% sinh viên không an tâm với nghề nghiệp.
Nhiều GV cho rằng ngoài lương bổng, điều họ cảm thấy chán nghề là áp lực công việc. Một GV dạy tiểu học dẫn chứng: “Mỗi tháng, chấm không biết bao nhiêu bài kiểm tra, bài tập. Chưa hết, GV còn phải quản lý sổ điểm, sổ đầu bài, sổ liên lạc rồi họp chuyên môn, thao giảng, dự giờ... Chỉ chuyện lời phê vào phiếu liên lạc hằng tuần, chấm bài, vô điểm… của vài chục học sinh cũng đã mất hết thời gian. Có khi phải dành cả thứ bảy, chủ nhật để làm những việc này”.

Ý kiến

“Số lượng học sinh đăng ký dự thi vào ngành SP rất ít. Năm nào tỷ lệ này chiếm chưa đến 1/3 so với các ngành kinh tế, kỹ thuật...”.

Sương Mai (Phụ trách công tác hướng nghiệp Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM)

“Thời gian chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký dự thi, chỉ thấy các em bàn tán, hỏi thăm nhau về khối ngành kinh tế, thương mại, kỹ thuật chứ chả mấy em nói với nhau về ngành SP”.

Nguyễn Hoàng Việt
(Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM)

“Trong các buổi hướng nghiệp, nhà trường cũng động viên các em theo ngành SP, đặc biệt là nữ và còn khuyến khích tốt nghiệp quay về trường làm việc nhưng dường như không có tác dụng”.
Lê Văn Linh
(Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Thanh Bình, TP.HCM)


Học sinh giỏi chưa mê ngành sư phạm - Kỳ 3: Lo ngại cho tương lai nền giáo dục   Nếu người giỏi, có tâm huyết cứ xa lánh ngành sư phạm, đời sống giáo viên không được quan tâm đúng mức thì giáo dục Việt Nam sẽ nhận hậu quả hết sức nặng nề.

Nhà giáo Nguyễn Quang Kính, thành viên của nhóm nghiên cứu đề tài cấp nhà nước về đào tạo và bồi dưỡng giáo viên (GV) phổ thông, dẫn lời của PGS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm (SP) TP.HCM: “Nếu một nền giáo dục mà mọi thứ đều hoành tráng, chỉ trừ ông thầy, vốn chỉ là những học sinh phổ thông trung bình, vào nghề với sự bất đắc dĩ, vừa dạy học, vừa bươn chải kiếm sống thì có thể nói một cách quả quyết là nền giáo dục đó không có tương lai”.


Nếu một nền giáo dục mà mọi thứ đều hoành tráng, chỉ trừ ông thầy, vốn chỉ là những học sinh phổ thông trung bình thì có thể nói một cách quả quyết là nền giáo dục đó không có tương lai

PGS BÙI MẠNH HÙNG -
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

“Đáng lo ngại là nền GD-ĐT của chúng ta đang phải đối mặt với thực tế đó”, ông Kính nhấn mạnh.
Thiếu giáo viên giỏi
Tiến sĩ Bạch Văn Hợp, Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP.HCM, thừa nhận: “Người giỏi không vào SP cho nên có một thực tế là GV bây giờ không giỏi. Nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển, trò có thể tìm được mọi thông tin trên mạng, thầy mà tụt hậu sẽ rất ê chề. Trò biết mà thầy không biết thì không thể dạy được. Thầy giỏi trò mới giỏi, thầy tệ trò khó giỏi”.
Theo GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, nền giáo dục của chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề lớn là chất lượng của GV chưa cân đối, các trường SP không tuyển được học sinh giỏi, từ đó tạo ra GV không giỏi.
Chính vì thực trạng này nên mới xảy ra những sự việc đáng tiếc. Chẳng hạn trường hợp học sinh phổ thông phát hiện GV dạy tiếng Anh phát âm sai. Giảng viên dạy toán ở một trường ĐH lớn có ngành SP thì ngậm ngùi cho rằng càng ngày càng ít sinh viên SP học toán có tư duy toán học.
Một người trong ngành giáo dục lâu năm thừa nhận: “Hiện nay khi tuyển GV, tôi thấy năng lực của giáo sinh có vấn đề, thiếu bản lĩnh, không nhìn thấy được cái chất của họ với nghề”. Thạc sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sài Gòn, khẳng định: “Chất lượng của SV ngành SP cực kỳ quan trọng. Trường ĐH chỉ có thể biến những SV có lực học trung bình lên mức khá hơn một chút, chứ không thể từ trung bình thành xuất sắc. Do đó, đầu vào thấp là một mối lo lớn về chất lượng của những người thầy tương lai”.

Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cũng thông tin, trong số 356.000 GV tiểu học hiện nay có khoảng 30% loại khá giỏi, 20% yếu kém.

Giáo dục Việt Nam sẽ về đâu nếu ngày càng ít thầy giỏi, tâm huyết với nghề ? - Ảnh: Đào Ngọc Thạch


 Chỉ là “thợ dạy”
Kết quả khảo sát thực tế ở 8 cơ sở đào tạo GV thuộc Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Sơn La, Cần Thơ cho thấy kỹ năng nghề nghiệp ở các sinh viên rất yếu, đặc biệt là các kỹ năng giáo dục học sinh cá biệt, phối hợp với cha mẹ học sinh và cộng đồng, giải quyết các tình huống SP, lập kế hoạch giáo dục… Sinh viên năm cuối và GV đều có biểu hiện năng lực dạy tốt hơn năng lực giáo dục. Nói nôm na là phẩm chất “thợ dạy” nổi trội hơn “thợ giáo”.
Nói về việc này, một GV tâm sự: “Biết học sinh đó gặp khó khăn về gia cảnh, học tập, hoặc học sinh cá biệt quậy phá… tôi cũng muốn dành thời gian tìm hiểu nhưng thực sự không thể vì thời gian bó hẹp. Tôi còn nhớ, vào những năm 1980, cũng khó khăn trăm bề nhưng phải đặt mục tiêu là mỗi tháng phải đến nhà học sinh một vài lần để nắm tình hình học tập và gia cảnh của các em. Còn giờ đây, hiếm có GV làm được việc này”.
Trong khi ngành GD-ĐT luôn kêu gọi và yêu cầu GV phải đổi mới phương pháp dạy học, lấy người học làm trung tâm thì kết quả nghiên cứu lại cho thấy năng lực tìm hiểu người học là yếu nhất trong các tiêu chí của chuẩn nghề nghiệp GV hiện nay. Một GV tại Q.8 (TP.HCM) cho biết: “Tôi thừa nhận mình thật sự đánh giá không sát năng lực học tập của học sinh. Nhiều khi tôi cũng muốn đọc kỹ từng ý, từng câu nhưng thời gian không cho phép”.

Mất dần vị thế người thầy

Chất lượng GV không tốt còn dẫn đến một hệ quả là chữ lễ không còn thiêng liêng như trước. Thạc sĩ Mỵ Giang Sơn trăn trở: “Típ “thầy ra thầy” có thể ngày nay lại bị coi là lạc hậu. Học trò, phụ huynh ngày càng giảm sự tôn kính với thầy. Thời xưa trò lễ phép với thầy, giờ học sinh ra khỏi trường đã có thể chửi thầy cô, sinh viên vừa tốt nghiệp cũng quay lại trường sẵn sàng khẩu chiến với thầy”. Ông Sơn cũng cho rằng bạo lực học đường tăng mạnh, mối quan hệ thầy trò không còn như xưa đã có tác động vô cùng lớn đối với xã hội. Trước những tiêu cực của môi trường giáo dục, nhiều người có nhiều cái nhìn cực đoan về ngành.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Quang Kính đề nghị cần sửa đổi chính sách để khôi phục vị thế của nghề dạy học. Một trong những chính sách đầu tiên cần phải sửa đổi, đó là tiền lương, phụ cấp, trợ cấp của nhà giáo. GS Đinh Quang Báo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu SP Trường ĐH SP Hà Nội, chia sẻ: “Không phải ai sống cũng với mục tiêu phải có thật nhiều tiền. Nhưng việc đảm bảo cho người ta đồng lương đủ sống mới giúp người ta chọn nghề là vì sở trường, vì năng lực chứ không vì đồng tiền”.

Trả lương gắn với kết quả lao động

Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, không chỉ xem lại cách trả lương đã đủ sống hay chưa mà còn nên thay đổi cách trả lương theo hướng phù hợp với giá trị lao động bỏ ra, gắn với kết quả lao động. Như hiện nay dù GV dạy tốt hay không thì mức lương “cứ tăng theo thời gian”. Đồng quan điểm, GS Đinh Quang Báo cũng đề nghị chế độ lương phải kích thích được những người trẻ có năng lực, có cố gắng. Cách trả lương hiện nay khiến người giỏi cũng như người kém, sống lâu lên lão làng. Nhiều GV trẻ rất giỏi nhưng vẫn phải "leo từ từ".

Một số nước áp dụng giấy phép hành nghề, tốt nghiệp ĐHSP không có nghĩa là được đi dạy ngay mà phải vượt qua một kỳ sát hạch. Giấy phép hành nghề cũng có thời hạn, chẳng hạn cứ 5 năm phải đổi một lần. Ngay cả khi GV có khả năng vượt trội, được hưởng một mức lương tương xứng với khả năng đó cũng không có nghĩa là sẽ được hưởng mãi mãi. Nếu không cố gắng, thậm chí còn thụt lùi, sẽ phải quay về với mức lương thấp hơn - GS Báo đề xuất.

Tuệ Nguyễn

Học sinh giỏi chưa mê ngành sư phạm - Kỳ 4: Nghề đặc biệt phải có chính sách đặc thù

Cần phải có những thay đổi sâu rộng từ quan điểm đến chính sách về đội ngũ nhà giáo thì mới mong quá trình đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục thành công.

Chính lãnh đạo ngành GD-ĐT cũng xác định đội ngũ giáo viên (GV) quyết định sự thành bại trong công cuộc đổi mới giáo dục.


Giáo viên được trao giấy nhận nhiệm sở tại Sở GD-ĐT TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Phải giải quyết căn cơ vấn đề GV
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đặc biệt lo ngại khi cho rằng mặc dù vai trò của người thầy là căn cứ quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển giáo dục nhưng cho đến nay, vấn đề GV chưa một lần được giải quyết căn cơ, thấu đáo khiến cho tất cả những mong muốn đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục ở nhà trường đều không thực hiện đến nơi đến chốn.
Bà Nguyễn Thị Bình nhận định: Theo các kết quả điều tra mới nhất, một tỷ lệ khá lớn GV phổ thông không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục hiện hành. Sắp tới đây, chất lượng GV mới vào nghề còn thấp hơn nữa vì phần lớn sinh viên đang học tại các trường sư phạm (SP) và các cơ sở đào tạo của các trường SP vốn chỉ là những học sinh phổ thông trung bình mà nội dung phương pháp đào tạo thì quá lạc hậu. “Tình trạng vừa thừa vừa thiếu GV tồn tại dai dẳng hàng chục năm qua không giải quyết được cũng khiến cho công tác đào tạo và sử dụng GV gặp không ít khó khăn”, bà Bình nói.
Bản thân Bộ GD-ĐT cũng đã thừa nhận thực tế này. Đổi mới phương pháp dạy và học cùng với quá trình đổi mới chương trình - sách giáo khoa do Bộ phát động từ nhiều năm nay không có chuyển biến đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực của GV chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong Chương trình phát triển ngành SP từ năm 2011 - 2020, Bộ đã thừa nhận những hạn chế, yếu kém của ngành SP hiện nay. Văn bản này có đoạn: “Các địa phương và cả nước đều chưa có quy hoạch mạng lưới các trường SP và quy hoạch đội ngũ GV; quá trình đào tạo chưa dựa trên nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu chuyên môn đội ngũ GV và những đổi mới của giáo dục phổ thông và mầm non”.

Thực tế này đã chỉ ra một nghịch lý đáng buồn: Chính Bộ nhiều năm nay hô hào việc đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng nhưng lại chưa thực hiện được trong chính lĩnh vực của mình. Với tư cách vừa là cơ quan sử dụng lao động đối với đội ngũ GV vừa quản lý các trường đào tạo GV, nghĩa là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, vậy mà vẫn tình trạng giáo sinh ra trường không tìm được việc làm, phải làm đủ mọi nghề “tay trái” để kiếm sống. Điều này là bằng chứng hiển hiện khiến các trường SP ngày càng mất dần sức hút với học sinh khá giỏi.

Thay đổi cách tuyển sinh, tuyển dụng

Cần phải tập trung sửa đổi chính sách đối với nhà giáo. Làm cho GV đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực và có thu nhập từ lương và phụ cấp cao hơn mức thu nhập trung bình trong xã hội; đồng thời làm cho nghề dạy học được xã hội thực sự coi trọng và có sức hút đối với học sinh khá, giỏi

Nguyên Phó chủ tịch nước NGUYỄN THỊ BÌNH

Lâu nay, dư luận vẫn nói “nghề GV là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Thế nhưng từ việc tuyển sinh đầu vào của trường SP đến tuyển dụng GV lại không hề có một đặc thù nào để chọn được người xứng đáng vào làm “nghề cao quý nhất…” này.

Ngành giáo dục là cơ quan sử dụng GV nhưng việc tuyển dụng đội ngũ này ra sao lại phụ thuộc vào quy định của Bộ Nội vụ. Chẳng hạn khi đề cập tới chất lượng GV dạy môn lịch sử thấp, một nhà giáo đã nói: “Tuyển dụng GV dạy lịch sử mà như tuyển một công chức bình thường, không có chuyên gia nào về lịch sử ở hội đồng tuyển dụng đó thì làm sao có thể tuyển được người giỏi”.

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng chia sẻ: “Từ tuyển dụng đến bình xét, đánh giá GV, dù có rất nhiều đặc thù riêng nhưng hiện vẫn phải theo quy định của ngành nội vụ. Chính vì vậy, ngành GD-ĐT rất khó đưa các yếu tố đặc thù vào, nên hiệu quả sử dụng và quản lý con người trong chính ngành của mình bị hạn chế”. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng nhận định: “Việc tuyển dụng người lao động của chúng ta lâu nay mang tính hình thức nhiều quá mà rất ít các yêu cầu để đánh giá năng lực chuyên môn của người được tuyển chọn. Tôi cho rằng, nếu chỉ nhìn vào bằng cấp rồi cho thi tuyển như hiện nay, có khả năng tới quá nửa kết quả tuyển dụng sai”.

Lương phải cao nhất trong ngành sự nghiệp

Theo điều tra mới nhất của Bộ Nội vụ, hơn 98% ý kiến cho rằng mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng 30 - 40% nhu cầu tối thiểu của cán bộ công chức, viên chức (trong đó GV chiếm số lượng lớn). Do đó, rất khó thu hút được người có tài năng vào làm việc. Bên cạnh đó, mức lương thấp không duy trì nghiêm được tính kỷ luật, thứ bậc và không tạo được tính cạnh tranh.

Để việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục sắp tới không chỉ là việc làm nửa vời, bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh: “Cần phải tập trung sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng GV. Làm cho GV đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực và có thu nhập từ lương và phụ cấp cao hơn mức thu nhập trung bình trong xã hội; đồng thời làm cho nghề dạy học trở thành một trong những lĩnh vực nghề nghiệp được xã hội thực sự coi trọng và có sức hút đối với học sinh khá, giỏi”.

Nghị quyết T.Ư 2 khóa 8 (năm 1996) đã đề ra mục tiêu, lương GV phải cao nhất trong thang bảng lương của khối hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, 16 năm nay, điều này vẫn chưa đi vào thực tế. Thậm chí, theo kết quả thống kê của Viện Khoa học lao động và xã hội trong bảng lương công chức, thấp nhất là lương của các GV mới vào nghề, có người chưa đến 2 triệu đồng.

Ông Nguyễn Vinh Hiển cho hay: “Nếu thực hiện được Nghị quyết T.Ư 2, khóa 8, cộng với phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên thì đồng lương của GV cũng đã cải thiện được hơn nhiều so với hiện nay. Bên cạnh đó, phải thay đổi cách thức trả lương GV theo chất lượng, hiệu quả của công việc”. Ông Hiển cũng cho biết, đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT có nhiều vấn đề quan trọng nhưng Bộ cũng quan niệm chất lượng đội ngũ GV phải được xem là giải pháp cốt lõi, quan trọng nhất, vì chính đội ngũ này quyết định sự thành bại của việc đổi mới.

Tuệ Nguyễn

Không có nhận xét nào: