Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

THÀNH TÍCH HỌC TẬP

Sinh viên Việt đoạt giải thưởng giáo dục của Australia

Cập nhật lúc 01/12/2010 12:18:53 PM (GMT+7)
K'Chin, sinh viên tàn tật gốc Việt vừa đoạt danh hiệu sinh viên quốc tế xuất sắc nhất bang Queensland năm 2010. Đây là danh hiệu nằm trong hệ thống giải thưởng giáo dục của Australia.

K'Chin
K'Chin sinh năm 1989, sinh ra ở một ngôi làng gần Đà Lạt, Lâm Đồng. Khi mới 1 tháng tuổi, K'Chin bị thương nặng ở chân phải. Do không được điều trị đúng cách, cậu phải đi cà nhắc cho đến năm 13 tuổi.

Năm 2002, tổ chức từ thiện Rotary Oceania Medical Aid for Children (ROMAC) của Australia đã đưa K'Chin sang Queensland chữa trị và cậu phải trải qua 16 ca đại phẫu.

3 năm rưỡi sau đó, K’Chin trở lại Việt Nam và sống trong một trại trẻ mồ côi. Do bị biến chứng, cậu trở lại Australia chữa bệnh. Từ đó, cậu sống và học tập tại Queenlands.

Trước đây, K’Chin chưa bao giờ được đến trường và không nói được tiếng Anh. Nhưng nhờ nỗ lực học hỏi không ngừng, sau 8 năm, cậu đã thông thạo hai ngôn ngữ. Đến nay, K'Chin đã đi lại được trên đôi chân của mình.

K’Chin bày tỏ, cậu cũng rất ngạc nhiên và từng nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có cơ hội để được học hành. Không ngờ, đã được đi học và đạt được thành tích như ngày hôm nay. Đây là một bất ngờ thú vị.

K'Chin được đánh giá cao tại trường St James ở Brisbane và được bầu chọn làm Chủ tịch Hội sinh viên.

Thái San (Theo ABC News)

ƯƠM MẦM TÀI NĂNG VIỆT

1,5 tỷ đồng ươm mầm tài năng Việt

Thứ Ba, 30.11.2010
16:38 (GMT + 7)
Chiều 30.11, Bộ GDĐT đã tổ chức họp báo khởi động Quỹ học bổng “Vinamilk Ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam” dành cho học sinh tiểu học trong toàn quốc.


Năm học 2010 – 2011, quỹ tiếp tục trao tặng 1.000 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho 1.000 học sinh tiểu học có thành tích xuất sắc, đạt giải thưởng trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, quốc gia; học sinh nghèo, khuyết tật vượt khó, đạt thành tích cao trong các lĩnh vực văn-thể-mỹ.

Năm học tới này, Quỹ sẽ dành 250 triệu đồng đầu tư xây dựng 5 thư viện tại các trường tiểu học thuộc các huyện thuộc vùng khó khăn (Tây Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long).

Ngoài ra, bắt đầu từ năm học 2010 – 2011, sẽ có một cuộc thi dành cho học sinh tiểu học mang tên “Tìm kiếm tài năng Việt”. Năm đầu tiên sẽ thực hiện thí điểm tại 4 thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết, đây sẽ là một sân chơi thú vị cho học sinh tiểu học, các em sẽ dự thi trên 5 lĩnh vực: Toán – khoa học xã hội, tiếng Anh, khả năng diễn thuyết, vẽ tranh và những năng khiếu khác (thể thao, âm nhạc…). Các tiêu chí này không đòi hỏi quá cao, chỉ ở mức vừa sức, nhằm giúp các em phát triển hài hòa và toàn diện. Cuộc thi sẽ được tổ chức vòng loại tại các trường, 80 em thuộc 4 đội tuyển sẽ được chọn vào vòng chung kết để chọn ra 50 em xuất sắc, mỗi em sẽ được nhận một suất học bổng trị giá 5 triệu đồng.
Lễ trao học bổng sẽ diễn ra vào dịp hè năm 2011, sau khi kết thúc năm học.
Bạch Dương

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

DI DOI TRUONG DAI HOC RA NGOAI THANH

,Di dời trường đại học ra ngoại thành


Cập nhật lúc 25/11/2010 03:40:51 PM (GMT+7)

 Trong công văn Bộ GD-ĐT phát đi hôm nay (25/11) truyền đạt chỉ đạo của Bộ trưởng cho hay, với những trường ĐH, CĐ có khuôn viên chật hẹp đóng tại khu vực Hà Nội và TP.HCM sẽ phải di dời ra ngoại thành.

Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo ở các trường ĐH, CĐ mới chỉ đáp ứng ở mức rất thấp. Cụ thể, hệ thống trang thiết bị đào tạo, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu đào tạo; Hệ thống cơ sở vật chất mới đáp ứng được 50% nhu cầu; Hệ thống thư viện, cơ sở vật chất công nghệ thông tin còn rất yếu...

Do đó Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo, với các trường ĐH đã có diện tích đủ lớn, không thuộc diện phải di dời phải khẩn trương xây dựng kế hoạch, quy hoạch và chiến lược phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn 10 năm tiếp theo. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cần tránh các biểu hiện: tiết kiệm quá mức, chỉ xây dựng ít tầng nên hiệu quả sử dụng không cao hoặc mua sắm trang thiết bị rẻ tiền. Tuy nhiên cũng tráng việc xây dựng hoành tráng, mua trang thiết bị hiện đại nhưng không bám sát nhu cầu gây lãng phí.

Đối với các trường có khuôn viên chật hẹp, đặc biệt là các trường trong nội thành Hà Nội và TP.HCM cần nghiên cứu, chuẩn bị phương án di dời ra khỏi khu vực nội thị theo quy hoạch sắp được phê duyệt.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát lại quy hoạch của các trường theo hướng di dời ra khỏi nội thành. Phối hợp với Bộ, ngành liên quan để tham mưu với Chính phủ về cơ chế chính sách đầu tư, di dời các trường ra khỏi nội thành Hà Nội và TP.HCM.

Theo phương án Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội vừa trình UBND thành phố cuối tháng 10/2010, nếu không có thay đổi sẽ có 12 trường ĐH, CĐ được chuyển ra ngoại thành và được bố trí ở các khu đô thị vệ tinh như Gia Lâm (đào tạo khối Nông nghiệp, Kỹ thuật và Công nghệ), Sóc Sơn (đào tạo là Kỹ thuật, Công nghệ thông tin), Sơn Tây (đào tạo ngành Văn hóa xã hội, Sư phạm, Du lịch, kết hợp với hệ thống trường quân đội hiện có), Hòa Lạc (chủ yếu cho ĐHQG Hà Nội, đào tạo ngành Khoa học cơ bản, Công nghệ, Kỹ thuật, Y dược và các nghiên cứu chuyên sâu).

Ngoài nội dung nêu trên, Bộ trưởng cũng yêu cầu các trường ĐH, CĐ xây dựng lộ trình thu học phí giai đoạn 2011-2015, từ đó xác định lộ trình trích kinh phí từ học phí và các nguồn thu hợp pháp khác của nhà trường để tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo...

K.Oanh

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

THANH TRA C¸C TRUONG

EVN lập đoàn kiểm tra Trường CĐ điện lực TPHCM


Thứ Hai, 29.11.2010
09:14 (GMT + 7)

(LĐ) - Ngày 28.11, nguồn tin từ Trường CĐ Điện lực TPHCM (HEPC) cho biết: Sau loạt bài điều tra của Báo Lao Động phản ánh các vụ việc khuất tất xảy ra tại HEPC, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã cử đoàn kiểm tra vào xác minh các vụ việc mà Báo Lao Động đã phản ánh.

Từ ngày 23 - 26.11, đoàn đã kiểm tra những vụ việc có dấu hiệu sai phạm tại HEPC. Trước đó, ông Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Công đoàn EVN - đã có buổi làm việc với đại diện Báo Lao Động tại TPHCM. Ông Ngọc cho biết lãnh đạo EVN rất quan tâm đến các vụ việc Báo Lao Động phản ánh về HEPC. EVN sẽ xác minh làm rõ, tiếp thu và xử lý nghiêm những sự việc có dấu hiệu sai phạm xảy ra tại HEPC.

Bên cạnh đó, PV Báo Lao Động cũng cho ông Ngọc biết: Sau loạt bài của Lao Động về HEPC, PV Báo Lao Động cũng nhận được nhiều thông tin phản ánh các sai phạm tương tự HEPC tại 3 đơn vị khác, thuộc khu vực phía nam của EVN gồm: Điện Phú Mỹ, Điện Thủ Đức và Trung tâm điều độ phía nam. Ông Ngọc hứa sẽ phối hợp với Báo Lao Động làm rõ những thông tin trên.

Đ.A

THANH TRA

Hiệu trưởng ĐH Quảng Bình bị cách chức


Thứ Hai, 29.11.2010
11:31 (GMT + 7)

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình vừa ký văn bản về việc để ông Nguyễn Huỳnh Phán thôi làm Hiệu trưởng và nghỉ công tác tại Trường Đại học Quảng Bình.

Ngày 28/11, ông Lương Ngọc Bính - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình - đã ký văn bản về việc để ông Nguyễn Huỳnh Phán thôi làm Hiệu trưởng và nghỉ công tác tại Trường ĐH Quảng Bình. Trước mắt, một Phó Chủ tịch UBND tỉnh sẽ kiêm Hiệu trưởng trường này. Được biết, hiện nay, những sai phạm về mặt tài chính tại Trường ĐH Quảng Bình vẫn đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.

Trước đó, như đã đưa tin, ngày 7/6, sau gần 7 tháng làm việc, Đoàn Thanh tra do UBND tỉnh Quảng Bình thành lập đã công bố nhiều sai phạm nghiêm trọng của tập thể, cá nhân tại Trường Đại học Quảng Bình, đặc biệt là Hiệu trưởng Nguyễn Huỳnh Phán.

Kết luận thanh tra chỉ ra: từ khi thành lập tháng 10/2006 đến tháng 6/2009, Trường Đại học Quảng Bình đã để xảy ra rất nhiều sai phạm. Hầu như tất cả các lĩnh vực của nhà trường từ việc thu chi, quản lý, tuyển dụng, đào tạo đều có sai phạm.

Tổng số tiền sai phạm phát hiện được là hơn 2,3 tỉ đồng. Đặc biệt là việc ban hành các văn bản sai quy định liên quan đến các khoản thu của sinh viên như: việc nộp lệ phí cấp phát bằng, bảng điểm; thu phí tuyển sinh sinh viên đi du học tại Thái Lan; mức thu lệ phí của thí sinh dự thi tuyển giảng viên...

Đoàn thanh tra cũng chỉ ra nhiều sai phạm khác như: hồ sơ tài chính bị tẩy xóa; việc lập và thực hiện dự toán thu, chi các nguồn kinh phí... Những sai phạm nặng nề nhất rơi vào năm 2008, năm trường không công khai tài chính.


Đại học Quảng Bình (Ảnh: Dân trí)

Ngoài những sai phạm về quản lý kinh tế, ông Nguyễn Huỳnh Phán với tư cách chủ đầu tư XDCB đã ký quyết định (ngày 20/7/2008) chỉ định thầu tư vấn lập dự án Trung tâm học liệu cho “liên danh ma” giữa Công ty TNHH Kiến trúc H&T và Công ty TVXD T&T, dù đến ngày 12/9/2008, liên danh này mới… thành lập. Việc này dẫn tới việc thành lập, điều chỉnh dự toán sai chồng chất.

Đoàn thanh tra cũng phát hiện nhiều sai phạm trong công tác tuyển sinh và thi cử. Ví như, ngày 20/6/2008, trong kỳ thi hết học phần lớp CĐ Sư phạm hệ vừa học vừa làm tại huyện Quảng Trạch, bà Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng Khảo thí - Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quảng Bình, là Phó trưởng ban coi thi - đã in sao đáp án và hướng dẫn chấm bài để… phát cho các học viên làm bài. Sai phạm này của bà Hà đã không được nhà trường xử lý kỷ luật, mà chỉ đồng ý cho bà Hà rút khỏi danh sách chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.

Trong kỳ thi tuyển sinh năm 2009, khi các thí sinh đang làm bài thi trong đó có môn thi năng khiếu do trường ra đề, ông Nguyễn Huỳnh Phán là Trưởng ban đề thi đã tự ý rời khu vực cách ly để đến khu vực thi.

Trong công tác tuyển dụng viên chức, giảng viên năm 2007, 2008 và nửa đầu năm 2009, trường đã hạn chế đối tượng tuyển dụng để tuyển hầu hết các đối tượng đã hợp đồng lao động trước đó.

Trong cuộc trao đổi với PV 4/10, ông Nguyễn Huỳnh Phán cũng thừa nhận, trong quá trình hoạt động (từ năm 2006 đến nay) có một số sai phạm, thiếu sót phải rút kinh nghiệm. Cụ thể, đó là những sai sót về tài chính dẫn đến việc thu chi không khớp trên văn bản giấy tờ là do nghiệp vụ kém. Ví như, khoản thiếu quỹ vài trăm triệu đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân...

Trước những sai phạm của Trường Đại học Quảng Bình, UBND tỉnh Quảng Bình đã tiến hành kiểm điểm Ban giám hiệu Trường Đại học Quảng Bình trước tập thể cán bộ nhà trường về những sai phạm xảy ra trong thời gian vừa qua. Tại buổi kiểm điểm này, đã có 13/25 phiếu yêu cầu cách chức ông Nguyễn Huỳnh Phán.

Theo VNN

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

DU HOC

Học bổng toàn phần tại Singapore cho sinh viên Việt Nam


Thứ Sáu, 26.11.2010
13:00 (GMT + 7)

 ĐSQ Singapore tại Việt Nam vừa thông báo sẽ cấp học bổng toàn phần năm 2011 cho sinh viên Việt Nam theo học chương trình đại học tại Trường ĐH Công nghệ Nanjang, ĐH Quốc gia Singapore và ĐH Quản trị Singapore.


Thêm chú thích

Bộ GDĐT thông báo các quy định về dự tuyển Chương trình học bổng Chính phủ Singapore năm 2011 như sau: Đối tượng dự tuyển: Công dân Việt Nam, đang là sinh viên năm thứ nhất hoặc năm thứ hai các ĐH, trường ĐH, học viện của Việt Nam có phẩm chất đạo đức và sức khoẻ tốt; Điểm trung bình các năm học THPT đạt từ 7,5 trở lên; Trúng tuyển ĐH theo NV 1 với kết quả thi tuyển sinh đạt từ 21 điểm trở lên (không nhân hệ số) và đang học ĐH hệ chính quy tập trung. Sinh viên năm thứ hai ngoài quy định này còn phải có điểm trung bình học tập năm thứ nhất đạt 7,5 trở lên; Đăng ký ngành học đúng hoặc gần với ngành học đang học tại Việt Nam và phù hợp với ngành học mà chương trình quy định (các ngành Y, Nha khoa, Kiến trúc và Luật không được cấp học bổng theo chương trình này); Yêu cầu về ngoại ngữ: thành thạo tiếng Anh (để dự thi viết, thi vấn đáp và học đại học bằng tiếng Anh). Ưu tiên ứng viên có một trong các loại chứng chỉ: TOEFL quốc tế/nội bộ (do IIE cấp) hoặc IELTS quốc tế còn thời hạn sử dụng.

Sinh viên đã đăng ký dự tuyển các chương trình học bổng khác của các nước/các tổ chức quốc cấp không được dự tuyển chương trình học bổng này.

Ứng viên đăng ký sơ tuyển trực tuyến tại địa chỉ: http://tuyensinh.vied.vn , sau khi nhận được thông báo của Cục Đào tạo với nước ngoài - Bộ GDĐT qua e-mail chấp nhận đủ điều kiện gửi hồ sơ giấy tham gia dự tuyển chính thức sẽ phải nộp 01 bộ hồ sơ bằng tiếng Việt, 04 bộ hồ sơ bằng tiếng Anh (1 bản chính, 3 bản photocopy). Thông tin chi tiết về hồ sơ tiếng Anh và mẫu đơn xem tại website: www.scp.gov.sg

Hồ sơ cần gửi bằng thư chuyển phát nhanh bảo đảm hoặc nộp trực tiếp tại Văn phòng một cửa - Cục Đào tạo với nước ngoài - Bộ GDĐT, 21 Lê Thánh Tông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trước ngày 15/12/2010 (tính theo dấu bưu điện). Hồ sơ được coi là hợp lệ nếu đã được sơ tuyển trực tuyến (on-line) và được chấp nhận cho gửi hồ sơ giấy dự tuyển chính thức. Bộ GDĐT sẽ giới thiệu và chuyển hồ sơ của các sinh viên đạt yêu cầu dự tuyển tới ĐSQ Singapore tại Việt Nam xem xét, tổ chức thi tuyển. Danh sách sinh viên được lựa chọn giới thiệu với ĐSQ Singapore sẽ được thông báo công khai trên các trang web: http://www.moet.gov.vn và http://www.vied.vn sau ngày 25/12/2010.

Thông tin chi tiết về kế hoạch thi tuyển, các môn thi và kết quả thi tuyển chọn của ĐSQ Singapore sẽ được thông báo qua Bộ Giáo dục và Đào tạo để công bố trên các trang web: http://www.moet.gov.vn và http://www.vied.vn. Căn cứ kết quả xét trúng tuyển cuối cùng và thông báo tiếp nhận chính thức của phía Singapore, Bộ GDĐT sẽ ra quyết định cử đi học nước ngoài cho sinh viên trúng tuyển.

Bạch Dương

TRUONG DAT CHUAN

Hà Nội có thêm 3 trường đạt chuẩn Quốc gia

Thứ Tư, 24.11.2010
23:06 (GMT + 7)

 UBND TP Hà Nội vừa có quyết định công nhận 3 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia.

Đó là các trường: THCS Lê Quí Đôn, quận Cầu Giấy; THCS Ái Mộ và THCS Việt Hưng, quận Long Biên.

Học sinh Trường THCS Ái Mộ
UBND Thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Thường trực Hội đồng xét đề nghị công nhận trường trung học đạt chuẩn Quốc gia TP, UBND quận Cầu Giấy và UBND quận Long Biên chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, duy trì và phát huy vai trò trường trung học đạt chuẩn Quốc gia của các trường trên.

Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, thực hiện kế hoạch của UBND TP, trong 9 tháng đầu năm 2010, Ban chỉ đạo xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của Thành phố đã kiểm tra và đề nghị công nhận 30 trường đạt chuẩn quốc gia (mầm non công: 6 trường, tiểu học công: 13 trường, THCS công: 11 trường). Tính đến 30/9/2010, toàn thành phố có 541 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó mầm non có 85 trường, tiểu học có 288 trường, THCS có 152 trường, THPT có 16 trường.

Đ.H