Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Đã đến lúc phải cương quyết

Đã đến lúc phải cương quyết


chọn đường cho giáo dục Việt Nam


Mệt mỏi, căng thẳng với thi cử và những chương trình học vô bổ, mất thời gian.

Ảnh: GIANG HUY

Thứ hai 01/10/2012 01:00

Nền giáo dục của chúng ta hiện nay không phải là lạc hậu (đi đúng hướng nhưng đi chậm) mà là lạc đường - GS Chu Hảo phát biểu tại hội nghị về đổi mới giáo dục diễn ra hôm 29.9.
Sáng ngày 29.9, những nhà giáo nhân dân, giáo sư đầu ngành như nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, GS Hoàng Tụy, GS Hoàng Xuân Sính, GS Chu Hảo, GS Nguyễn Lân Dũng, GS Phạm Minh Hạc, GS Nguyễn Xuân Hãn... đã hội tụ để có ý kiến phản biện và kiến nghị về nhiều vấn đề của giáo dục trong bối cảnh Bộ Giáo dục Đào tạo và Ban Tuyên giáo Trung ương đang xây dựng đề án “Đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện”.
Tuy nhiên, đáng tiếc là, dù đã có lời mời nhưng không có một đại diện nào của Bộ GDĐT tham gia cuộc hội thảo này
Bức tranh tối màu

Nhận định thẳng thắn về tình hình giáo dục hiện tại, GS Chu Hảo cho rằng: Nền giáo dục của chúng ta hiện nay không phải là lạc hậu (đi đúng hướng nhưng đi chậm) mà là lạc đường. Những yếu kém, bất cập và lạc hậu đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng trong nền giáo dục quốc dân của chúng ta đã tồn tại từ nhiều năm nay ngày càng trầm trọng. Hậu quả của nó không chỉ là không đáp ứng được nguồn nhân lực cho công cuộc CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, mà quan trọng hơn là góp phần làm suy yếu thêm nền tảng văn hóa - đạo đức xã hội.
GS Hoàng Xuân Sính “vẽ” cụ thể một bức tranh trải ra trước mắt: Hệ phổ thông với thầy và trò suốt ngày dạy thêm học thêm; hệ ĐH với những sinh viên chỉ muốn xả hơi sau 12 năm gò lưng trên bàn học, đến mùa thi thì đi thầy để có bảng điểm tốt; và một danh sách dài những gia đình chán ngán giáo dục nước nhà, tìm cách cho con ra nước ngoài học... Có thể nói trong 12 năm từ tiểu học đến hết THPT - giáo dục của Việt Nam chỉ làm được việc dạy kiến thức, còn việc dạy người thì chưa làm được gì

GS Hoàng Tụy khẩn thiết: Sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, đã đến lúc phải có lựa chọn: Hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới; hoặc là cương quyết thay đổi tư duy - thực hiện bước ngoặt cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển

Mối lo về nhân lực

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình bày tỏ sự lo ngại về vấn đề chất lượng giáo viên đang đi xuống. Theo kết quả điều tra mới nhất, một tỉ lệ khá lớn giáo viên phổ thông đang không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình hiện hành. Tới đây, chất lượng giáo viên mới vào nghề còn thấp hơn nữa vì phần lớn sinh viên đang học các trường sư phạm vốn chỉ là học sinh trung bình, phương pháp đào tạo lại quá lạc hậu
Theo bà Nguyễn Thị Bình, trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông chính là họ không còn động lực hoạt động nghề nghiệp vì thu nhập từ lương và phụ cấp nhà nước trả không đủ bảo đảm cho họ có một cuộc sống tươm tất. Để tự cứu mình, nhiều giáo viên phải dạy thêm dẫn đến dạy thêm tràn lan, sự xuống cấp về đạo đức cũng khiến giáo viên bị lây nhiễm và vì thế, vị thế của nghề giáo, người thầy bị hạ thấp trong thang giá trị xã hội..
Bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh yêu cầu “cần phải tập trung sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên”. Bà cũng cho rằng phải có chính sách thu hút người giỏi vào sư phạm

GS Nguyễn Xuân Hãn nhận định: “Lương giáo viên hiện nay quá thấp là một nguyên do khiến giáo viên không yên tâm với nghề và người giỏi không chọn ngành sư phạm”. Nhìn ở khía cạnh khác hơn, PGS Khổng Doãn Điền lại cho rằng: “Giáo viên không gắn bó với nghề không hẳn do đãi ngộ mà là “đãi ngộ như thế đã công bằng chưa?”
GS Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, kiến nghị cần tách lương giáo viên ra khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp trong việc cải cách lương sắp tới. Trước mắt, phải cho giáo viên nghỉ hưu trước ngày 1.1.1994 đến 1.5.2011 được hưởng phụ cấp thâm niên để công bằng
Viết SGK mới: Nên để các nhóm tác giả cạnh tranh
Dù đề xuất cần sớm tiến hành viết lại sách giáo khoa nhưng các trí thức thủ đô cho rằng, hãy để cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả cạnh tranh nhau qua chất lượng các bộ sách. Là một trong những người đầu tiên tham gia Ban Tu thư của Bộ Giáo dục, Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu cho rằng, ngành giáo dục đã đến lúc phải làm lại chương trình các môn học, mạnh dạn bỏ những nội dung ôm đồm, không thiết thực, xa rời thực tiễn, không phục vụ cuộc sống, thiếu hệ thống trong từng cấp và giữa các cấp, giữa các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Để viết sách giáo khoa mới, theo GS Nguyễn Lân Dũng (Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam), nên dựa vào các hội khoa học chuyên ngành để lựa chọn những chuyên gia giỏi, kết hợp với thầy cô giáo có kinh nghiệm lâu năm biên soạn ngay một chương trình mới. Việc in SGK nên để cho từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản làm
Còn việc lựa chọn bộ sách nào để giảng dạy, để học là tùy thầy cô và học sinh. Chỉ có cạnh tranh khoa học lành mạnh như vậy mới mong sớm có được những bộ sách giáo khoa tốt.
6 kiến nghị của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội: Mọi nghị quyết của Đảng liên quan đến sự nghiệp GD-ĐT, cần nghiên cứu kỹ, có sự tham gia của các tầng lớp xã hội; xem xét lại và chấn chỉnh hệ thống GD quốc dân theo hướng gắn kết GD phổ thông - GD nghề nghiệp - GD ĐH và GD dạy nghề, khắc phục những lệch lạc có tính hệ thống hiện tại; tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề bất cập của chương trình - SGK, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để phát triển GD ngang bằng với các nước; đề nghị tách hệ thống lương giáo viên ra khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp trong việc cải cách lương sắp tới; thành lập uỷ ban GDĐT Quốc gia giúp Đảng và Chính phủ điều phối toàn bộ công tác đổi mới căn bản toàn diện nền GD Việt Nam; mạnh dạn cải cách cơ chế tuyển chọn và sử dụng trí thức hiện nay, đổi mới tư duy về công tác lựa chọn, đào tạo và sử dụng những người đủ tâm, đủ tầm cho phát triển GD
Theo GS Chu Hảo, cần tổ chức tiến hành cuộc tổng điều tra giáo dục trong năm 2013. Tổ chức soạn thảo đề án tổng thể về cải cách giáo dục trong năm 2014 để Chính phủ trình Quốc hội thông qua và tổ chức thực hiện từ năm 2015. Từ nay đến khi có đề án tổng thể về cải cách giáo dục, không tiến hành bất cứ một đề án đổi mới hoặc dự luật giáo dục mới nào do Bộ GDĐT đề xuất.

Đoàn học sinh Việt Nam giành 4 huy chương Olympic


Đoàn học sinh Việt Nam giành 4 huy chương Olympic

Thứ ba 02/10/2012 06:00

Cả 4 thành viên dự thi Olympic tin học quốc tế Việt Nam diễn ra từ ngày 22 - 30.9 tại Italia đều đã giành huy chương.

Ba học sinh giành được huy chương bạc là các em Nguyễn Việt Dũng, Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm - ĐH Sư phạm Hà Nội; Vũ Đình Quang Đạt, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội và Nguyễn Tuấn Anh, THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng. Giành huy chương đồng là Nguyễn Hữu Thành, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng.



Tính đến thời điểm này, thành tích của tất cả các đoàn dự thi Olympic của học sinh Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc so với các năm trước. Đây là lần đầu tiên cả 31 học sinh thuộc 6 đội tuyển quốc gia dự thi đều đoạt huy chương. Đồng thời, chất lượng giải có sự tăng tiến với 5 huy chương vàng và 15 huy chương bạc. Đặc biệt, đội tuyển Olympic quốc tế môn toán học, sau nhiều năm gián đoạn đã trở lại “top 10” nước mạnh nhất thế giới.

Chấn chỉnh đào tạo liên thông liên kết trình độ cao đẳng, đại học

Chấn chỉnh đào tạo liên thông liên kết trình độ cao đẳng, đại học


Thứ ba 02/10/2012 07:18

Ngày 1.10, Bộ GDĐT đã yêu cầu các đại học, học viện, các trường ĐH, CĐ phải chấn chỉnh ngay việc đào tạo liên thông liên kết.

Theo Bộ GDĐT, hiện nay việc tổ chức, quản lý đào tạo liên thông, liên kết tại một số trường không đúng quy định và chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng. Vì vậy, bộ yêu cầu hiệu trưởng các trường phải thực hiện đúng các quy định về đào tạo liên thông và liên kết, chú trọng tới các giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo. Các trường không tổ chức liên kết đào tạo liên thông để cấp bằng chính quy ngoài cơ sở đào tạo của trường.

Các trường đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học, từ trung cấp nghề và cao đẳng nghề lên cao đẳng và đại học phải có quyết định giao nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Đồng thời, các trường phải công bố công khai chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng, kế hoạch đào tạo cho người học trên trang thông tin điện tử của trường. Thứ trưởng Bộ GDĐT - ông Bùi Văn Ga - cho biết, bộ sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý các trường thực hiện sai quy định trong việc này.
H.NG

Quảng Nam: Sốt rét tái xuất. Ngày 1.10, bà Hồ Thị Bông - Trưởng trạm y tế xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) - cho biết, vừa phát hiện 6 ca dương tính với sốt rét, trong đó có 3 giáo viên. Hầu hết bệnh nhân đều có triệu chứng sốt cao liên tục, sức khỏe giảm sút. Trạm y tế xã cấp báo và trung tâm y tế huyện đã tăng cường cán bộ về xã kiểm dịch, hướng dẫn nhân dân cách phòng bệnh, đồng thời phun 120 lít hóa chất diệt muỗi fendona tại toàn bộ nhà nhân dân. Nam Trà My là ổ dịch sốt rét, lưu truyền trong nhiều chục năm nay, hiện mùa mưa lũ sắp đến gần, là thời điểm bệnh sốt rét ở Nam Trà My có nguy cơ tái bùng phát, lây lan trên diện rộng.
T.T.THƯ

Tị nạn” giáo dục

Tị nạn” giáo dục


Nhiều trí thức hàng đầu hội tụ để đóng góp ý kiến xây dựng một nền giáo dục tiên tiến cho đất nước. Giáo sư Chu Hảo khẳng định nền giáo dục của chúng ta đang đi lạc đường; còn Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng, nền giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi ràng buộc các ý thực hệ cứng nhắc.

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình quan tâm đến chính sách đãi ngộ cho giáo viên, bởi vì đây chính là yếu tố căn bản để người thầy gắn bó, tận tâm với nghề. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đề xuất việc xuất bản sách giáo khoa nên để nhiều nhóm tác giả và nhà xuất bản cạnh tranh mới có sản phẩm đạt chất lượng cao

Những ý kiến nêu ra tại hội thảo đổi mới giáo dục diễn ra hôm 29.9 đều tâm huyết, xác thực và quyết liệt

Thực ra, những ý kiến này không phải là phát hiện mới mẻ, tuy nhiên, dù được đưa ra tại nhiều hội nghị, hội thảo về giáo dục, nhưng nó vẫn còn mới là vì cái cũ chưa được thay đổi. Các bậc trí thức uy tín có trách nhiệm với nền giáo dục của đất nước cho nên rất có trách nhiệm với những phát ngôn của mình. Việc khẳng định “một nền giáo dục đi lạc đường” hoặc “khủng hoảng triền miên” có thể gây sốc cho những người quản lý giáo dục, nhưng đó là lời nói trung thực của tấm lòng, sự đúng đắn của khoa học, cho nên không thể không lắng nghe.



Tư duy cứng nhắc khiến cho nền giáo dục Việt Nam bị khủng hoảng mà Giáo sư Hoàng Tụy đề cập đến tưởng cũng cần phải phân tích một cách khách quan, khoa học để điều chỉnh, để có được một nền giáo dục khai phóng phát triển. Chúng ta thường nói đến tư duy giáo dục áp đặt một chiều, đè nén suy nghĩ độc lập, triệt tiêu khả năng sáng tạo. Chúng ta thường nói đến một đường lối giáo dục khoa học xã hội nặng từ chương theo kiểu rập khuôn, lời thầy nói bao giờ cũng đúng, là bất biến, là chân lý

Nếu thế giới này không có những bộ óc biết suy nghĩ ngược lại với những bộ óc cũ, không có những người dám “phá hủy sáng tạo” (khái niệm của Joseph Schumpeter – nhà kinh tế, chính trị học người Áo) thì làm sao con người đạt được những thành tựu vĩ đại mọi mặt như ngày hôm nay. Sự khác biệt giữa các quốc gia phát triển và chậm phát triển hôm nay không phải là gì hơn ngoài một lằn ranh giữa một bên luôn luôn sáng tạo và đổi mới trong ánh sáng của văn minh, còn bên kia là bảo thủ, trì trệ

Gần đây, nhiều gia đình cho con cái đi du học thường dùng cách nói là đi “tị nạn giáo dục”. Có thể hơi quá lời, nhưng dù sao cũng hàm chứa phần nào thực tế hiện nay. Một nền giáo dục đang bị lạc đường và khủng hoảng triền miên thì phải “tị nạn” là đúng rồi. Còn để cho con em không phải đi “tị nạn giáo dục” thì nền giáo dục của quốc gia phải sửa lại cho đúng đường.

Theo laodong.com.vn

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Tại sao Hà Nội 'nói không' với liên thông, tại chức?

Tại sao Hà Nội 'nói không' với liên thông, tại chức?


- Trao đổi với VietNamNet, ông Đỗ Văn Chinh, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên người tốt nghiệp hệ liên thông sẽ thi tuyển làm giáo viên hệ THCS”.
Giáo dục Hà Nội 'nói không' với liên thông
Ngày 12/9, Sở GD-ĐT Hà Nội thông báo tuyển viên chức cho các trường công lập 2012 với khẳng định chỉ tiếp nhận hồ sơ dự tuyển của những người tốt nghiệp hệ chính quy của trường đại học sư phạm hoặc khoa sư phạm của các trường đại học công lập đúng chuyên ngành đăng ký và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.



Trong ảnh: Thầy trò Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong lễ khai giảng năm học 2012-2013. (Ảnh Văn Chung)

Kết hợp xét tuyển và thi sát hạch
Ông nói rõ hơn về chủ trương tuyển dụng viên chức của sở năm nay?
Ông Đỗ Văn Chinh: Việc tuyển dụng này thực hiện theo Nghị định 29 của Chính phủ năm 2012 (NĐ) về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Đây là năm đầu tiên sở thực hiện việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho các trường trực thuộc sở.
Việc tuyển dụng giáo viên khối mầm non, tiểu học, THCS cho các quận huyện của thành phố đã thực hiện xong. Hiện sở đang chuẩn bị tiến hành tuyển viên chức cho các trường THPT, GDTX, TT kỹ thuật thực hành, TCCN.
Theo tinh thần của NĐ, điểm mới của công tác tuyển dụng năm nay là có thêm phần phỏng vấn, thực hành (soạn giáo án) ngoài xét kết quả học tập. Điều này tạo thuận lợi cho việc sát hạch và kiểm tra năng lực thực tế của các thí sinh.
Với điểm mới này, công tác tuyển dụng của sở năm nay có gặp khó khăn gì?
Các công việc này thực ra sở đã làm từ nhiều năm trước. Chúng tôi cũng có những đợt sát hạch đội ngũ giáo viên. Do đó không có khó khăn gì.
Hội đồng tuyển dụng là các trường. Họ đã làm quen với công tác này. Số lượng tuyển dụng năm nay cũng vừa phải nên rất thuận lợi trong khâu tổ chức.
Học liên thông sẽ thi giáo viên THCS
Việc chỉ tuyển người tốt nghiệp đại học chính quy mà không tuyển hệ liên thông của sở năm nay xuất phát từ lý do gì, thưa ông?
Giáo viên có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến một lớp học sinh, ở đây là tương lai của thủ đô.
Với người học liên thông, sở có ý kiến rất rõ ràng rằng họ đều được thi tuyển làm giáo viên THCS vì gốc của anh là cao đẳng sư phạm, chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn. Sau đó, nếu có bằng đại học, giáo viên sẽ được xem xét để nâng ngạch. Năm nay lượng tuyển giáo viên THCS khá lớn với 377 chỉ tiêu.
Một vấn đề cũng là khó khăn khi để xét tuyển giáo viên khối THPT cần tính điểm trung bình toàn khóa (hệ đại học). Kết quả của người học liên thông (3 năm cao đẳng, 2 năm liên thông đại học) rất khó tính.
Liệu việc tuyển dụng này xuất phát từ thực tế chất lượng giáo dục hệ liên thông hiện nay chưa đảm bảo?
Chất lượng phải tùy cơ sở đào tạo. Người học liên thông cũng rất nhiều người giỏi, nếu xét cụ thể từng cá nhân. Nhưng một sinh viên được đào tạo sư phạm chính quy, học thẳng lên sẽ chắc chắn và đúng đối tượng.
Nói tóm lại, quyết định tuyển viên chức này của Sở GD-ĐT Hà Nội nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Thưa ông, làm như thế nào để chống các tiêu cực trong khâu tuyển dụng?
Theo NĐ vừa ban hành, việc xét tuyển phải căn cứ vào điểm học tập trung bình toàn khóa, điểm tốt nghiệp cộng với điểm thực hành. Ở đây, kiểm tra sát hạch chỉ là một trong những nội dung quan trọng trong xét tuyển.
Hơn nữa, việc soạn giáo án, sở đã quy định và hướng dẫn cụ thể biểu chấm chi tiết. Biểu này sẽ lưu lại để kiểm tra.
Đặc biệt để tránh tiêu cực, điểm học tập và tốt nghiệp của thí sinh sẽ chưa nộp ngay. Cứ sát hạch đã, soạn giáo án rồi thi giảng đi và niêm phong điểm này lại. Sau đó thí sinh mới nộp điểm học tập và tốt nghiệp để tính tổng điểm và xét tuyển từ cao xuống thấp, đến hết chỉ tiêu, đảm bảo tính khách quan, trung thực của kỳ thi tuyển.
Xin cảm ơn ông!

ĐH Cần Thơ: sinh viên CNTT-TT tốt nghiệp

ĐH Cần Thơ: 255 sinh viên CNTT-TT tốt nghiệp

Ngày 19.9, Trường ĐH Cần Thơ tổ chức lễ phát bằng tốt nghiệp cho các sinh viên thuộc khoa CNTT-TT năm học 2011-2012.

Theo đó, có 239 sinh viên hệ đại học chủ yếu thuộc khóa 34 và liên thông khóa 36 được trao bằng tốt nghiệp. Ngoài ra còn có 16 sinh viên hệ cao đẳng thuộc khoa này được nhận bằng tốt nghiệp. Buổi lễ cũng đã công bố quyết định của Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ khen thưởng sinh viên tốt nghiệp thủ khoa ngành và sinh viên giỏi toàn khóa.

Nông thôn mới “vướng” tiêu chí giáo dục


Nông thôn mới “vướng” tiêu chí giáo dục

Lý Kiều
Để đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM), một trong những tiêu chí mà các địa phương trên địa bàn TP.Cần Thơ phải đạt là hệ thống trường học các cấp có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; mỗi xã phải có 3 trường đạt chuẩn. Đây được xem tiêu chí “khó nuốt” nhất vì hầu hết các huyện của TP còn thiếu chuẩn ở các cấp học.
Thầy và trò trường tiểu học Trung An 2 trong phòng học chật hẹp.

Điệp khúc “hụt” chuẩn
Cờ Đỏ là huyện ngoại thành của TP.Cần Thơ, toàn huyện có 10 xã, một thị trấn với 49 trường học. TP.Cần Thơ chọn xã Trung An và huyện chọn các xã Trung Hưng, Trung Thạnh, Thới Đông để xây dựng xã NTM. Dù giáo dục chỉ chiếm 2/20 tiêu chí, nhưng đây là 2 tiêu chí “gai góc” đối với cấp chính quyền địa phương trong việc xây dựng NTM. “Cả xã có 4 trường học đều chưa đạt chuẩn. Chúng tôi cũng đang lo lắng vì để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia (xét theo phương diện chuẩn NTM), phải tốn rất nhiều thời gian phấn đấu”, ông Lê Phước Thông – Phó chủ tịch xã Trung An (Cờ Đỏ) cho biết.
Theo ông Thông, lý do “hụt chuẩn” ở đây là vì mạng lưới trường lớp còn rộng, nhiều điểm lẻ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy chưa đáp ứng yêu cầu của từng cấp học, bậc học. Như Trường Tiểu học Trung An 2, dù đã được các cấp quan tâm, nhân dân góp sức nhưng mấy năm nay vẫn bị thiếu chuẩn vì quá nhiều tiêu chí chưa đạt. Phòng học còn thiếu và xuống cấp nhiều nên chưa đáp ứng nhu cầu dạy 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú đối với bậc mẫu giáo (học nhờ trường tiểu học); sân chơi và phòng chức năng chưa được xây dựng, các điểm lẻ của trường còn tạm bợ ... Thế nên, dù là niềm hi vọng lớn của xã điểm NTM nhưng ngoài việc phấn đấu dạy tốt và học tốt, thầy và trò Trường Tiểu học Trung An 2 cũng chỉ biết trông chờ một ngày sẽ có cuộc “cách mạng” trùng tu, mới có hi vọng đạt chuẩn.
Khác với xã Trung An, xã Thới Đông đã có 2 trường (THCS và THPT) đạt chuẩn quốc gia, nhưng Trường Mầm non Thới Đông vẫn trăn trở do thiếu kinh phí. Vì thế, lâu nay, chính quyền địa phương nơi đây luôn đau đầu với câu hỏi: Tìm đâu ra nguồn vốn để xây dựng trường mới, để vừa đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân, vừa hoàn thành tiêu chí chuẩn giáo dục của NTM.
Mặt khác, nếu không “vướng” bởi “hụt” cơ sở vật chất thì các trường lại thiếu giáo viên trầm trọng. Cả huyện thiếu khoảng 60 giáo viên mầm non và 11 giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học. Thầy Trần Ngọc Nghị - Trưởng phòng GDĐT Cờ Đỏ - cho biết: “Do nhận thức của một bộ phận người dân về học tập của con em mình còn nhiều hạn chế, số hộ nghèo của huyện còn ở mức cao (3.457 hộ), có hộ thường xuyên đi làm ăn xa, chưa quan tâm đến việc học tập, giáo dục của con em mình nên tỷ lệ học sinh bỏ học còn nhiều, nhất là bậc THCS”.
Cần trợ lực mạnh
Khi xây dựng NTM, Trường Mẫu giáo Trung Hưng phải đạt chuẩn là mục tiêu cấp thiết mà chính quyền địa phương đang ráo riết thực hiện, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học mà còn ảnh hưởng rất lớn đến lộ trình xây dựng NTM của xã điểm Trung Hưng. UBND huyện Cờ Đỏ và các ngành chức năng TP.Cần Thơ đã đầu tư 5,7 tỉ đồng để xây dựng trường đúng chuẩn và sẽ bắt đầu xây dựng vào năm 2013. Còn đối với Trường Mầm non Thới Đông, địa phương đang hỗ trợ kinh phí san lấp mặt bằng để tu bổ, sắm mới cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học để sớm hoàn thành chỉ tiêu xã NTM.
Không may mắn được địa phương “bồi bổ” như ở xã Thới Đông, Trường Mẫu giáo Trung An phải tiếp tục đợi, dù học tạm bợ nhiều năm nay. Cái khó ở đây là địa phương đã bố trí được quỹ đất, nhưng không có kinh phí để xây dựng nên đành ngồi nhìn “đất trống trường không”.
Xét cho cùng, việc phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia để nâng cao chất lượng dạy và học cho giáo viên và học sinh là nhu cầu rất cần thiết. Song, trường đạt chuẩn phải thật sự là môi trường học tập thân thiện và thoải mái cho học sinh chứ không phải trang bị đầy đủ trang thiết bị, máy móc là đủ. “Dù chuẩn giáo dục đã và đang là tiêu chí “khó” của các địa phương đang xây dựng NTM, nhưng để các trường thật sự đúng chuẩn, cần có sự nỗ lực và đầu tư nâng cao “chất” chứ không nên chạy theo “lượng” chì vì NTM!”, ông Nghị chia sẻ.
Như thế, để đạt xã NTM không phải bài toán nan giải của ngành giáo dục mà con là trăn trở của chính quyền các cấp. Trước tiên, cần phải huy động nội lực của cả hệ thống chính trị ở địa phương, song cũng cần sự tiếp sức của chương trình mục tiêu quốc gia.