Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Nông thôn mới “vướng” tiêu chí giáo dục


Nông thôn mới “vướng” tiêu chí giáo dục

Lý Kiều
Để đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM), một trong những tiêu chí mà các địa phương trên địa bàn TP.Cần Thơ phải đạt là hệ thống trường học các cấp có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; mỗi xã phải có 3 trường đạt chuẩn. Đây được xem tiêu chí “khó nuốt” nhất vì hầu hết các huyện của TP còn thiếu chuẩn ở các cấp học.
Thầy và trò trường tiểu học Trung An 2 trong phòng học chật hẹp.

Điệp khúc “hụt” chuẩn
Cờ Đỏ là huyện ngoại thành của TP.Cần Thơ, toàn huyện có 10 xã, một thị trấn với 49 trường học. TP.Cần Thơ chọn xã Trung An và huyện chọn các xã Trung Hưng, Trung Thạnh, Thới Đông để xây dựng xã NTM. Dù giáo dục chỉ chiếm 2/20 tiêu chí, nhưng đây là 2 tiêu chí “gai góc” đối với cấp chính quyền địa phương trong việc xây dựng NTM. “Cả xã có 4 trường học đều chưa đạt chuẩn. Chúng tôi cũng đang lo lắng vì để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia (xét theo phương diện chuẩn NTM), phải tốn rất nhiều thời gian phấn đấu”, ông Lê Phước Thông – Phó chủ tịch xã Trung An (Cờ Đỏ) cho biết.
Theo ông Thông, lý do “hụt chuẩn” ở đây là vì mạng lưới trường lớp còn rộng, nhiều điểm lẻ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy chưa đáp ứng yêu cầu của từng cấp học, bậc học. Như Trường Tiểu học Trung An 2, dù đã được các cấp quan tâm, nhân dân góp sức nhưng mấy năm nay vẫn bị thiếu chuẩn vì quá nhiều tiêu chí chưa đạt. Phòng học còn thiếu và xuống cấp nhiều nên chưa đáp ứng nhu cầu dạy 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú đối với bậc mẫu giáo (học nhờ trường tiểu học); sân chơi và phòng chức năng chưa được xây dựng, các điểm lẻ của trường còn tạm bợ ... Thế nên, dù là niềm hi vọng lớn của xã điểm NTM nhưng ngoài việc phấn đấu dạy tốt và học tốt, thầy và trò Trường Tiểu học Trung An 2 cũng chỉ biết trông chờ một ngày sẽ có cuộc “cách mạng” trùng tu, mới có hi vọng đạt chuẩn.
Khác với xã Trung An, xã Thới Đông đã có 2 trường (THCS và THPT) đạt chuẩn quốc gia, nhưng Trường Mầm non Thới Đông vẫn trăn trở do thiếu kinh phí. Vì thế, lâu nay, chính quyền địa phương nơi đây luôn đau đầu với câu hỏi: Tìm đâu ra nguồn vốn để xây dựng trường mới, để vừa đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân, vừa hoàn thành tiêu chí chuẩn giáo dục của NTM.
Mặt khác, nếu không “vướng” bởi “hụt” cơ sở vật chất thì các trường lại thiếu giáo viên trầm trọng. Cả huyện thiếu khoảng 60 giáo viên mầm non và 11 giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học. Thầy Trần Ngọc Nghị - Trưởng phòng GDĐT Cờ Đỏ - cho biết: “Do nhận thức của một bộ phận người dân về học tập của con em mình còn nhiều hạn chế, số hộ nghèo của huyện còn ở mức cao (3.457 hộ), có hộ thường xuyên đi làm ăn xa, chưa quan tâm đến việc học tập, giáo dục của con em mình nên tỷ lệ học sinh bỏ học còn nhiều, nhất là bậc THCS”.
Cần trợ lực mạnh
Khi xây dựng NTM, Trường Mẫu giáo Trung Hưng phải đạt chuẩn là mục tiêu cấp thiết mà chính quyền địa phương đang ráo riết thực hiện, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học mà còn ảnh hưởng rất lớn đến lộ trình xây dựng NTM của xã điểm Trung Hưng. UBND huyện Cờ Đỏ và các ngành chức năng TP.Cần Thơ đã đầu tư 5,7 tỉ đồng để xây dựng trường đúng chuẩn và sẽ bắt đầu xây dựng vào năm 2013. Còn đối với Trường Mầm non Thới Đông, địa phương đang hỗ trợ kinh phí san lấp mặt bằng để tu bổ, sắm mới cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học để sớm hoàn thành chỉ tiêu xã NTM.
Không may mắn được địa phương “bồi bổ” như ở xã Thới Đông, Trường Mẫu giáo Trung An phải tiếp tục đợi, dù học tạm bợ nhiều năm nay. Cái khó ở đây là địa phương đã bố trí được quỹ đất, nhưng không có kinh phí để xây dựng nên đành ngồi nhìn “đất trống trường không”.
Xét cho cùng, việc phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia để nâng cao chất lượng dạy và học cho giáo viên và học sinh là nhu cầu rất cần thiết. Song, trường đạt chuẩn phải thật sự là môi trường học tập thân thiện và thoải mái cho học sinh chứ không phải trang bị đầy đủ trang thiết bị, máy móc là đủ. “Dù chuẩn giáo dục đã và đang là tiêu chí “khó” của các địa phương đang xây dựng NTM, nhưng để các trường thật sự đúng chuẩn, cần có sự nỗ lực và đầu tư nâng cao “chất” chứ không nên chạy theo “lượng” chì vì NTM!”, ông Nghị chia sẻ.
Như thế, để đạt xã NTM không phải bài toán nan giải của ngành giáo dục mà con là trăn trở của chính quyền các cấp. Trước tiên, cần phải huy động nội lực của cả hệ thống chính trị ở địa phương, song cũng cần sự tiếp sức của chương trình mục tiêu quốc gia.

Không có nhận xét nào: