Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Khối ngành kinh tế “hút” cả học sinh giỏi


Khối ngành kinh tế “hút” cả học sinh giỏi
Không chỉ có sức hút với những thí sinh bình thường khác, các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng… còn “hút” cả đội ngũ học sinh giỏi quốc gia.
Đứng đầu về chỉ tiêu
Theo thống kê của Bộ GDĐT, chỉ tiêu tuyển mới đào tạo hệ chính quy ĐHCĐ năm 2012 phân theo nhóm ngành. Theo đó, nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng: 184.300 chỉ tiêu; nhóm ngành kỹ thuật công nghệ: 172.800; sư phạm: 54.600; khoa học tự nhiên - xã hội nhân văn: 51.800; nông lâm ngư: 43.200. Như vậy, nhóm ngành kinh tế vẫn đứng đầu về chỉ tiêu tuyển sinh.

Trong những năm qua, các ngành quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính là những ngành có nhiều cơ sở đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất. Trong đó, quản trị kinh doanh có 340 cơ sở đào tạo (chiếm 8,3%), kế toán 297 cơ sở đào tạo (chiếm 8%), tài chính - ngân hàng 200 cơ sở đào tạo (chiếm 8%). Ba ngành học được thí sinh đăng ký nhiều nhất lần lượt là quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng và kế toán.
Không những thế, nhiều trường tiếp tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các ngành thuộc khối kinh tế như ĐH Ngoại thương tuyển 2.400 chỉ tiêu, chủ yếu vào các ngành tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế…; ĐH Tài chính Marketing tuyển 2.400 chỉ tiêu hệ ĐH tập trung vào các ngành thế mạnh là tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh, marketing; ĐH Thương mại tuyển các ngành tài chính - ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh, marketing với 300-350 chỉ tiêu/ngành…
“Hút” cả học sinh giỏi quốc gia
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết, trường đã có dự kiến tuyển thẳng theo chủ trương của Bộ GDĐT. Theo đó, các thí sinh được giải nhất, nhì, ba trong các cuộc thi học sinh giỏi các ngôn ngữ theo quy định sẽ được tuyển thẳng vào học các ngành ngôn ngữ.
Các thí sinh đạt giải khác muốn vào học 6 ngành còn lại như: Kinh tế, tài chính ngân hàng, kinh tế quốc tế sẽ phải dự thi và được ưu tiên xét tuyển nếu vượt qua điểm sàn tuyển sinh của Bộ GDĐT (riêng học sinh đạt giải ba phải đạt điểm bằng sàn + 3, 0 điểm). Kỳ tuyển sinh năm 2011, khi không được tuyển thẳng, trường cũng đã “hút” tới 200 học sinh giỏi vào học các ngành thuộc khối kinh tế, tài chính. Trong khi đó, ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ có 20 học sinh giỏi dự thi và theo học.
Năm nay, Bộ GDĐT cho phép học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào ĐH nhằm khuyến khích người tài. Đồng thời, để thu hút thêm nguồn lực vào các ngành khoa học cơ bản và sư phạm, Bộ GDĐT đã ra quy định: Học sinh giỏi đoạt giải chỉ được phép nộp hồ sơ tuyển thẳng vào đúng ngành hoặc gần đúng với môn thi đoạt giải học sinh giỏi. Như vậy, học sinh giỏi Văn sẽ vào thẳng ngành Văn hoặc sư phạm Văn…
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là giải pháp tốt nhất cho các ngành khoa học cơ bản, sư phạm… “hút” được người tài vì nếu các thí sinh này muốn học ngành khác, chỉ cần dự thi ĐH và đạt điểm sàn tuyển sinh là đã có thể được học ngành theo ý muốn. Trào lưu thi vào các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng đã “hút” một lượng không nhỏ học sinh giỏi quốc gia đã chứng tỏ việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức.
Nguyên Minh

Thí sinh được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển


Thí sinh được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển
Năm nay, số lượng đợt xét tuyển, thời gian xét tuyển sẽ do các trường ĐH, CĐ tự quyết định, vì thế thí sinh phải rất lưu ý, tránh bỏ lỡ.
Kỳ thi ĐH, CĐ năm nay, Bộ GDĐT sẽ không quy định cứng thời gian xét tuyển các nguyện vọng mà căn cứ điểm sàn và chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển, không hạn chế số đợt xét tuyển. Các trường được giao quyền tự chủ và chủ động trong việc sắp xếp thời gian xét tuyển theo điều kiện riêng của từng trường, vì thế thí sinh cần rất lưu ý thông tin tuyển sinh, xét tuyển của từng trường.

Thí sinh đã dự thi ĐH theo đề thi chung của Bộ GDĐT, nếu không trúng tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ điểm sàn trở lên, được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi ĐH ngay năm đó để nộp hồ sơ ĐKXT vào các trường còn chỉ tiêu xét tuyển hoặc không tổ chức thi tuyển sinh, có cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.
Thí sinh đã trúng tuyển vào một trường (hoặc một ngành, nếu trường xét tuyển theo ngành) không được xét tuyển vào trường khác (hoặc ngành khác). Theo đúng thời hạn quy định của các trường, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên. Thí sinh cũng có thể nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT trực tiếp tại trường, Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu tổ chức thu nhận, vào sổ, quản lí, cấp biên lai cho thí sinh.
Hồ sơ và lệ phí ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của trường, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.
Nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT đã nộp, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ và thí sinh không trúng tuyển do Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.
Đ.H

hoc phi


Đại học ngoài công lập tăng học phí
Trượt giá cao - một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường đại học ngoài công lập đang phải có những điều chỉnh ít nhiều về chính sách học phí. 
Tuy nhiên, không thể gọi là học phí tăng vì mức học phí mới này chỉ áp dụng cho sinh viên năm thứ nhất, còn đa số các ngành học cũ, sinh viên cũ tại trường vẫn được giữ ở mức ổn định.    
Học phí tăng nhẹ

Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa) công bố học phí hệ ĐH các ngành: 8 triệu đồng/năm, CĐ các ngành 6,5 triệu đồng/năm. Mức học phí này tăng khoảng 500.000 đồng/năm so với năm trước. SV mới nhập học được giảm 5% học phí năm đầu cho HS có hộ khẩu hoặc học cấp 3 tại Khánh Hòa; giảm 10% học phí năm đầu cho HS các trường đã kết nghĩa với nhà trường.

Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội) học phí các ngành kế toán, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản lý bệnh viện, y tế công cộng, công tác xã hội, Việt Nam học có mức học phí là 18 triệu đồng/năm. Các ngành toán ứng dụng, khoa học máy tính, truyền thông và mạng máy tính, hệ thống thông tin quản lý, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Trung Quốc ở mức 18,5 triệu đồng/năm. Ngành điều dưỡng có mức 18,5 triệu đồng/năm. Như vậy mức học phí năm học tới của trường tăng 2 triệu đồng/năm so với năm học này. 

Trường ĐH dân lập Phương Đông có mức học phí năm thứ nhất từ 6,75 - 8,25 triệu đồng/năm (tùy theo ngành học). Các năm sau, mỗi năm sẽ tăng khoảng 10% so với năm học trước (thu theo số tín chỉ thực học). Mức học phí này tăng rất ít (chỉ 100.000 đồng/năm) so với năm 2011. 

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có học phí là 9 triệu đồng/năm (năm 2011 là 8,4 triệu đồng). Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM có mức học phí năm thứ nhất từ 12 - 15 triệu đồng tùy theo ngành học (chia làm 2 đợt) - tăng nhẹ so với năm 2011. 

Trường ĐH dân lập Phú Xuân (Huế) học phí năm học 2012 - 2013 hệ ĐH là 3,5 triệu đồng/học kỳ; hệ CĐ là 3,25 triệu đồng/học kỳ. Như vậy trường tăng cả học phí hệ ĐH (6 triệu đồng/năm học 2011 - 2012) và hệ CĐ (5,5 triệu đồng/năm học 2011 - 2012). Trường hỗ trợ SV làm thủ tục vay vốn học tập và thủ tục miễn giảm học phí cho SV thuộc diện chính sách.

Tăng học phí - gánh nặng lại đè lên vai các bậc phụ huynh. Ảnh: KỲ ANH
Tuy nhiên, một số trường ĐH NCL đóng tại địa phương vẫn duy trì học phí ở mức thấp. Trường ĐH Chu Văn An (Hưng Yên) mức học phí ĐH từ 590.000 - 650.000đ/tháng, hệ CĐ từ 490.000 - 520.000đ/tháng - không tăng so với năm 2011. Trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) cho biết TS (và người cùng đi) đến dự thi tại trường được bố trí ở ký túc xá miễn phí trong thời gian thi. TS dự thi vào trường đạt điểm thủ khoa được thưởng 1 máy tính xách tay, đạt điểm á khoa được thưởng 1 máy tính để bàn. 

Học phí với hệ CĐ là 400.000đ/tháng, hệ ĐH là: 500.000đ/tháng - giữ nguyên so với năm học trước. TS trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh năm 2012 được miễn 1 tháng học phí của học kỳ đầu, được xét cấp học bổng theo học kỳ. Ngoài ra SV theo học tại trường còn được hưởng các chế độ chính sách khác của Nhà nước như: Miễn giảm học phí cho đối tượng chính sách, được vay vốn ngân hàng ưu đãi. 

Còn… nghiên cứu thêm

Tuy nhiên, một số trường còn chưa quyết định được mức học phí cho sinh viên tuyển năm 2012. Ông Võ Văn Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Văn Lang cho biết: “Mùa tuyển sinh 2012, chỉ tiêu xét tuyển của trường giảm khá nhiều, từ tổng chỉ tiêu của niên học trước là 3.000 chỉ tiêu xuống còn 2.000 chỉ tiêu cho mùa tuyển 2012 sắp tới. Tổng chỉ tiêu của trường giảm để đáp ứng đúng theo thông tư 57 của Bộ GDĐT quy định về đội ngũ giảng viên của trường. 

Về chính sách học phí của trường, khá ổn định suốt nhiều năm qua. Riêng mức học phí năm học tới (2012), bộ phận lo công tác tài chính của trường đang có những tính toán chi tiết và cụ thể để trình hội đồng quản trị, lãnh đạo trường, từ đó mới có những con số cụ thể cho từng ngành học. Những thông tin này sẽ được công bố vào khoảng tháng 4.2012 trên wesite của trường để phụ huynh và TS tham khảo, có hướng chọn lựa thích hợp khi đăng ký tuyển sinh vào trường. Được biết, dự kiến học phí của SV niên khóa 2012 tại trường sẽ áp dụng ở một mức mới, cao hơn so với SV khóa trước. Mức tăng không nhiều, tùy theo ngành học. 

Trường ĐH Hoa Sen - một trong những trường có chất lượng đào tạo cao song học phí cũng được xếp vào hàng “top” tại địa bàn TPHCM - chưa có mức học phí cụ thể cho năm học 2012 - 2013 nhưng lãnh đạo trường cho biết để giảm bớt gánh nặng học phí cho HS nghèo, học giỏi trường cũng đã triển khai nhiều chương trình học bổng. Cụ thể, từ nay đến giữa tháng 5, trường cùng với chương trình nhận hồ sơ xét tuyển đầu vào, trường cũng sẽ tiếp nhận các hồ sơ xin học bổng. Theo đó, trường sẽ cấp tổng cộng 150 học bổng chia làm 3 nhóm, dành cho các đối tượng khác nhau (tài năng, học giỏi hoặc vượt khó), mức học bổng cũng dao động tùy theo từng đối tượng từ 15 - 120 triệu đồng/suất và tổng số tiền học bổng dành cho SV trong niên học 2012 tại trường là 6 tỉ đồng.

Thông tin từ Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng - nơi đã từng có mức học phí “khủng” ở một số ngành học “hot” ở những năm trước - Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chính sách học phí sẽ được công khai vào khoảng đầu tháng tới, cũng trên website của trường. Mức học phí cụ thể của từng ngành sẽ được quyết định  trong tuần này. Được biết, lãnh đạo trường hiện đang cân nhắc để cân đối mức học phí sao cho vừa hợp lý với trường nhưng cũng sẽ không quá cao, không ảnh hưởng đến SV.
Thể Uyên - Ngân Anh

cong bo tuyen sinh nam 2012


Toàn cảnh tuyển sinh ĐH đã được công bố
Bộ GDĐT đã đăng tải toàn bộ nội dung cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH và CĐ năm 2012" lên trang thông tin của Bộ tại địa chỉ http://www.moet.gov.vn.
Tại địa chỉ này, 448 trường ĐH, CĐ trên cả nước đã công bố những thông tin cơ bản phục vụ kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012.

Đó là những thông tin về ngành học, ký hiệu trường, mã ngành, khối thi, tổng chỉ tiêu và những thông tin khác như phương thức tuyển sinh, vùng tuyển sinh, xét tuyển, ký túc xá, các chương trình đào tạo, học phí, quy định về điểm trúng tuyển…
Cuốn "Những điều cần biết…" cung cấp những thông tin quan trọng về tuyển sinh ĐH, CĐ trong toàn quốc như: Những điều cần ghi nhớ của thí sinh dự thi; Lịch công tác tuyển sinh; Bảng kí hiệu các đối tượng ưu tiên; Bảng phân chia khu vực tuyển sinh của 63 tỉnh, thành phố; Mã tuyển sinh tỉnh, thành phố, quận, huyện; Mã đăng kí dự thi; Danh sách các trường không tổ chức thi nhưng sử dụng kết quả thi theo đề thi chung của Bộ để xét tuyển…
Các thông tin cụ thể về chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành, điều kiện dự thi, các chương trình đào tạo,... thí sinh tham khảo tại địa chỉ website của từng trường.
Năm nay, cuốn “Những điều cần biết…” được NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn và phát hành theo chỉ đạo của Bộ GDĐT. Các thông tin này do các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng cung cấp và chịu trách nhiệm. 
Đ.H

ky nang song cua hoc sinh


Báo động sự thiếu hụt kỹ năng sống của học sinh
Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết bất ngờ của ba nữ sinh lớp 7 Trường THCS Phan Chu Trinh (huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông). Điều đáng nói ở đây là cả ba em đều là học sinh khá giỏi, ngoan ngoãn, chuyên cần trong học tập, có trách nhiệm với gia đình.
Quá thiếu hụt kỹ năng sống
Theo cơ quan điều tra, những cuốn nhật ký và thư từ của 3 nữ sinh này để lại có nội dung thể hiện "ý định không muốn sống, có vấn đề về tâm lý xuất phát từ gia đình".

Các em cần được trang bị kỹ năng sống cần thiết
Bạn bè cùng lớp của các em cho biết, ba em là bạn thân, hay chia sẻ, tâm sự với nhau. Trước đó, các em có chia sẻ những chán nản về chuyện gia đình như bố say xỉn, hay bị bố la mắng…
Nếu chỉ xuất phát từ những nguyên nhân này mà 3 nữ sinh tìm đến cái chết thì rõ ràng đang có một lỗ hổng trầm trọng trong nhận thức của học sinh.
Trước đó, một nữ sinh lớp 12 Trường THPT Diễn Châu 2 (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cũng đã bất ngờ chuyển dạ và sinh con khi đang trên lớp học trong khi cả gia đình, nhà trường và bạn bè không ai biết nữ sinh này có thai.
Bà Đỗ Thị Hải, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Môi trường và các vấn đề Xã hội cho biết, hiện tượng vị thành niên có quan hệ tình dục, có thai ngoài ý muốn, tự tử, bỏ nhà đi bụi, lập băng nhóm đi cướp hay những nữ sinh viên tham gia hoạt động mại dâm... chính do các em thiếu kỹ năng sống.
Tuổi vị thành niên là lứa tuổi từ 10 - 19 tuổi, ở tuổi này đang xảy ra rất nhiều sự thay đổi về mặt tâm sinh lý nhận thức, định hướng cuộc sống chưa rõ ràng, hay bộc phát về hành vi. Bên cạnh đó, các em đang sống trong một xã hội hiện đại đầy biến động mà gia đình và nhà trường lại không phải là chỗ dựa vững chắc cho tâm lý của các em.
PGS TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Trung tâm Giáo dục môi trường và Sức khỏe cộng đồng (Hội Khuyến học Việt Nam) lo lắng rằng, giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng hiện còn rất thiếu các kỹ năng sống cần thiết. Nhiều học sinh rất lúng túng trong việc tìm cách thoát khỏi tình trạng khủng hoảng và vượt qua stress hay khúc mắc về tình cảm. Nguyên nhân của việc này chính là vì giới trẻ chưa được trang bị kỹ năng sống, và đặc biệt là chưa được phụ huynh, nhà trường quan tâm dạy bảo đúng mực về vấn đề này.
Bao giờ kỹ năng sống mới thật sự thiết thực với học sinh?
Một thực tế cho thấy, mặc dù dư luận đã nói nhiều, ngành giáo dục cũng đã có những động thái trong việc cố gắng đưa kỹ năng sống vào trường học, tuy nhiên, dạy cái gì, dạy như thế nào lại là điều cần phải bàn.
Cho đến nay, vẫn chưa có một bộ chuẩn về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nên các trường vẫn đang “tự bơi”, mỗi nơi dạy một kiểu. Chính vì thế, việc giáo dục kỹ năng này hoặc chỉ dừng lại ở các tiết học giáo dục công dân hoặc bị bỏ lửng hoàn toàn. Những bài giảng trên lớp chỉ có thể giúp các em hình dung về kỹ năng sống chứ chưa thật sự hiểu hoặc cảm thấy có ích với bản thân mình.
Theo các chuyên gia tâm lý, học kỹ năng sống cũng giống như học bơi, phải nhảy xuống nước chứ không thể đứng trên bờ nhìn mà biết bơi được. Bồi đắp kỹ năng sống cho học sinh phải được thực hiện từ cấp tiểu học, thậm chí mầm non, phải gắn liền với hoạt động hàng ngày của các em như giao tiếp, rèn luyện bản lĩnh cá nhân, bảo vệ bản thân, có tinh thần đồng đội và biết chia sẻ…
Tuy nhiên, ở các thành phố lớn, học sinh còn có nhiều điều kiện được tiếp xúc, học hỏi về kỹ năng sống tại các trung tâm, nhưng ở các địa phương, nông thôn, vùng sâu vùng xa, kỹ năng sống vẫn là một cái gì đó rất xa vời.
Nguyên Minh

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Giờ trái đất


GIỜ TRÁI ĐẤT 2012:
Cùng hành động vì môi trường sống
Với khẩu hiệu Giờ trái đất 2012 là “Tôi và bạn hãy cùng hành động”, chiến dịch Giờ trái đất 2012 sẽ được tiến hành từ 20h30 đến 21h30 ngày 31.3 tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm kêu gọi mỗi người dân cùng hành động để ứng phó với mối hiểm hoạ do biến đổi khí hậu gây ra.
Cùng “tắt đèn” vào 20h30 ngày 31.3
Giờ trái đất là sáng kiến của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên (WWF) về biến đổi khí hậu, kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan và quốc gia cùng tham gia tắt đèn trong một giờ vào ngày cuối cùng của tháng 3 hằng năm để thể hiện sự ủng hộ hành động toàn cầu vì biến đổi khí hậu. Chiến dịch này được khởi động tại TP.Sydney (Australia) năm 2007 với sự tham gia của 2,2 triệu người và đã trở thành sự kiện toàn cầu trong 2 năm trở lại đây. Tham gia từ năm 2009, VN đã tổ chức thành công chiến dịch Giờ trái đất 2009, 2010, 2011. Nếu như năm 2009 chỉ có 6 tỉnh, thành phố tham gia thì đến năm 2011 đã có 30 tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động hưởng ứng Giờ trái đất.
Điểm đáng chú ý trong chiến dịch Giờ trái đất năm nay là sự kiện này sẽ do Bộ Công Thương chủ trì. Đây là hành động cho thấy quyết tâm của Chính phủ VN trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng.

Chiến dịch Giờ trái đất là hoạt động được nhiều người dân Việt Nam tham gia và hưởng ứng từ năm 2009 đến nay.
Không chỉ là “tắt đèn”
Theo kế hoạch, toàn TP.Hà Nội sẽ đồng loạt tắt đèn chiếu sáng, trang trí, biển quảng cáo, từ 20h30 đến 21h30 ngày 31.3 tại một số khu vực công cộng, tuyến phố trên địa bàn thủ đô như: Phố Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Phan Chu Trinh, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Cổ Tân; trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; trụ sở các sở, ban, ngành thành phố. Mỗi quận, huyện, thị xã sẽ chọn một điểm công cộng trên địa bàn để tắt đèn chiếu sáng... Tuy nhiên, không thực hiện việc tắt đèn tại các bệnh viện, nhà máy, đèn tín hiệu giao thông, đèn đường, đèn chiếu sáng phục vụ các hoạt động bảo vệ an ninh tại các khu vực trọng yếu.
Với mong muốn có càng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước hưởng ứng sự kiện Giờ trái đất 2012, các đơn vị tổ chức hoạt động này mong muốn người dân hưởng ứng không chỉ bằng việc tắt đèn trong vòng một giờ vào tối 31.3 mà mục đích của những người thực hiện chương trình nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu bằng cách kêu gọi mọi người tham gia bằng những hành động đơn giản như tắt những thiết bị điện không cần thiết hay sử dụng điện năng một cách có hiệu quả, hợp lý; nếu như hàng tỉ người trên trái đất đồng lòng cùng thực hiện như vậy thì sẽ tạo nên những sự khác biệt đáng kể.
Điển hình như chiến dịch “Giờ trái đất 2011” tại VN, chỉ qua 1 giờ tắt đèn trong chương trình, Tập đoàn Điện lực VN cho biết đã giảm công suất của hệ thống điện được 400MW, với điện năng tiết kiệm được 400.000kWh (tương đương với khoảng 500 triệu đồng được tính theo giá điện bình quân năm 2011 là 1.242đ/kWh), trong đó chỉ tính riêng Hà Nội đã giảm được 162MW công suất.
Giờ trái đất 2012
*l Đồng hành cùng chiến dịch Giờ trái đất 2012, Tập đoàn Điện lực VN và Tập đoàn Tân Á là hai nhà tài trợ chính.
* Sự kiện chính thức được tổ chức tại Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ 20h ngày 31.3, với sự tham gia của lãnh đạo nhà nước, TP.Hà Nội, các bộ, ngành cùng đông đảo học sinh, sinh viên và nhân dân, các nghệ sĩ. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài Truyền hình VN.

* 4 gương mặt đại sứ cho chiến dịch Giờ trái đất 2012: Đại sứ Đan Mạch tại VN John Nielsen, Hoa hậu thân thiện Dương Thuỳ Linh, ca sĩ Thanh Lam và Tùng Dương.

* Cuộc thi ảnh với chủ đề “Hãy cùng tiết kiệm và chống lãng phí năng lượng” tổ chức trên trang Facebook (tại địa chỉ www.facebook.com/giotraidat2012) từ giữa tháng 2.2012.
* Theo Đại sứ Đan Mạch John Nielsen, nhờ tập trung sử dụng năng lượng hiệu quả, từ năm 1980, nền kinh tế Đan Mạch đã tăng trưởng hơn 78%, trong khi lượng tiêu thụ năng lượng  vẫn được giữ nguyên và lượng khí thải CO2 thậm chí còn được giảm xuống.     L.Q.V
 Phi Long

giáo dục


Raffles Hà Nội sẽ trả lại học phí cho học viên
Sau khi có công văn trả lời chính thức của Bộ GDĐT, Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội đã gặp mặt phụ huynh, học sinh để đưa ra hướng giải quyết. 
Ngày 15/3, Bộ GDĐT đã có công văn chỉ đạo Tập đoàn giáo dục Raffles (cơ sở Hà Nội và TPHCM) không được khôi phục chương trình cấp chứng chỉ cấp độ 1, 2, 3 trái phép trên lãnh thổ Việt Nam, nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định xử phạt hành chính của thanh tra Bộ GDĐT.

Bộ GDĐT yêu cầu Công ty TNHH dạy nghề đào tạo quốc tế Raffles Việt Nam và Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định xử phạt hành chính và báo cáo Bộ sau khi hoàn tất việc khắc phục hậu quả. Bộ chỉ xem xét hồ sơ xin thành lập trường của Tập đoàn giáp dục Raffles khi Công ty TNHH dạy nghề đào tạo quốc tế Raffles Việt Nam và Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội đã giải quyết dứt điểm hậu quả do hoạt động giáo dục trái pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Tại buổi gặp mặt, ông Alex Quah, Giám đốc Raffles Hà Nội đã xin lỗi các học viên và phụ huynh về những thiệt thòi mà họ phải gánh chịu, đồng thời đưa ra các giải pháp: Đối với những sinh viên có nguyện vọng chuyển tiếp sang học tại cơ sở Raffles tại Singapore và Australia, Raffles Hà Nội sẽ giữ nguyên mức học phí như tại Việt Nam, ngoài ra sẽ chi trả cho các em tiền vé máy bay, phí visa và hỗ trợ 300USD sinh hoạt phí. Với những sinh viên không muốn học chuyển tiếp tại nước ngoài, muốn được hoàn lại học phí đã nộp, Raffles Hà Nội yêu cầu làm đơn và hứa sẽ giải quyết trong vòng 60 ngày. Ngoài ra, Raffles Hà Nội sẽ tiếp tục làm việc với Bộ GDĐT để tìm biện pháp giải quyết đối với những sinh viên vẫn muốn theo học tại Hà Nội.
Đây là buổi làm việc thứ ba giữa Raffles Hà Nội với phụ huynh và học sinh sau khi Bộ GDĐT có quyết định yêu cầu ngừng hoạt động từ tháng 1/2012.
Đ.H

tuyển sinh


ĐH Kiến trúc Hà Nội không thi sơ tuyển
ĐH Kiến trúc HN cho biết, năm nay, trường sẽ không sơ tuyển môn vẽ kỹ thuật, đồng thời quy định điểm trúng tuyển căn cứ trên điểm thi năng khiếu theo từng vùng tuyển sinh. 
Khối V thi môn toán, lý ( theo đề thi khối A, môn toán hệ số 1,5) và môn vẽ mỹ thuật (môn vẽ mỹ thuật hệ số 1,5 và phải đạt từ 6,00 điểm trở lên đối với KV1; từ 6,75 điểm trở lên đối với KV2, KV2 - NT; từ 7,5 điểm trở lên đối với KV3 sau khi nhân hệ số).

Môn vẽ mỹ thuật gồm hai bài thi MT1 và MT2, thi vào hai buổi, có tỉ lệ điểm 50/50, bằng bút chì đen trên khổ giấy A3.
Ngành thiết kế đồ họa và thiết kế nội thất thi môn văn, bố cục trang trí màu (bằng bột màu trên khổ giấy A3), Hình họa mỹ thuật (vẽ mẫu người nam toàn thân bằng bút chì đen trên khổ giấy A1). Hai môn năng khiếu không nhân hệ số và phải đạt tổng số điểm theo yêu cầu (KV1 từ 8 điểm trở lên; KV2, KV2 – NT từ 9 điểm; KV3 từ 10 điểm).
Năm 2012, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội không tổ chức thi sơ tuyển môn vẽ mỹ thuật. Thí sinh đăng ký trực tiếp vào các ngành năng khiếu (khối V và khối H) và thi năng môn năng khiếu trong kỳ thi chính thức tại Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.
Điểm trúng tuyển theo 3 khối: Khối A, khối V, khối H. Thí sinh trúng tuyển được phân chuyên ngành ngay khi nhập trường dựa trên đăng ký dự thi, kết quả thi và quy định của hội đồng tuyển sinh.
Đ.H

tuyển sinh


Chấm dứt ngay việc tuyển sinh những ngành đã bị đình chỉ
Bộ GDĐT vừa có công văn gửi các trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Lương Thế Vinh; ĐH Chu Văn An và ĐH Nguyễn Trãi yêu cầu chấm dứt ngay việc thông báo tuyển sinh dưới mọi hình thức đối với những ngành bị đình chỉ. 
Cuối năm 2011, sau đợt kiểm tra 20 trường ĐH, CĐ, Bộ GDĐT đã có quyết định đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 3 trường và 12 ngành đào tạo của 4 trường ĐH Lương Thế Vinh; ĐH Chu Văn An; ĐH Nguyễn Trãi; ĐH Kiến trúc Đà Nẵng.

ĐH Lương Thế Vinh bị đình chỉ tuyển sinh bậc ĐH, CĐ 4 ngành: Công nghệ thực phẩm; Bảo vệ thực vật; Khoa học thư viện; Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử. 
ĐH Nguyễn Trãi bị đình chỉ tuyển sinh bậc ĐH, CĐ 2 ngành: Kinh tế; Kỹ thuật xây dựng công trình. 
ĐH Chu Văn An bị đình chỉ tuyển sinh 4 ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ: Kỹ thuật xây dựng công trình; Tiếng Anh; Tiếng Trung; Việt Nam học.
ĐH Kiến trúc Đà Nẵng đình chỉ tuyển sinh bậc ĐH, CĐ 2 ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh. 
Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên website của một số trường vẫn đăng thông tin tuyển sinh đối với những ngành đã bị Bộ GDĐT tạm đình chỉ. Bộ GDĐT yêu cầu các trường trên tổ chức rà soát, chấm dứt ngay việc thông báo tuyển sinh dưới mọi hình thức đối với những ngành bị đình chỉ (nếu có)
Đ.H

tuyển sinh


Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012: Nhiều ngành học lạ
Nhiều trường ĐH, CĐ công bố ngành, chuyên ngành học mới sẽ tuyển sinh trong kỳ thi năm 2012 để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội cũng như nhu cầu của người học.
Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông vừa chính thức công bố chuyên ngành học mới: An toàn thông tin mạng (ATTT), thi theo khối A và A1. Cũng từ năm 2012, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông bắt đầu tổ chức xét tuyển cho sinh viên năm thứ hai của trường vào học chuyên ngành ATTT. Lãnh đạo học viện cho biết, đây là chuyên ngành đào tạo được xây dựng từ thực tế hiện nay tại Việt Nam. 

Năm 2012, Trường ĐH Kinh tế quốc dân mở ngành mới kinh tế tài nguyên dự kiến 60 chỉ tiêu, thi khối A và D1. Đây là ngành đào tạo mới ở Việt Nam trong khối ngành kinh tế học, được Bộ GDĐT giao cho Trường ĐH Kinh tế quốc dân đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao về kinh tế và quản lý tài nguyên. Để khuyến khích sinh viên học tập và phục vụ cho lĩnh vực quản lý nguồn tài nguyên quốc gia, Trường ĐH Kinh tế quốc dân có chính sách ưu tiên giảm 1 điểm so với điểm sàn chung vào trường.

Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá) trong mùa tuyển sinh 2011. Ảnh: TRẦN LÂM
Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) mở ngành kỹ thuật tài chính và quản trị rủi ro (thuộc khoa Quản trị kinh doanh) tuyển 50 chỉ tiêu khối A, A1. Đây là ngành đào tạo khá mới ở nước ta.

Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM cũng mở hai chuyên ngành mới là quản trị dự án xây dựng và kỹ thuật kết cấu công trình với 70 chỉ tiêu mỗi ngành. Tất cả các ngành của Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM đều tuyển sinh khối A trong năm nay.

Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) có ngành mới là tiếng Anh du lịch tuyển khối D1 (70 chỉ tiêu) và tiếng Nga du lịch tuyển khối C, D1, D2 (35 chỉ tiêu). Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cũng bổ sung hai ngành mới là công nghệ sinh học tuyển khối B (60 chỉ tiêu) và công tác xã hội tuyển khối C, D1 (60 chỉ tiêu).

Trường ĐH Văn hóa Hà Nội năm nay mở nhiều chuyên ngành mới khá hấp dẫn. Đó là các chuyên ngành: Đạo diễn sự kiện, biểu diễn âm nhạc và hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Trường ĐH Luật Hà Nội cũng mở hai ngành mới là ngành luật kinh tế (tuyển sinh theo khối thi A, C, D1) và ngành luật thương mại quốc tế (tuyển khối D1).
l Năm 2012, học sinh tốt nghiệp THPT đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, hoặc những TS thi tại Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hoá) khối A, B, D1 đạt 21 điểm trở lên (chưa nhân hệ số, mỗi môn không dưới 5) được tuyển thẳng vào đề án “Liên kết đào tạo nhân lực có trình độ ĐH và sau ĐH với các trường đại học nước ngoài” của Trường ĐH Hồng Đức. Đề án này được thực hiện bởi 100% ngân sách của nhà nước, là một đề án lớn của tỉnh nhằm tạo nguồn cán bộ có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh và đào tạo đội ngũ giảng viên của trường.
Trường ĐH Cần Thơ vừa có thông báo nêu rõ quy định đối với SV đang theo học tại trường nhưng vẫn dự thi tuyển sinh CĐ, ĐH năm 2012. Theo thông báo này, SV đang học hệ chính quy của Trường ĐH Cần Thơ muốn dự thi tuyển sinh vào ngành (chuyên ngành) khác của Trường ĐH Cần Thơ hoặc các trường ĐH, CĐ khác thì phải làm đơn xin dự thi (theo mẫu) và hồ sơ tuyển sinh (nếu có).
Nếu trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh năm 2012 thì SV phải làm đơn xin thôi học ngành đang học tại Trường ĐH Cần Thơ và phải bồi hoàn kinh phí đào tạo trước khi lập thủ tục học ngành mới. Nếu SV không thực hiện đúng quy định, trường sẽ báo đến các trường dự thi đề nghị huỷ kết quả tuyển sinh.
Ngân Anh

tuyển sinh


Nộp hồ sơ thi ĐH, CĐ đến ngày 16.4
Ghi nhận tại một số trường THPT và điểm thu nhận hồ sơ trong 2 ngày đầu tiên cho thấy, có rất ít thí sinh đến nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ. 
Tâm lý chung của học sinh cho thấy, trong những ngày đầu, rất ít thí sinh nộp hồ sơ vì muốn nghe ngóng, tìm hiểu kỹ về trường, ngành mình định đăng ký. Nhiều em đến chỉ để hỏi cách ghi hồ sơ chứ chưa nộp ngay.
Tìm hiểu thông tin tuyển sinh. Ảnh: Đ.H
Để thuận lợi cho việc thu nhận hồ sơ thí sinh tự do, Sở GDĐT Hà Nội đã có hướng dẫn cụ thể tới 29 phòng giáo dục quận, huyện về những điểm mới trong tuyển sinh và tránh sai sót khi nhận hồ sơ.
Bà Tạ Song Hà, Phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GDĐT Hà Nội cho biết, trong phiếu số 2, Sở GDĐT Hà Nội đã cho in đậm một số địa chỉ, số điện thoại để tạo thuận lợi cho thí sinh khi tìm hiểu thông tin về kỳ thi. Mục Tin tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN 2012 trên trang web của Sở (www.hanoi.edu.vn) cũng sẽ cập nhật đầy đủ, chính xác các quy định của Bộ GDĐT để các em tra cứu khi làm hồ sơ.
Năm nay, Sở GDĐT Hà Nội đã phân làm 2 đối tượng để thuận tiện cho việc thu nhận hồ sơ.
Với đối tượng là học sinh (kể cả hộ khẩu tỉnh khác) đang học lớp 12 tại trường THPT nào có mã đơn vị ĐKDT thì ghi mã đơn vị ĐKDT và nộp hồ sơ ngay tại trường.
Đối tượng là học sinh đang học lớp 12 tại các trường THPT dân lập, TTGDTX, trường trung cấp nghề, CĐ nghề (không có mã đơn vị ĐKDT) và học sinh thi lại (kể cả hộ khẩu tỉnh khác), nộp hồ sơ ĐKDT tại các phòng GDĐT quận, huyện, thị xã. Thời gian nộp hồ sơ từ nay cho đến 17h ngày 16/4/2012.
Sau khi nhận được Phiếu báo thi của các trường gửi về (khoảng cuối tháng 5/2012), Sở GDĐT sẽ thông báo để học sinh đến nhận. Việc giải quyết các trường hợp thất lạc Phiếu báo thi được triển khai trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 30/6/2012; giải quyết các trường hợp thất lạc giấy chứng nhận kết quả thi, phiếu báo điểm từ ngày 20/8/2012.

Đ.H

tuyển sinh


Thêm một kênh tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp
Cty CPS phối hợp cùng báo Pháp Luật TPHCM vừa chính thức cho ra mắt chương trình “Tư vấn hướng nghiệp và chọn ngành, nghề” trên trang điện tử:WWW.tuvantuyensinh.vn (ảnh).

Theo đó, chương trình sẽ cung cấp cho học sinh, sinh viên và phụ huynh những thông tin sát với thực tiễn hoàn toàn miễn phí về: tư vấn hướng nghiệp, chọn ngành,  nghề, tư vấn học và ôn thi… để học sinh thuận lợi trong việc định hướng học tập, lựa chọn khối thi, lựa chọn nghề nghiệp, kỹ năng học tập và tìm việc làm.
Đặc biệt, định kỳ vào lúc 9giờ đến 11giờ ngày thứ bảy hàng tuần, chương trình sẽ có hội đồng chuyên gia gồm các giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy, luyện thi đại học, cao đẳng, các chuyên gia về nguồn nhân lực sẽ trực tuyến giao lựu và giải đáp tất cả những thắc mắc của độc giả.
Đ.Hải