Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Vì con em sẽ thứ tha


Vì con em sẽ thứ tha

ANTĐ - Ngày 19-3 vừa qua, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Hoài Nam tạt axit vào mặt vợ. Cũng tại phiên tòa này, nạn nhân Nguyễn Thúy Hiền đã đứng lên xin giảm nhẹ hình phạt cho chồng. Một hình ảnh đẹp, một sự cao thượng mà không phải người nào rơi vào hoàn cảnh của chị cũng có thể làm được. Lý giải cho việc làm ấy, Hiền nói ngắn gọn “tôi muốn anh Nam sớm được về với các con…”

Sự bao dung của người vợ

Ba ngày trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, Thúy Hiền gọi điện cho tôi và nhờ tư vấn về việc làm đơn xin giảm án cho chồng mình. Theo lý thông thường thì chỉ cần Hiền làm đơn gửi tòa án thì Nam sẽ được giảm án. Tuy nhiên, vì Hiền muốn làm việc này trong im lặng, chỉ có chị và những người cầm cân nảy mực biết thôi bởi nếu biết chị viết đơn xin giảm án cho Nam thì những người thân trong gia đình chị sẽ không bao giờ chấp nhận khi họ nhìn gương mặt biến dạng của chị.

Nhớ phiên tòa xử sơ thẩm ngày 29-11-2011 tại TAND huyện Đông Triều, sau khi Viện kiểm sát đề nghị mức án 7 năm 6 tháng tù giam cho Nam, vị thẩm phán hỏi bị cáo có ý kiến gì, Nguyễn Hoài Nam đã khảng khái nói rằng “tôi nghĩ mức án ấy quá cao so với tội của tôi gây ra”, thẩm phán Nguyễn Văn Nam đã nói với bị cáo rằng, với mức độ thương tật là 60%, mắt phải hỏng hoàn toàn, mắt trái mất 3/10 thị lực, phần mũi phải làm mới, gương mặt bị biến dạng… thì mức án Viện kiểm sát đề nghị cho Nam không phải là mức án cao so với hành vi phạm tội mà Nam gây ra.

Về phía nạn nhân, khi được hỏi ý kiến, chị đã đứng lên và nói với bị cáo rằng “anh hãy nhìn em và hai con của chúng ta để thấy rằng bi kịch các con đang phải chịu như thế nào”. Cũng trong phiên tòa ấy, khi được hỏi về số tiền bồi thường chị Hiền lắc đầu nói rằng “nếu gia đình anh Nam có điều kiện thì hỗ trợ tôi một ít chứ tôi không đòi hỏi bao nhiêu”. Nghe chị nói thế, mẹ chị đã vùng lên, uất hận nhìn người con rể hơn chục năm qua lại nhà mình như một kẻ tội đồ. Với bà, con gái mình có thể tha thứ cho Nam nhưng bà không bao giờ đủ bao dung ấy. Bà đưa tấm ảnh thuở con chưa bị nạn giơ lên cao cho mọi người xem, bật khóc mắng con mình “sao con có thể cao thượng đến thế còn mẹ, mẹ không thể chấp nhận được khi đứa con mình sinh ra lành lặn mà bị kẻ khác hủy hoại đến thân tàn ma dại như thế”.

Giờ nghị án, Hiền đưa các con đến với bố, cuộc trò chuyện ngắn gọn giữa hai vợ chồng cũng diễn ra, nhẹ nhàng như bản tính của Hiền mà tôi đã chứng kiến suốt quá trình chị chạy khắp các bệnh viện chạy chữa những vết thương trên gương mặt và thân thể mình.

Hiền bảo với tôi rằng “anh Nam có đi tù 5 năm, 10 năm, 20 năm hay thậm chí là tù chung thân thì gương mặt Hiền cũng không bao giờ hồi phục lại được như cũ. Điều tôi mong muốn bây giờ là anh Nam chỉ phải chịu mức phạt thấp, để anh sớm được ra tù và hỗ trợ tôi nuôi hai con nhỏ. Vì con, tôi chấp nhận thiệt thòi…”. Sau câu nói của chị Hiền, tôi bỗng chạnh lòng thương cho người phụ nữ ấy. Cho đến tận lúc ấy mà sao chị vẫn đủ bao dung để nghĩ cho người khác nhiều đến thế.

Trong phiên phúc thẩm vừa qua, Nam được hạ mức án xuống còn 6 năm 6 tháng tù giam. Hiền đã đứng lên xin HĐXX giảm thêm để Nam sớm được về nhà. Sau khi xem xét, HĐXX quyết định giảm thêm cho Nam 6 tháng tù giam, mức án còn lại là 6 năm tù.

Hạnh phúc vốn mong manh

Sau phiên xử, Hiền kể với tôi rằng, khoảnh khắc đứng lên xin giảm án cho chồng thực sự chị rất lo lắng vì hành động ấy của chị không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào từ gia đình. Mẹ Hiền từng bảo con gái rằng “con ơi, khi người ta hất cả ca axit vào mặt con thì người ta có nghĩ cho con không? Sự bao dung của con đã đẩy con vào bi kịch này”. Hiền đã khóc bảo với mẹ rằng “người ta có thể bất nhân nhưng con không thể bất nghĩa. Hai đứa con của con sẽ còn lớn lên, nhìn mẹ ứng xử để chúng nó sống đúng với đời”. Một kiểu dạy con hướng thiện mà có lẽ rất ít người làm được trong nghịch cảnh đắng cay ấy.

Thực tế, nếu nhìn lên gương mặt biến dạng của chị, chẳng ai nghĩ được rằng người ta đủ cao thượng để có thể xin cho người chồng tàn nhẫn ấy được giảm mức án thấp. Bản thân tôi cũng từng lý giải vì sao một người phụ nữ không phải học rộng hiểu nhiều, sự hiểu biết của chị chỉ gói gọn ở những phiên chợ đi sớm về khuya lại có sự hiểu biết về lẽ sống ở đời đến thế.

Hiền bảo, chị tiếc nuối khoảng thời gian 10 năm hạnh phúc của mình. Hồi chị lấy Nam, gia đình đã ngăn cản nhiều vì ai cũng biết, Nam vốn nổi tiếng bài bạc, cũng vì ham mê bài bạc nên Nam bị bạn gái cũ bỏ rơi. Thế nhưng thời gian ấy, Hiền lại nghĩ rằng, tuổi trẻ được phép có những sai lầm và điều quan trọng là biết vượt qua sai lầm ấy. Nghĩ vậy nên chị đồng ý lấy Nam, mặc cho chòm xóm bàn ra tán vào cho rằng  chị dại khờ.
Những năm đầu của cuộc sống lứa đôi, anh chị rất hạnh phúc. Nam làm việc ở tiệm kim hoàn nhỏ còn chị buôn bán ngoài chợ. May mắn trong công việc cộng với sự chịu thương chịu khó, chỉ vài năm sau ngày cưới, họ đã có một căn nhà khang trang ở xã Đức Chính, Đông Triều, Quảng Ninh.

Thời điểm ấy, nhiều người lại khen chị tốt phước, biết nhìn xa trông rộng và có kẻ từng ghen tỵ với hạnh phúc ngọt ngào của chị. Thế nhưng, ở đời mấy ai lường được chữ ngờ khi bỗng một ngày, Nam về nhà thủ thỉ với vợ “anh bán tiệm kim hoàn nhé”, chị giãy nảy “bán rồi anh sống bằng nghề gì” thế nhưng mặc kệ lời khuyên can của vợ, Nam đã sang tay tiệm kim hoàn của mình cho chủ khác. Lúc này chị mới biết, bản tính ham mê cờ bạc của Nam vẫn không thay đổi, vì ham chơi nên tiền bạc nợ nhiều, tiệm kim hoàn chính là thứ duy nhất Nam có thể mang ra đổi chác để bảo toàn sinh mạng cho mình.

Sau khi bán tiệm kim hoàn, Nam bảo vợ vay ít tiền để theo bạn sang Camphuchia làm ăn. Theo lý giải của Nam, chỉ có đi xa Nam mới làm lại được tất cả, và anh ta còn hứa sẽ không làm cho vợ và hai con buồn. Tuy nhiên, sau thời gian vật lộn ở Sài Gòn, Nam sang xứ người và trở về trong tàn tạ, Nam bảo “ở xứ người, đồng tiền kiếm được còn khổ hơn quê nhà rất nhiều”. Chị bảo chồng “thôi từ giờ về nhà, đừng mơ thiên đường nơi nào nữa mà hãy cùng vợ tu chí làm ăn”.

Về quê nhưng không có việc, Nam sinh ra cáu bẳn. Anh ta hay tìm cớ để bắt lỗi vợ. Ban đầu chị nghĩ chồng mình có vấn đề tâm lý bất ổn nhưng cứ mỗi sáng, khi chị chuẩn bị dậy đi chợ, Nam lại đứng ở cửa hoạnh họe khiến chị rất khó chịu. Vài trận cãi vã xảy ra lúc sáng sớm, Nam thượng tay đánh thẳng vào mặt vợ không thương tiếc. Những lúc như thế, chị chỉ biết khóc rồi lủi thủi theo bạn đi lấy hàng.

Sự cục cằn bột phát của Nam khiến chị Hiền vô cùng lo lắng. Chị không thể hiểu nổi vì sao, người chồng vốn hiền lành của mình chỉ sau một thời gian ngắn sang nước bạn trở về đã biến thành một con người khác. Tình cảm vợ chồng nhạt phai dần theo thời gian. Chị bảo thời gian ấy, có những đêm nằm cạnh chồng, khi anh quờ tay ôm chị lại giật mình thon thót. Chính sự xa cách ấy khiến Nam nghĩ vợ có người đàn ông khác. Càng ngày, Nam càng thể hiện sự ghen tuông thái quá khiến chị rất mệt mỏi. Mỗi khi vợ dậy đi chợ sớm, anh ta lại đứng ở cửa, kiếm cớ gây sự để đánh chị. “Nam có một sở thích quái đản là đánh vào mặt vợ để những vết bầm tím không thể che đậy được khiến tôi phải xấu hổ mỗi khi ra đường. Lần nào về nhà, mẹ cũng ngồi xoa dầu cho con gái rồi tấm tức khóc”, chị kể lại với giọng xót xa.

Mấy lần bị đánh oan, chị bảo với mẹ rằng muốn ly hôn chồng. Bà khuyên con gái nên lựa lời nói với chồng để gia đình không tan đàn xẻ nghé, con trẻ không tổn thương. Nghe mẹ nói, chị lại nuốt nước mắt rồi quay về nhà. Cũng từ hôm ấy, Nam ra chợ giám sát công việc buôn bán của vợ. Nhiều hôm ở chợ, thấy có bạn hàng khác giới cười nói vui vẻ là anh lại nổi cơn thịnh nộ rượt đuổi vợ trong sự ngỡ ngàng của nhiều người…

Đỉnh điểm của sự việc xảy ra vào một buổi chiều cuối năm, sau trận cãi vã của hai vợ chồng, Nam lôi vợ ra đánh trước mặt mẹ vợ không thương tiếc. Khi mẹ chị vào can, Nam đánh luôn cả bà. 30 tết 2010, hàng xóm quây quần bên bếp lửa gói bánh chưng còn mẹ con chị nằm trong  bệnh viện lạnh ngắt, khóc cho bi kịch của một đời người. Lần ấy chị về nhà mẹ đẻ, cương quyết không trở lại nữa.

Hơn hai tháng sau, Nam sang nhà chị, quỳ xuống xin lỗi bố mẹ vợ và hứa sẽ không phạm sai lầm nữa. Anh em họ hàng nhà chị đều không đồng ý nhưng mẹ chị lại khuyên con gái nên trở về vì tương lai bọn trẻ.
 Sau đận ấy, Nam khá hơn. Anh đưa vợ ra bãi đá chung vốn nấu ăn với vợ chồng người bạn phục vụ công nhân. Làm được một tháng, bỗng dưng Nam trở chứng và nằng nặc đòi về nhà. Chị không chịu và hai người lại cãi nhau. Sau này chị mới biết, trong cái không gian bé nhỏ của ngôi nhà ấy, hai cặp vợ chồng sống chung, mọi thứ đều không thoải mái nên Nam ức chế và đòi về.

Trở về lần ấy, chị làm đơn ly hôn. Ngày tòa án gọi hai vợ chồng lên giải quyết chuyện ly hôn cũng là lúc Nam dọa “Về ngay để chia nhà, nếu không tôi sẽ sang giết cả nhà cô đấy”. Nghĩ cả đời mình chắt chiu xây dựng nên, giờ nếu mang bán, sau này các con nương tựa vào đâu và chị cương quyết ngăn cản. Trong buổi hòa giải ấy, Nam cầm chiếc bút đâm thẳng vào mắt vợ trước sự ngỡ ngàng của thẩm phán. 

Ngày 1-6-2011, Tòa gọi hai vợ chồng lên để phân chia tài sản sau ly hôn. Toàn bộ ngôi nhà chung sẽ được bán và chia cho mỗi người một nửa nhưng Nam không chấp nhận. Và buổi tối hôm ấy, bi kịch đã xảy ra. 

Bi kịch còn lại

Khoảng hơn 8h tối, chị đi bộ ra đầu làng, vừa đi vừa trò chuyện điện thoại với cô bạn thân về cuộc sống gia đình và sự bế tắc của bản thân trong thời điểm hiện tại. Chị vừa đi vừa nói chuyện điện thoại thì bất ngờ có tiếng xe máy quen thuộc của chồng. Chị quay mặt lại, thấy chồng mình dừng xe nên chị bỏ điện thoại ra và hỏi “anh qua…” chưa nói hết câu thì chị nhìn thấy chồng cầm lon bò húc, túm tóc chị đổ từ trên đầu xuống. Một cảm giác nóng bỏng chạy khắp cơ thể. Chị không thể kêu vì nước chảy vào miệng dính chặt, đau đớn đến tận xương tủy.

Nhớ lại giây phút ấy, chị lại khóc. Chị bảo với tôi, có những đêm dài nằm trên giường cứ ước, đó chỉ là một cơn ác mộng nhưng lại là sự thật.

Sau tai nạn của chị, tôi đã từng qua Viện bỏng Quốc gia. Trước mặt là một thân hình gầy xơ xác, toàn bộ gương mặt bông băng trắng toát, nhắc đến chồng, chị lại khóc mà không thể mở miệng nói được lời nào.
Trong suốt quá trình điều trị ở Viện bỏng, đến  Viện Mắt Trung ương, rồi lại về Bệnh viện Xanh pôn … lần nào tôi cũng qua để xem tiến trình bệnh tật của chị. Mỗi lần gặp chị là mỗi lần xót xa. Tôi chẳng biết phải an ủi chị sao để lấy lại tinh thần.

Khi tòa xử sơ thẩm ở TAND Đông Triều, Hiền đã bảo sẽ xin giảm án cho Nam nhưng gia đình chị không chịu. Rồi đến phiên xử Phúc thẩm, Hiền vẫn kiên trì hỏi tôi “có cách nào để xin giảm án cho Nam mà không phải thông báo trước HĐXX và người nhà hai bên không?” khi tôi trả lời không thì Hiền thất vọng đến bật khóc. Trong thẳm sâu trái tim mình, Hiền vẫn còn yêu chồng rất nhiều, dù người đàn ông ấy đã dùng a xit để hủy hoại nhan sắc chị nhưng với chị, đó vẫn là người mà chị từng gọi là chồng, người mà các con chị gọi bằng bố, mối ràng buộc ấy muôn đời sẽ không bao giờ thay đổi bởi… một ngày là vợ chồng, nghĩa tình sẽ trăm năm…
Tiểu Linh

Không có nhận xét nào: