Khối ngành kinh tế “hút” cả học sinh giỏi
Không chỉ có sức hút với những thí sinh bình thường khác, các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng… còn “hút” cả đội ngũ học sinh giỏi quốc gia.
Đứng đầu về chỉ tiêu
Theo thống kê của Bộ GDĐT, chỉ tiêu tuyển mới đào tạo hệ chính quy ĐHCĐ năm 2012 phân theo nhóm ngành. Theo đó, nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng: 184.300 chỉ tiêu; nhóm ngành kỹ thuật công nghệ: 172.800; sư phạm: 54.600; khoa học tự nhiên - xã hội nhân văn: 51.800; nông lâm ngư: 43.200. Như vậy, nhóm ngành kinh tế vẫn đứng đầu về chỉ tiêu tuyển sinh.
Trong những năm qua, các ngành quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính là những ngành có nhiều cơ sở đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất. Trong đó, quản trị kinh doanh có 340 cơ sở đào tạo (chiếm 8,3%), kế toán 297 cơ sở đào tạo (chiếm 8%), tài chính - ngân hàng 200 cơ sở đào tạo (chiếm 8%). Ba ngành học được thí sinh đăng ký nhiều nhất lần lượt là quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng và kế toán.
Không những thế, nhiều trường tiếp tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các ngành thuộc khối kinh tế như ĐH Ngoại thương tuyển 2.400 chỉ tiêu, chủ yếu vào các ngành tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế…; ĐH Tài chính Marketing tuyển 2.400 chỉ tiêu hệ ĐH tập trung vào các ngành thế mạnh là tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh, marketing; ĐH Thương mại tuyển các ngành tài chính - ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh, marketing với 300-350 chỉ tiêu/ngành…
“Hút” cả học sinh giỏi quốc gia
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết, trường đã có dự kiến tuyển thẳng theo chủ trương của Bộ GDĐT. Theo đó, các thí sinh được giải nhất, nhì, ba trong các cuộc thi học sinh giỏi các ngôn ngữ theo quy định sẽ được tuyển thẳng vào học các ngành ngôn ngữ.
Các thí sinh đạt giải khác muốn vào học 6 ngành còn lại như: Kinh tế, tài chính ngân hàng, kinh tế quốc tế sẽ phải dự thi và được ưu tiên xét tuyển nếu vượt qua điểm sàn tuyển sinh của Bộ GDĐT (riêng học sinh đạt giải ba phải đạt điểm bằng sàn + 3, 0 điểm). Kỳ tuyển sinh năm 2011, khi không được tuyển thẳng, trường cũng đã “hút” tới 200 học sinh giỏi vào học các ngành thuộc khối kinh tế, tài chính. Trong khi đó, ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ có 20 học sinh giỏi dự thi và theo học.
Năm nay, Bộ GDĐT cho phép học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào ĐH nhằm khuyến khích người tài. Đồng thời, để thu hút thêm nguồn lực vào các ngành khoa học cơ bản và sư phạm, Bộ GDĐT đã ra quy định: Học sinh giỏi đoạt giải chỉ được phép nộp hồ sơ tuyển thẳng vào đúng ngành hoặc gần đúng với môn thi đoạt giải học sinh giỏi. Như vậy, học sinh giỏi Văn sẽ vào thẳng ngành Văn hoặc sư phạm Văn…
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là giải pháp tốt nhất cho các ngành khoa học cơ bản, sư phạm… “hút” được người tài vì nếu các thí sinh này muốn học ngành khác, chỉ cần dự thi ĐH và đạt điểm sàn tuyển sinh là đã có thể được học ngành theo ý muốn. Trào lưu thi vào các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng đã “hút” một lượng không nhỏ học sinh giỏi quốc gia đã chứng tỏ việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức.
Nguyên Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét