Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Giáo viên sống chật vật để bám lớp, bám trường


Ảnh: PLTPHCM


Giáo viên sống chật vật để bám lớp, bám trường

Thứ tư 03/10/2012 05:45Theo phân tích của bộ phận chuyên ngành thuộc bộ phận kế hoạch tài chính Sở GDĐT TPHCM thì thang, bậc lương của giáo viên trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay đang ở vị trí rất “khiêm nhường”. Đặc biệt là giáo viên tiểu học, mức lương nhà nước của đối tượng này có một khoảng cách khá xa so với thang bậc của 24 chức danh khác của viên chức loại B.
Cụ thể hơn, trong 53 chức danh xếp chung, bậc lương của giáo viên THPT đứng hàng cuối cùng. Không chỉ thế, hệ số chênh lệch trong lương giữa các bậc của giáo viên cũng rất nhỏ trong khi số thâm niên để giáo viên được hưởng vượt khung lại quá dài. Có thể đơn cử con số quy định vượt khung của giáo viên bậc tiểu học là minh chứng: Muốn hưởng mức lương vượt khung, giáo viên tiểu học phải có thâm niên công tác trong khoảng 10 – 15 năm. Không chỉ thế, mức lương khởi điểm của giáo viên cũng rất thấp, cụ thể chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Còn với những giáo viên có thâm niên từ 15 năm trở lên mới có thu nhập vào khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.
Phân tích cụ thể hơn từ “người thật việc thật” ở trường hợp của cô Nguyễn Phương Khanh – giáo viên Trường Tiểu học Phú Thạnh – Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết: Với thâm niên trong nghiệp “gõ đầu trẻ” gần 23 năm, hiện mức lương nhà nước mà cô giáo Khanh được hưởng ở mức 3.843.000 đồng/tháng. Đó là chưa trừ một số khoản như bảo hiểm xã hội (chiếm 10% mức lương) và tiền bảo hiểm y tế cô phải tự đóng mỗi năm một lần. Ngoài mức lương chính như trên, cộng các khoản phụ thu khác, thu nhập mỗi tháng của cô đạt chưa đầy 5,1 triệu. Cô Phương Khanh cho biết thêm: Với mức thu nhập này, gia đình đang có con độ tuổi đi học như cô phải thật sự tằn tiện mới có thể “đắp đổi” qua ngày và không thể có khoản phòng thân trong những lúc đau yếu hoặc những tình huống đột xuất khác.
Cô Triệu Thị Huệ - GV Trường chuyên Lê Hồng Phong thì tâm sự: "Với thâm niên gần 30 năm trong nghề cộng thêm đủ các khoản hỗ trợ từ công đoàn trường và cả phụ cấp trách nhiệm khi giữ vị trí tổ trưởng tổ văn Trường chuyên Lê Hồng Phong, mức thu nhập của tôi cũng chỉ tròm trèm 6,5 triệu đồng.
Thú thực, theo tôi biết mức thu nhập này đã là cao so với nhiều đồng nghiệp ở những trường khác cũng như các địa bàn còn khó khăn khác. Tuy nhiên, nếu xét vấn đề một cách sát thực, cụ thể và mang tính logic hơn thì thu nhập này hoàn toàn không đủ chi tiêu cho một gia đình công chức, có hai con đang độ tuổi đi học, nhất là khi sống tại một địa phương có mức sinh hoạt thuộc hàng đắt đỏ nhất nhì hiện nay như TPHCM. Nếu không “cày thêm” thì không thể sống nổi. Song nếu không biết “điều tiết”, cân đối giữa việc làm chính và làm thêm thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, như dân gian ta vẫn có câu nghề giáo chính là nghề “bán cháo phổi” đó thôi.
Sống với nghiệp “gõ đầu trẻ”, vắt kiệt sức với nghề là lao lực ngay. Nếu chủ quan nhận định, tôi cho rằng nghề giáo là một nghề nặng nhọc chứ không hề nhàn hạ, thanh thản như hình ảnh chiếc áo dài đồng phục của nhiều giáo viên. Nghề này rất cần một chế độ đãi ngộ hợp lý. Bởi nhìn vấn đề một cách rộng hơn, vấn đề thu nhập chế độ đãi ngộ cho giáo viên chính là cốt lõi của chất lượng giáo dục. So sánh một cách nôm na, nếu muốn tạo ra những sản phẩm tốt (những thế hệ HS có kiến thức và nhân cách tốt) thì chính người thợ (đội ngũ giáo viên) phải có một đời sống, một sức khỏe ổn định ở mức chấp nhận được so với mặt bằng chung của xã hội. Có như thế, họ mới có tâm huyết và cả sức lực để cống hiến cho nghiệp “trồng người” còn nếu không sẽ phải chấp nhận một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ giáo viên sẽ mãi mãi dừng ở mức là những người “thợ dạy”…

Chia sẻ

M.Hương75@gmail.com - 04/10/2012 16:52

Ở đây Tôi mới thấy bàn đến mức lương của giáo viên phổ thông, nhưng còn hệ thống giáo viên dạy nghề thì chưa thấy đề cập tới, Tôi thấy giáo viên dạy nghề, kể cả bậc trung cấp đến cao đẳng đều vẫn theo thang bậc lương của giáo viên phổ thông, nhưng mọi người không biết đến là: giáo viên dạy nghề trong các trường kể cả trường công lập không có lương hoặc có lương thì mức lương còn thấp hơn cả mức lương tối thiểu của nhà nước quy định, nếu mọi người không tin thì hãy hỏi Trường trung cấp nghề công trình 1 thuộc Tổng công ty XDCTGTI, đội ngũ giáo viên ở đây 9 tháng rồi không có lương, mỗi tháng bình quân chỉ được ứng có ... 500.000đ, hỏi ai có tin không?

Lương giáo viên phải cao nhất trong các ngành sự nghiệp


Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình.


Lương giáo viên phải cao nhất trong các ngành sự nghiệp

Thứ tư 03/10/2012 06:26"Tiền lương là thể hiện sự đối xử với thầy, cô giáo" - nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình chia sẻ với Lao Động.
Trao đổi với Lao Động, nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, vai trò của người thầy là căn cứ quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển giáo dục, nhưng cho đến nay, vấn đề giáo viên chưa một lần được giải quyết căn cơ, khiến cho tất cả những mong muốn đổi mới giáo dục đều không thực hiện được đến nơi đến chốn.

-  Trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông là thầy, cô giáo ở các trường phổ thông công lập gần như không còn động lực hoạt động nghề nghiệp vì thu nhập từ lương và phụ cấp do Nhà nước trả không đủ bảo đảm cho họ có cuộc sống tươm tất. Để tự cứu mình, nhiều giáo viên trường công ở các đô thị phải “dạy thêm”, dẫn đến dạy thêm tràn lan.
Trong khi đó, tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa trong xã hội gây nhiều tác động tiêu cực đến trường học mà ngay cả giáo viên cũng bị lây nhiễm. Do vậy, vị thế xã hội của nghề làm thầy lẫn người thầy bị hạ thấp trong thang giá trị xã hội.
Nếu đặt vấn đề tăng lương cho giáo viên, theo bà, tăng đến mức nào là phù hợp?
- Trong các kiến nghị, chúng tôi có nhấn mạnh vào việc sửa đổi chính sách lương, phụ cấp, đồng thời cải thiện điều kiện nghề nghiệp, đãi ngộ, mức sống đáp ứng được yêu cầu của nhà giáo và gia đình họ. Mức sống này phải được xác định là trên mức trung bình của xã hội.
Về thu nhập cụ thể, theo tôi, những nước khác làm được thì ta cũng phải làm được. Như ở Phần Lan, giáo viên là nghề có thu nhập cao, Hàn Quốc cũng xác định thu nhập của nhà giáo ở mức cao...
Gần đây, Nhà nước đã cố gắng tăng thêm 30% phụ cấp cho giáo viên đứng lớp. Có thể chưa được như mong muốn, nhưng so với lương của hệ thống viên chức nhà nước nói chung là khá cao. Nếu tiếp tục đặt vấn đề tăng lương giáo viên, thì như thế nào là hợp lý, thưa bà?
- Có thời kỳ Nhà nước ta đã nêu ra vấn đề lương giáo viên phải cao nhất trong các ngành sự nghiệp. Như vậy, theo tôi, đã có lúc chúng ta thấy được vấn đề nhưng không thống nhất được quan điểm và sự thực là chưa giải quyết vấn đề. Muốn vị thế trong xã hội của thầy, cô giáo cao lên, muốn thầy, cô giáo gắn bó với nghề, muốn thu hút người giỏi làm nghề dạy học, thì phải trả lương cao cho thầy, cô giáo. Tiền lương là thể hiện sự đối xử với thầy, cô giáo.
Bây giờ nhiều thầy không gắn bó với nghề. Học sinh khá, giỏi không muốn vào học sư phạm. Như thế thì giáo dục làm sao có chất lượng? Cái gốc vấn đề là ở đấy!
Hơn nữa, vấn đề đổi mới, hay cải cách giáo dục không chỉ tốt cho nhà trường mà sẽ nâng cao được cả văn hóa, đạo đức xã hội. Người giáo viên tốt thì con em chúng ta sẽ tốt hơn, xã hội tốt hơn.
Đã từng có ý kiến cho rằng nên có quỹ hỗ trợ dành cho giáo viên, huy động nguồn lực từ các tổ chức xã hội, các công ty, tập đoàn… Theo bà, vấn đề xã hội hóa trong việc tăng thu nhập cho giáo viên nên được nhìn nhận như thế nào?
- Xã hội hóa giáo dục trong giai đoạn này là chủ trương đúng. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh, đối với việc học tập của con em chúng ta, Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Nhà nước có thể lo bằng nhiều cách, trong đó có biện pháp xã hội hóa, nhưng bằng cách gì thì Nhà nước vẫn phải đảm bảo, vẫn phải chịu trách nhiệm.
Có nên đặt ra vấn đề phân cấp giáo viên để phân cấp thu nhập hay không, thưa bà? Giáo viên giỏi, dù trẻ, nhưng phải có thu nhập cao hơn giáo viên bình thường khác?

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình tặng thưởng cho sinh viên ĐH Phan Châu Trinh.

- Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, thâm niên là đặc thù của nghề giáo, càng làm lâu trong nghề càng phải khuyến khích. Còn đối với người giỏi, ở đây phải đặt ra vấn đề bồi dưỡng thường xuyên nâng cao trình độ. Trình độ đến đâu đãi ngộ đến đó. Nhóm nghiên cứu chúng tôi đề xuất toàn bộ giáo viên phổ thông phải có trình độ từ đại học trở lên. Phải nâng trình độ giáo viên lên và xóa bỏ ngay quan điểm lạc hậu lớp thấp chỉ cần trình độ thấp.
Đối với khoa học giáo dục hiện đại, những năm đầu của trẻ là giai đoạn hình thành nhân cách, tư duy. Vì vậy, bậc học càng thấp càng đòi hỏi ở người giáo viên nhiều hơn.
Theo bà, với tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan như hiện nay, tăng lương có giải quyết được tình hình?
- Vấn đề dạy thêm học thêm hiện nay khó chống, nguyên nhân là người giáo viên phải làm thêm để có thu nhập đảm bảo đời sống. Vì vậy, dạy thêm rất khó cấm, và thực tế hiện nay là vẫn không thể chống được. Nếu giải quyết thỏa đáng đãi ngộ, lương bổng để giáo viên và gia đình có cuộc sống tươm tất, đàng hoàng thì theo tôi, không cần cấm đoán, giáo viên cũng sẽ không dạy thêm nữa.
Lực lượng giáo viên hiện nay đông, nguồn lực quốc gia có hạn. Vậy một lộ trình tăng lương sẽ như thế nào để cân đối, trong mối tương quan với bảng lương của các ngành nghề khác?
- Trước mắt hãy cứ thực hiện công bằng, tính đủ lao động cho người thầy. Công chức, viên chức làm việc 8h/ngày. Người thầy ngoài giờ lên lớp còn phải chấm bài, soạn giáo án... Ở các thành phố lớn, giáo viên không chỉ dạy một lớp 35 học sinh như quy định, mà số lượng học sinh phải phụ trách có khi lên tới 50 - 60 em. Vậy hãy tính đủ sức lao động cho họ. Chưa cần nói gì đến việc ưu ái hơn nhưng trước mắt cứ tính cho công bằng đã. Cũng cần thiết phải cải cách quản lý, phải làm sao để người giáo viên làm việc có mức độ vì họ còn gia đình, cuộc sống riêng.
Hãy làm tốt những vấn đề Nhà nước đã đặt ra như thâm niên, phụ cấp dạy thêm giờ, sĩ số lớp... Rồi sau đó hãy đặt tới vấn đề đưa lương của giáo viên đứng đầu trong bảng lương sự nghiệp.
Nhân dịp Đảng đang thực hiện việc thi hành Nghị quyết IV T.Ư khóa XI sẽ bàn về đổi mới trong giáo dục, bà có kỳ vọng gì vào cuộc họp lần này?
- Thật sự tôi muốn một cuộc “cải cách”, chứ không chỉ dừng ở “đổi mới” trong giáo dục. Tôi hy vọng những người lãnh đạo ngành có quan điểm, nhận thức đúng mức, quyết tâm thực hiện những điều mình nêu ra. Tất nhiên, không thể một lúc mà đề ra hết được mọi vấn đề. Nhưng tôi mong rằng, với mục tiêu đã có, với quan điểm đúng, kỳ họp sẽ chỉ ra được những giải pháp quan trọng nhất trong công cuộc đổi mới, trong đó có vấn đề người thầy.
- Xin cảm ơn bà!
Theo laodong.com.vn

Đề tài khoa học cấp nhà nước “Các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông” do nguyên Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm đã đặt ra nhiều vấn đề nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Nhóm nghiên cứu khảo sát thu nhập của GV qua bảng lương cho thấy: Thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương trong khoảng từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.
Tính theo năm công tác thì lương GV sau 13 năm từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, sau 25 năm từ 4,1 - 4,7 triệu đồng/tháng. GV mới ra trường ở cả 3 cấp học nhận mức lương trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Với số lượng GV như hiện nay, chỉ khoảng 50% số GV các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên và được hưởng mức lương bình quân, 50% còn lại được hưởng dưới mức lương bình quân.
Từ đó cho thấy, thu nhập từ lương và phụ cấp theo lương cho GV phổ thông không đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ bản về đời sống của bản thân và gia đình họ, nhất là ở các vùng đô thị. Khoảng trên 40% không muốn làm nghề sư phạm nếu được chọn lại ngành nghề vì lương quá thấp.

M.Huong75@gmail.com - 04/10/2012 16:38


Cám ơn Bà bình đã có những suy nghĩ cho đời sống giáo viên, quả thực thu nhập chính đáng của giáo viên cho đến hiện nay so với mức thu nhập chung của xã hội là thấp, cho nên tăng lương cho giáo viên tôi hoàn toàn đồng tình, nhưng mặt khác tăng lương thì phải tăng chất lượng giảng dạy, dạy tốt lương cao là điều hiển nhiên, nhưng muốn có giáo viên dạy giỏi thì ngay từ khâu đầu vào, sinh viên học ngành sư phạm phải là học sinh giỏi đã, mặt đạo dức xã hội hình thể nhân văn... phải là những người tốt, có như vậy thì mới có giáo viên giỏi và đủ tư cách, mặt khác ở khâu tuyển dụng, phải thật sự công bằng, công khai, minh bạch và đúng đối tượng. hiện nay tiêu cực trong tuyển dụng vẫn còn là vấn nạn và vấn nạn này làm thui chột cả một nền giáo dục. Đấy là mới nói đến đội ngũ giáo viên, còn đội ngũ cán bộ quản lý của ngành giáo dục thì sao, đội ngũ quản lý tồi thì giáo dục cũng sẽ tồi./.


Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Đã đến lúc phải cương quyết

Đã đến lúc phải cương quyết


chọn đường cho giáo dục Việt Nam


Mệt mỏi, căng thẳng với thi cử và những chương trình học vô bổ, mất thời gian.

Ảnh: GIANG HUY

Thứ hai 01/10/2012 01:00

Nền giáo dục của chúng ta hiện nay không phải là lạc hậu (đi đúng hướng nhưng đi chậm) mà là lạc đường - GS Chu Hảo phát biểu tại hội nghị về đổi mới giáo dục diễn ra hôm 29.9.
Sáng ngày 29.9, những nhà giáo nhân dân, giáo sư đầu ngành như nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, GS Hoàng Tụy, GS Hoàng Xuân Sính, GS Chu Hảo, GS Nguyễn Lân Dũng, GS Phạm Minh Hạc, GS Nguyễn Xuân Hãn... đã hội tụ để có ý kiến phản biện và kiến nghị về nhiều vấn đề của giáo dục trong bối cảnh Bộ Giáo dục Đào tạo và Ban Tuyên giáo Trung ương đang xây dựng đề án “Đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện”.
Tuy nhiên, đáng tiếc là, dù đã có lời mời nhưng không có một đại diện nào của Bộ GDĐT tham gia cuộc hội thảo này
Bức tranh tối màu

Nhận định thẳng thắn về tình hình giáo dục hiện tại, GS Chu Hảo cho rằng: Nền giáo dục của chúng ta hiện nay không phải là lạc hậu (đi đúng hướng nhưng đi chậm) mà là lạc đường. Những yếu kém, bất cập và lạc hậu đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng trong nền giáo dục quốc dân của chúng ta đã tồn tại từ nhiều năm nay ngày càng trầm trọng. Hậu quả của nó không chỉ là không đáp ứng được nguồn nhân lực cho công cuộc CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, mà quan trọng hơn là góp phần làm suy yếu thêm nền tảng văn hóa - đạo đức xã hội.
GS Hoàng Xuân Sính “vẽ” cụ thể một bức tranh trải ra trước mắt: Hệ phổ thông với thầy và trò suốt ngày dạy thêm học thêm; hệ ĐH với những sinh viên chỉ muốn xả hơi sau 12 năm gò lưng trên bàn học, đến mùa thi thì đi thầy để có bảng điểm tốt; và một danh sách dài những gia đình chán ngán giáo dục nước nhà, tìm cách cho con ra nước ngoài học... Có thể nói trong 12 năm từ tiểu học đến hết THPT - giáo dục của Việt Nam chỉ làm được việc dạy kiến thức, còn việc dạy người thì chưa làm được gì

GS Hoàng Tụy khẩn thiết: Sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, đã đến lúc phải có lựa chọn: Hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới; hoặc là cương quyết thay đổi tư duy - thực hiện bước ngoặt cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển

Mối lo về nhân lực

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình bày tỏ sự lo ngại về vấn đề chất lượng giáo viên đang đi xuống. Theo kết quả điều tra mới nhất, một tỉ lệ khá lớn giáo viên phổ thông đang không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình hiện hành. Tới đây, chất lượng giáo viên mới vào nghề còn thấp hơn nữa vì phần lớn sinh viên đang học các trường sư phạm vốn chỉ là học sinh trung bình, phương pháp đào tạo lại quá lạc hậu
Theo bà Nguyễn Thị Bình, trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông chính là họ không còn động lực hoạt động nghề nghiệp vì thu nhập từ lương và phụ cấp nhà nước trả không đủ bảo đảm cho họ có một cuộc sống tươm tất. Để tự cứu mình, nhiều giáo viên phải dạy thêm dẫn đến dạy thêm tràn lan, sự xuống cấp về đạo đức cũng khiến giáo viên bị lây nhiễm và vì thế, vị thế của nghề giáo, người thầy bị hạ thấp trong thang giá trị xã hội..
Bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh yêu cầu “cần phải tập trung sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên”. Bà cũng cho rằng phải có chính sách thu hút người giỏi vào sư phạm

GS Nguyễn Xuân Hãn nhận định: “Lương giáo viên hiện nay quá thấp là một nguyên do khiến giáo viên không yên tâm với nghề và người giỏi không chọn ngành sư phạm”. Nhìn ở khía cạnh khác hơn, PGS Khổng Doãn Điền lại cho rằng: “Giáo viên không gắn bó với nghề không hẳn do đãi ngộ mà là “đãi ngộ như thế đã công bằng chưa?”
GS Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, kiến nghị cần tách lương giáo viên ra khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp trong việc cải cách lương sắp tới. Trước mắt, phải cho giáo viên nghỉ hưu trước ngày 1.1.1994 đến 1.5.2011 được hưởng phụ cấp thâm niên để công bằng
Viết SGK mới: Nên để các nhóm tác giả cạnh tranh
Dù đề xuất cần sớm tiến hành viết lại sách giáo khoa nhưng các trí thức thủ đô cho rằng, hãy để cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả cạnh tranh nhau qua chất lượng các bộ sách. Là một trong những người đầu tiên tham gia Ban Tu thư của Bộ Giáo dục, Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu cho rằng, ngành giáo dục đã đến lúc phải làm lại chương trình các môn học, mạnh dạn bỏ những nội dung ôm đồm, không thiết thực, xa rời thực tiễn, không phục vụ cuộc sống, thiếu hệ thống trong từng cấp và giữa các cấp, giữa các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Để viết sách giáo khoa mới, theo GS Nguyễn Lân Dũng (Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam), nên dựa vào các hội khoa học chuyên ngành để lựa chọn những chuyên gia giỏi, kết hợp với thầy cô giáo có kinh nghiệm lâu năm biên soạn ngay một chương trình mới. Việc in SGK nên để cho từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản làm
Còn việc lựa chọn bộ sách nào để giảng dạy, để học là tùy thầy cô và học sinh. Chỉ có cạnh tranh khoa học lành mạnh như vậy mới mong sớm có được những bộ sách giáo khoa tốt.
6 kiến nghị của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội: Mọi nghị quyết của Đảng liên quan đến sự nghiệp GD-ĐT, cần nghiên cứu kỹ, có sự tham gia của các tầng lớp xã hội; xem xét lại và chấn chỉnh hệ thống GD quốc dân theo hướng gắn kết GD phổ thông - GD nghề nghiệp - GD ĐH và GD dạy nghề, khắc phục những lệch lạc có tính hệ thống hiện tại; tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề bất cập của chương trình - SGK, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để phát triển GD ngang bằng với các nước; đề nghị tách hệ thống lương giáo viên ra khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp trong việc cải cách lương sắp tới; thành lập uỷ ban GDĐT Quốc gia giúp Đảng và Chính phủ điều phối toàn bộ công tác đổi mới căn bản toàn diện nền GD Việt Nam; mạnh dạn cải cách cơ chế tuyển chọn và sử dụng trí thức hiện nay, đổi mới tư duy về công tác lựa chọn, đào tạo và sử dụng những người đủ tâm, đủ tầm cho phát triển GD
Theo GS Chu Hảo, cần tổ chức tiến hành cuộc tổng điều tra giáo dục trong năm 2013. Tổ chức soạn thảo đề án tổng thể về cải cách giáo dục trong năm 2014 để Chính phủ trình Quốc hội thông qua và tổ chức thực hiện từ năm 2015. Từ nay đến khi có đề án tổng thể về cải cách giáo dục, không tiến hành bất cứ một đề án đổi mới hoặc dự luật giáo dục mới nào do Bộ GDĐT đề xuất.

Đoàn học sinh Việt Nam giành 4 huy chương Olympic


Đoàn học sinh Việt Nam giành 4 huy chương Olympic

Thứ ba 02/10/2012 06:00

Cả 4 thành viên dự thi Olympic tin học quốc tế Việt Nam diễn ra từ ngày 22 - 30.9 tại Italia đều đã giành huy chương.

Ba học sinh giành được huy chương bạc là các em Nguyễn Việt Dũng, Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm - ĐH Sư phạm Hà Nội; Vũ Đình Quang Đạt, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội và Nguyễn Tuấn Anh, THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng. Giành huy chương đồng là Nguyễn Hữu Thành, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng.



Tính đến thời điểm này, thành tích của tất cả các đoàn dự thi Olympic của học sinh Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc so với các năm trước. Đây là lần đầu tiên cả 31 học sinh thuộc 6 đội tuyển quốc gia dự thi đều đoạt huy chương. Đồng thời, chất lượng giải có sự tăng tiến với 5 huy chương vàng và 15 huy chương bạc. Đặc biệt, đội tuyển Olympic quốc tế môn toán học, sau nhiều năm gián đoạn đã trở lại “top 10” nước mạnh nhất thế giới.

Chấn chỉnh đào tạo liên thông liên kết trình độ cao đẳng, đại học

Chấn chỉnh đào tạo liên thông liên kết trình độ cao đẳng, đại học


Thứ ba 02/10/2012 07:18

Ngày 1.10, Bộ GDĐT đã yêu cầu các đại học, học viện, các trường ĐH, CĐ phải chấn chỉnh ngay việc đào tạo liên thông liên kết.

Theo Bộ GDĐT, hiện nay việc tổ chức, quản lý đào tạo liên thông, liên kết tại một số trường không đúng quy định và chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng. Vì vậy, bộ yêu cầu hiệu trưởng các trường phải thực hiện đúng các quy định về đào tạo liên thông và liên kết, chú trọng tới các giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo. Các trường không tổ chức liên kết đào tạo liên thông để cấp bằng chính quy ngoài cơ sở đào tạo của trường.

Các trường đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học, từ trung cấp nghề và cao đẳng nghề lên cao đẳng và đại học phải có quyết định giao nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Đồng thời, các trường phải công bố công khai chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng, kế hoạch đào tạo cho người học trên trang thông tin điện tử của trường. Thứ trưởng Bộ GDĐT - ông Bùi Văn Ga - cho biết, bộ sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý các trường thực hiện sai quy định trong việc này.
H.NG

Quảng Nam: Sốt rét tái xuất. Ngày 1.10, bà Hồ Thị Bông - Trưởng trạm y tế xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) - cho biết, vừa phát hiện 6 ca dương tính với sốt rét, trong đó có 3 giáo viên. Hầu hết bệnh nhân đều có triệu chứng sốt cao liên tục, sức khỏe giảm sút. Trạm y tế xã cấp báo và trung tâm y tế huyện đã tăng cường cán bộ về xã kiểm dịch, hướng dẫn nhân dân cách phòng bệnh, đồng thời phun 120 lít hóa chất diệt muỗi fendona tại toàn bộ nhà nhân dân. Nam Trà My là ổ dịch sốt rét, lưu truyền trong nhiều chục năm nay, hiện mùa mưa lũ sắp đến gần, là thời điểm bệnh sốt rét ở Nam Trà My có nguy cơ tái bùng phát, lây lan trên diện rộng.
T.T.THƯ

Tị nạn” giáo dục

Tị nạn” giáo dục


Nhiều trí thức hàng đầu hội tụ để đóng góp ý kiến xây dựng một nền giáo dục tiên tiến cho đất nước. Giáo sư Chu Hảo khẳng định nền giáo dục của chúng ta đang đi lạc đường; còn Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng, nền giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi ràng buộc các ý thực hệ cứng nhắc.

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình quan tâm đến chính sách đãi ngộ cho giáo viên, bởi vì đây chính là yếu tố căn bản để người thầy gắn bó, tận tâm với nghề. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đề xuất việc xuất bản sách giáo khoa nên để nhiều nhóm tác giả và nhà xuất bản cạnh tranh mới có sản phẩm đạt chất lượng cao

Những ý kiến nêu ra tại hội thảo đổi mới giáo dục diễn ra hôm 29.9 đều tâm huyết, xác thực và quyết liệt

Thực ra, những ý kiến này không phải là phát hiện mới mẻ, tuy nhiên, dù được đưa ra tại nhiều hội nghị, hội thảo về giáo dục, nhưng nó vẫn còn mới là vì cái cũ chưa được thay đổi. Các bậc trí thức uy tín có trách nhiệm với nền giáo dục của đất nước cho nên rất có trách nhiệm với những phát ngôn của mình. Việc khẳng định “một nền giáo dục đi lạc đường” hoặc “khủng hoảng triền miên” có thể gây sốc cho những người quản lý giáo dục, nhưng đó là lời nói trung thực của tấm lòng, sự đúng đắn của khoa học, cho nên không thể không lắng nghe.



Tư duy cứng nhắc khiến cho nền giáo dục Việt Nam bị khủng hoảng mà Giáo sư Hoàng Tụy đề cập đến tưởng cũng cần phải phân tích một cách khách quan, khoa học để điều chỉnh, để có được một nền giáo dục khai phóng phát triển. Chúng ta thường nói đến tư duy giáo dục áp đặt một chiều, đè nén suy nghĩ độc lập, triệt tiêu khả năng sáng tạo. Chúng ta thường nói đến một đường lối giáo dục khoa học xã hội nặng từ chương theo kiểu rập khuôn, lời thầy nói bao giờ cũng đúng, là bất biến, là chân lý

Nếu thế giới này không có những bộ óc biết suy nghĩ ngược lại với những bộ óc cũ, không có những người dám “phá hủy sáng tạo” (khái niệm của Joseph Schumpeter – nhà kinh tế, chính trị học người Áo) thì làm sao con người đạt được những thành tựu vĩ đại mọi mặt như ngày hôm nay. Sự khác biệt giữa các quốc gia phát triển và chậm phát triển hôm nay không phải là gì hơn ngoài một lằn ranh giữa một bên luôn luôn sáng tạo và đổi mới trong ánh sáng của văn minh, còn bên kia là bảo thủ, trì trệ

Gần đây, nhiều gia đình cho con cái đi du học thường dùng cách nói là đi “tị nạn giáo dục”. Có thể hơi quá lời, nhưng dù sao cũng hàm chứa phần nào thực tế hiện nay. Một nền giáo dục đang bị lạc đường và khủng hoảng triền miên thì phải “tị nạn” là đúng rồi. Còn để cho con em không phải đi “tị nạn giáo dục” thì nền giáo dục của quốc gia phải sửa lại cho đúng đường.

Theo laodong.com.vn

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Tại sao Hà Nội 'nói không' với liên thông, tại chức?

Tại sao Hà Nội 'nói không' với liên thông, tại chức?


- Trao đổi với VietNamNet, ông Đỗ Văn Chinh, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên người tốt nghiệp hệ liên thông sẽ thi tuyển làm giáo viên hệ THCS”.
Giáo dục Hà Nội 'nói không' với liên thông
Ngày 12/9, Sở GD-ĐT Hà Nội thông báo tuyển viên chức cho các trường công lập 2012 với khẳng định chỉ tiếp nhận hồ sơ dự tuyển của những người tốt nghiệp hệ chính quy của trường đại học sư phạm hoặc khoa sư phạm của các trường đại học công lập đúng chuyên ngành đăng ký và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.



Trong ảnh: Thầy trò Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong lễ khai giảng năm học 2012-2013. (Ảnh Văn Chung)

Kết hợp xét tuyển và thi sát hạch
Ông nói rõ hơn về chủ trương tuyển dụng viên chức của sở năm nay?
Ông Đỗ Văn Chinh: Việc tuyển dụng này thực hiện theo Nghị định 29 của Chính phủ năm 2012 (NĐ) về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Đây là năm đầu tiên sở thực hiện việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho các trường trực thuộc sở.
Việc tuyển dụng giáo viên khối mầm non, tiểu học, THCS cho các quận huyện của thành phố đã thực hiện xong. Hiện sở đang chuẩn bị tiến hành tuyển viên chức cho các trường THPT, GDTX, TT kỹ thuật thực hành, TCCN.
Theo tinh thần của NĐ, điểm mới của công tác tuyển dụng năm nay là có thêm phần phỏng vấn, thực hành (soạn giáo án) ngoài xét kết quả học tập. Điều này tạo thuận lợi cho việc sát hạch và kiểm tra năng lực thực tế của các thí sinh.
Với điểm mới này, công tác tuyển dụng của sở năm nay có gặp khó khăn gì?
Các công việc này thực ra sở đã làm từ nhiều năm trước. Chúng tôi cũng có những đợt sát hạch đội ngũ giáo viên. Do đó không có khó khăn gì.
Hội đồng tuyển dụng là các trường. Họ đã làm quen với công tác này. Số lượng tuyển dụng năm nay cũng vừa phải nên rất thuận lợi trong khâu tổ chức.
Học liên thông sẽ thi giáo viên THCS
Việc chỉ tuyển người tốt nghiệp đại học chính quy mà không tuyển hệ liên thông của sở năm nay xuất phát từ lý do gì, thưa ông?
Giáo viên có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến một lớp học sinh, ở đây là tương lai của thủ đô.
Với người học liên thông, sở có ý kiến rất rõ ràng rằng họ đều được thi tuyển làm giáo viên THCS vì gốc của anh là cao đẳng sư phạm, chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn. Sau đó, nếu có bằng đại học, giáo viên sẽ được xem xét để nâng ngạch. Năm nay lượng tuyển giáo viên THCS khá lớn với 377 chỉ tiêu.
Một vấn đề cũng là khó khăn khi để xét tuyển giáo viên khối THPT cần tính điểm trung bình toàn khóa (hệ đại học). Kết quả của người học liên thông (3 năm cao đẳng, 2 năm liên thông đại học) rất khó tính.
Liệu việc tuyển dụng này xuất phát từ thực tế chất lượng giáo dục hệ liên thông hiện nay chưa đảm bảo?
Chất lượng phải tùy cơ sở đào tạo. Người học liên thông cũng rất nhiều người giỏi, nếu xét cụ thể từng cá nhân. Nhưng một sinh viên được đào tạo sư phạm chính quy, học thẳng lên sẽ chắc chắn và đúng đối tượng.
Nói tóm lại, quyết định tuyển viên chức này của Sở GD-ĐT Hà Nội nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Thưa ông, làm như thế nào để chống các tiêu cực trong khâu tuyển dụng?
Theo NĐ vừa ban hành, việc xét tuyển phải căn cứ vào điểm học tập trung bình toàn khóa, điểm tốt nghiệp cộng với điểm thực hành. Ở đây, kiểm tra sát hạch chỉ là một trong những nội dung quan trọng trong xét tuyển.
Hơn nữa, việc soạn giáo án, sở đã quy định và hướng dẫn cụ thể biểu chấm chi tiết. Biểu này sẽ lưu lại để kiểm tra.
Đặc biệt để tránh tiêu cực, điểm học tập và tốt nghiệp của thí sinh sẽ chưa nộp ngay. Cứ sát hạch đã, soạn giáo án rồi thi giảng đi và niêm phong điểm này lại. Sau đó thí sinh mới nộp điểm học tập và tốt nghiệp để tính tổng điểm và xét tuyển từ cao xuống thấp, đến hết chỉ tiêu, đảm bảo tính khách quan, trung thực của kỳ thi tuyển.
Xin cảm ơn ông!