Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

E THI TNPT NAM 2012


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2012
Môn thi: NGỮ VĂN - Giáo dục trung học phổ thông
Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Trong phần cuối tác phẩm Số phận con người, nhà văn M. Sô-lô-khốp viết:
Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi
bạt tới những miền xa lạ...
              (Ngữ văn 12, Tập hai, tr. 123, NXB Giáo dục - 2008)
Hai con người được nói đến ở trên là những nhân vật nào? Vì sao tác giả  gọi họ là hai
con người côi cút? Hình ảnh hai hạt cát trong câu văn có ý nghĩa gì? 
Câu 2. (3,0 điểm)
Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội.
Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
II. PHẦN RIÊNG - PHẦN TỰ CHỌN (5,0 điểm) 
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)
Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
Phân tích đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu:
      Ta đi ta nhớ những ngày
     Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...
      Thương nhau, chia củ sắn lùi
     Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
      Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
     Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.
      Nhớ sao lớp học i tờ
     Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
      Nhớ sao ngày tháng cơ quan
     Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
      Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
     Chày đêm nện cối đều đều suối xa... 
              (Ngữ văn 12, Tập một, tr. 111, NXB Giáo dục - 2009)
Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
  Phân tích hình tượng sông Đà trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà của nhà văn Nguyễn
Tuân (phần trích trong Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục - 2009).
---------Hết---------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh: ..............................................Số báo danh:...........................................
Chữ kí của giám thị 1: ............................................Chữ kí của giám thị 2: .........................


Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012


Lò luyện vào mùa... “nổi lửa”!

Theo nhận định của một giáo viên đã có hơn 15 năm kinh nghiệm ở các lò luyện nổi tiếng trên địa bàn TPHCM thì khoảng 4 - 5 năm gần đây,  lò luyện thi đại học theo hình thức truyền thống (học tại các trung tâm) đã bước ra khỏi thời hoàng kim bởi có sự chia sẻ người học với dịch vụ gia sư và luyện thi online trực tuyến...
Lò luyện vào mùa... “nổi lửa”!
Buổi thi thử tại lò GSTP.
Đủ kiểu “lò”, đủ mức học phí!

Hầu như đến lò luyện thi nào, người học (hoặc người đi tìm hiểu đăng ký học) cũng sẽ được giới thiệu rất đa dạng các hình thức lớp học. Theo đó, những lớp  học này sẽ khác nhau từ chất lượng cơ sở vật chất, sĩ số học viên (HV) đến trình độ giảng viên. Có những lớp cả trăm học viên phải chen lấn nhau, phải đi học sớm cả nửa tiếng để “xí chỗ”, đến loại lớp khống chế số học viên hơn 40 - 50 người và lớp học cũng thoáng đãng hơn.
Cao cấp hơn nữa, lớp chỉ 10 - 15 HV hoặc những lớp được liệt vào hàng VIP thì số HV chỉ vỏn vẹn 5 người.  Ở những lớp học cao cấp, phòng học được trang bị máy lạnh, máy vi tính được sử dụng Wifi 24/7 và giáo viên giảng dạy đều là những người uy tín...

Nếu mùa tuyển sinh 2011, mức học phí vùn vụt tăng khiến nhiều HV đã “chóng mặt” như ở lò T.H.T, lớp luyện thi đặc biệt (40 HV/lớp có máy lạnh) học phí xấp xỉ 6,8 triệu đồng/khóa 3 tháng (cho mỗi khối) thì năm 2012 cũng “nhích” lên hơn 10%, với mức 7- 8 triệu đồng trọn gói khóa 3 tháng. Qua tìm hiểu “lò” C.V.A được giới thiệu: Học phí tính trọn khóa và theo từng môn, với lớp chất lượng cao (40 HV/lớp) mức 1,4 triệu đồng còn lớp đặc biệt (30 HV/lớp) giá 1,8 triệu đồng(!).

Cao nhất, có lẽ là mức học phí của lò GSTP,  mỗi tuần chỉ học 2 buổi/môn và mỗi buổi chỉ 1h30 phút nhưng giá lên đến 900 ngàn đồng/tháng... Nếu “hầu bao” của người học không đủ “rủng rỉnh” để tham gia các lớp “chất lượng cao” thì đành phải chấp nhận tình trạng chen chân tại các lò. Ghi nhận thực tế tại những lò khá nổi tiếng như V.V  thì vào thời điểm cao điểm luyện thi, tình trạng  từ 150 - 200 HV phải chen chúc nhau trong một giảng đường cũng vẫn đang tồn tại... Và “cái được” của lò này là mức học phí chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/khóa.

101 chiêu “câu” học viên


Đánh thẳng vào tâm lý thi phải đậu của hầu hết các sĩ tử, các trung tâm còn đua nhau giới thiệu về “bề dày kinh nghiệm và tên tuổi” cùng hiệu quả “luyện gà” của giảng viên tại lò. Không ít nhân viên của các trung tâm nói “như đinh đóng cột”,  rằng  đảm bảo tỉ lệ đậu ĐH từ 80 - 90% (lò T.H.T) hay lò V.V thì cẩn trọng hơn với kết quả 60% đậu ĐH và 90% đậu CĐ.

Bên cạnh những chiêu quảng cáo về chất lượng đào tạo, do thực tế hiện nay tỉ lệ HV tham gia học ở các lò đại trà hầu hết là dân tỉnh, thành lân cận tìm đến, nên để thu hút HV, các lò đều sẵn sàng “bao sân” bằng những hình thức như cung cấp chỗ ăn, ở với chất lượng  cao... Những kiểu câu HV như  đã nêu thì còn có thể chấp nhận được, song trong thực tế, có lò “bí chiêu” đã tung ra những chương trình khuyến mãi  kiểu “độc nhất vô nhị” không đậu sẽ dạy miễn phí cho đến... khi đậu(!?).

Khi nhìn nhận về thực trạng luyện thi tại các lò đại trà hiện nay, TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng Đào tạo Đại học KHXHNV TP.Hồ Chí Minh - cho rằng: Các lớp luyện thi cũng có một số tác dụng nhất định khi ở đó giảng viên có thể hệ thống lại những kiến thức cho HV, đưa ra một số phương pháp học, giải bài nhanh, hiệu quả...
Tuy nhiên, nếu sĩ số HV quá đông thì  khó lòng giảng viên có thể bao quát hết để có thể chỉ tường tận cho từng trường hợp. Riêng chiêu quảng cáo “bao đậu” hoặc tỉ lệ “đậu 80 - 90%” suy cho cùng đó đúng là “chiêu” của các nhà kinh doanh dịch vụ này. Những kiểu câu khách như vậy thì HV nên cảnh giác...
Thể Uyên

Ngành kinh tế, ngân hàng vẫn hút thí sinh


Ngành kinh tế, ngân hàng vẫn hút thí sinh

Còn nửa tháng nữa cho học sinh lớp 12 quyết định chọn trường trong kỳ thi ĐH, CĐ. Và dù vẫn đang trong giai đoạn thí sinh (TS) nộp hồ sơ đăng ký dự thi và chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng qua thông tin từ các trường THPT thì có thể thấy học sinh Hà Nội vẫn quan tâm nhiều vào khối ngành kinh tế, tài chính.

Ngành kinh tế, ngân hàng vẫn hút thí sinh
Ngày càng ít thí sinh quan tâm tới ngành sư phạm. Ảnh: Trần Lâm
Thờ ơ với ngành sư phạm

Ông Nguyễn Đức Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Cầu Giấy - cho biết “Hơn 400 học sinh lớp 12 của trường vẫn có xu hướng chọn thi vào khối ngành kinh tế và một số trường đặc thù như công an, quân đội. Không một học sinh nào đăng ký vào sư phạm”. Tình trạng học sinh của trường hầu như không đăng ký vào sư phạm đã xảy ra từ nhiều năm nay.

Bà Bùi Thị Minh Nga - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Trần Phú - cho biết, các trường nhận được sự quan tâm của học sinh chủ yếu vẫn là các trường được coi là “thời thượng” như Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH RMIT, Học viện Ngoại giao, Đại học FPT... “Khảo sát của chúng tôi cho thấy rằng học sinh ít quan tâm đến những trường thuộc khối xã hội. Đặc biệt là ngành sư phạm thì cả trường chỉ có 1 - 2 học sinh có dự định đăng ký vào”.

Còn với học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức, thì như ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, những trường được học sinh để ý là ĐHQG Hà Nội, Học viện Ngoại giao, ĐH Thương mại, ĐH Hà Nội. Ông Nguyễn Quốc Bình cho biết, bản thân hiệu trưởng cũng phải trực tiếp tham gia tư vấn lựa chọn ngành nghề với học sinh để các em có sự nhìn nhận đầy đủ. “Riêng đối với ngành sư phạm, nhà trường đặc biệt khuyến khích học sinh lựa chọn vì chúng tôi hiểu rõ vấn đề thiếu nguồn tuyển của ngành này”.

Cẩn thận khi ghi hồ sơ

Theo phản ánh từ một số trường THPT, dù chưa nhiều học sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ, nhưng cũng đã xuất hiện những sai sót trong việc làm hồ sơ. Do năm nay có quy định mới về mã ngành ĐKDT, quy định về phần mềm xử lý kết quả tuyển sinh của Bộ GDĐT và do một số trường có các ngành đào tạo từ các chương trình đào tạo khác nhau... nên nếu không tìm hiểu kỹ, TS sẽ bị nhầm lẫn. Vì vậy, nét mới của năm nay là nhiều trường ĐH, CĐ đã chủ động đưa ra hướng dẫn rất cụ thể cho những TS có nguyện vọng ĐKDT vào trường, đăng tải công khai trên website.

TS cũng hay mắc lỗi khi làm hồ sơ ĐKDT vào trường không tổ chức thi. Nếu TS dự định đăng ký NV1 vào trường không tổ chức thi có thể thi nhờ tại bất kỳ trường ĐH, CĐ nào có tổ chức thi (có cùng khối thi TS đăng ký nguyện vọng học), kết quả sẽ được chuyển về trường TS đăng ký để xét tuyển. Về hồ sơ, những TS này cần nộp thêm bản photocopy mặt trước của tờ phiếu ĐKDT số 1.

Một trường hợp hãn hữu là Sở GDĐT Phú Thọ đã in hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ có sai sót một số lỗi so với mẫu hồ sơ ĐKDT của Bộ GDĐT. Cụ thể là mẫu sai trong hồ sơ ĐKDT mà Sở GDĐT Phú Thọ in có lỗi là sai chính tả trong phần hướng dẫn ở mặt sau phiếu số 2: “La Mã” thành “Ma mã”; sai về số ô ghi mã ngành ở cả 2 phiếu số 1 và số 2: Trong mẫu phiếu của Bộ GDĐT phần ghi mã ngành gồm 7 ô, nhưng mẫu phiếu của Sở GDĐT Phú Thọ lại có 8 ô. Sở GDĐT đã thông báo cho các em đây là hồ sơ hợp lệ. Cũng theo Sở GDĐT Phú Thọ, số lượng bản in sai trên tổng số khoảng 87.000 bộ hồ sơ ĐKDT đã được in là không nhiều vì sở đã phát hiện sớm và điều chỉnh ngay. Đến nay sở chưa nhận được phản ánh nào của học sinh. TS không nên lo lắng vì lỗi sai sót này không ảnh hưởng tới quyền lợi của các em.
Ngân Anh

Quá oải vì tăng tiết


Quá oải vì tăng tiết
Mặc dù thông báo mới nhất của Bộ GDĐT về việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 đã  yêu cầu các trường chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh, tập trung bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT trong đó chú trọng kiến thức lớp 12 và triển khai dạy học sao cho phù hợp với từng nhóm đối tượng HS để nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp nhà trường.
Quá oải vì tăng tiết
HS lớp 12 Trường THPT Đa Phước trong một tiết học sử. Ảnh: Th.U
Song, với công bố các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp đều “nặng” lý thuyết, HS phải “gạo” bài. Và đây chính là lý do khiến hầu hết các trường, HS đều rơi vào tình trạng “quá oải” với việc tăng tiết...

Ghi nhận tại trường Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình) cho thấy, dù đã được tăng tiết từ đầu năm, song sau công bố của bộ về những môn thi tốt nghiệp, HS và cả GV của trường lại tiếp tục “tăng tốc” thêm một lần nữa. Ghi nhận thời gian biểu của HS tại trường “căng như dây đàn”, trung bình HS nội trú đầu tư cho việc học xấp xỉ 14 tiếng mỗi ngày. Cụ thể, việc học chính thức bắt đầu lúc 6h30 phút sáng và nếu hoàn thành tốt việc học, trả bài thì việc học mới kết thúc sau 22h.

Trong đó, việc ôn thi những môn học phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp và thi ĐH, ngoài số giờ đã được tăng tiết trong thời gian biểu chính khóa, lại được tăng cường thêm một lần nữa vào 18h và kéo dài trong khoảng 2 tiếng mỗi ngày.  Tương tự, tại trường dân lập Ng.S (quận Bình Tân), do kết quả thi thử tại trường cho thấy tỉ lệ HS có trình độ trung bình và yếu còn khá cao, xấp xỉ 20% nên thầy và trò đều phải “tăng tốc”. Theo đó, cả giáo viên chủ nhiệm lẫn giáo viên bộ môn đều phải vào cuộc, GV cùng học và đôn đốc kiểm tra bài cho HS yếu, trung bình, trong đó đặc biệt  chú trọng đầu tư thêm cho các môn thi.

 Lý giải cho tình trạng “quá tải”, hiệu trưởng của một trường dân lập tại quận 3 cho rằng: Nếu như áp lực tại các trường công lập là một thì ở các trường ngoài công lập (dân lập, tư thục) là 5.  Biết là tăng khiến HS quá tải sẽ bị dư luận phê phán. Song, nếu con em mà không tốt nghiệp THPT nổi thì  phụ huynh còn phê phán dữ hơn và uy tín của trường cũng bị giảm sút...
Đường nào thì GV và nhà trường cũng bị phê phán nên các trường đành phải chọn phương án an toàn và hiệu quả hơn để thực hiện. Và thiết nghĩ với cơ chế học – thi cử  như hiện nay thì khó lòng không bị quá tải. Có chăng, ở tầm vĩ mô các cấp lãnh đạo ngành nên cải tiến kỳ thi tốt nghiệp cho nhẹ nhàng hơn, mục tiêu của giáo dục phổ thông chỉ là cung cấp kiến thức cơ bản cho HS tốt nghiệp THPT.

Không quá nặng nề như tình hình tại các trường ngoài công lập, song những trường trong hệ thống công lập cũng đã triển khai tăng tiết cho HS ngay từ đầu năm hoặc chậm lắm là ngay đầu học kỳ II, để đạt mục tiêu hoàn thành chương trình học trước tháng tư, sau đó thời gian còn lại đầu tư cho các môn thi. Có thể nói, đến thời điểm hiện tại hầu hết các trường đã đạt được mục tiêu trên. Và từ tháng 4 trở đi đầu tư mạnh cho 6 môn thi tốt nghiệp với dự kiến tăng thêm 10 - 13 tiết mỗi tuần (cho cả 6 môn thi) và những môn này sẽ được học vào buổi sáng.

Ghi nhận cụ thể tại Trường THPT Củ Chi, tất cả 6 môn thi tốt nghiệp đều được tăng tốc, với 3-4 tiết/môn/tuần. Có như thế, mới có thể đạt được kết quả tốt. Tương tự, tại trường Nguyễn Thị Diệu (quận 3), thời khóa biểu của 6 môn thi tốt nghiệp cũng đã chính thức tăng tiết vào đầu tháng 4 này.
Kỳ thi tốt nghiệp là kết quả của cả 12 năm học phổ thông, phải cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất có thể, dù có phải tăng tốc và vất vả hơn những niên học trước thì HS và cả GV cũng nên cố gắng – thầy Nguyễn Văn Tấn – trường Nguyễn Thị Diệu cho biết quan điểm.
Thể Uyên

Đẩy việc chống dịch cho trường



Đẩy việc chống dịch cho trường
Đó là ý kiến của nhiều giáo viên tại các trường tiểu học ở TPHCM đưa ra tại cuộc họp về phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng (TCM) được Sở Y tế phối hợp với Sở GDĐT tổ chức vào ngày 4.4. Theo thống kê của ngành y tế TPHCM, TPHCM hiện có 1.836 ca mắc TCM (cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2011) với 2 ca tử vong.

Trường hợp tử vong mới nhất là bệnh nhi tên N.Q.N (2 tuổi, ngụ Q.3, TPHCM) đã tử vong do bệnh TCM sau 36 giờ nhập viện trong tình trạng bệnh diễn tiến ở cấp độ 4 (cấp độ nặng nhất). Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã cho khử khuẩn phòng bệnh lây lan tại trường và khu vực bệnh nhi N cư trú. Qua điều tra dịch tễ tại trường học của ca tử vong trên cho thấy, cùng lớp với bệnh nhân còn có một trường hợp khác mắc bệnh và một học sinh cùng trường cũng dương tính với virus TCM. Trước đó, tại quận 8, một bé trai 5 tuổi cũng đã tử vong do TCM.

Trước các ca TCM trong các trường học đang ở mức báo động, ngành y tế yêu cầu các giáo viên cần phải thường xuyên theo dõi trẻ khi đến lớp. Tuy nhiên, đại diện của Phòng Giáo dục quận 3 cho rằng, việc chống dịch TCM nếu ngành y tế giao hết cho các trường thì các trường khó đảm đương được vì việc phát hiện trẻ mắc bệnh và nghi ngờ là TCM không phải giáo viên nào cũng làm được.

Thậm chí, nhiều trẻ bị sốt khi phụ huynh đưa đến lớp đã cho uống thuốc hạ sốt thì khó có thể nhận biết được và đến lúc phát hiện trẻ bị mắc TCM thì nguy cơ lây lan cho các học sinh khác rất lớn. Đó là chưa kể các trường tư thục, nhóm trẻ gia đình vì áp lực sĩ số rất lớn nên khi có trẻ mắc bệnh thường giải quyết “nội bộ” và ít thông báo cho cơ quan chức năng và phụ huynh khác biết để phòng tránh. Chính vì điều này khiến dịch bệnh TCM dễ bùng phát trong các trường học.

Hôm nay (ngày 5.4), tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ chủ trì cuộc họp về điều trị TCM cho các BV ở phía nam để tìm cách hạn chế tình hình dịch bệnh lây lan và tình trạng tử vong đang tăng lên của căn bệnh này.     
Võ Tuấn

Công bố kế hoạch xét tuyển đầu cấp


TP.HỒ CHÍ MINH:
Công bố kế hoạch xét tuyển đầu cấp
Theo kế hoạch, từ 1.7 các trường sẽ chính thức thực hiện tuyển sinh các lớp đầu cấp với đối tượng đầu tiên là HS lớp 1. Kết quả tuyển sinh sẽ được công bố đồng loạt vào ngày 31.7.

Học sinh tiểu học TP.Hồ Chí Minh.
Với HS lớp 6, ngoại trừ Trường THPT Trần Đại Nghĩa thực hiện thi tuyển đầu vào dành cho đối tượng là HS có học lực cả năm lớp 5 ở 2 môn tiếng Việt và toán đạt loại giỏi, ngày 29-30.6 sẽ dự thi 3 môn: Tiếng Việt, toán và tiếng Anh. Những HS muốn tham gia vào chương trình tăng cường tiếng Nhật sẽ dự thi vào 2 trường tự tuyển (THCS Lê Quý Đôn – Q.3 và THCS Võ Trường Toản - Q.1) sau khi hai trường này công bố danh sách HS tại trường. 

Ngoài ra, tất các trường THCS khác sẽ thực hiện tuyển sinh từ 15.6, kết quả công bố đồng loạt vào 15.7. Điểm cần lưu ý là HS tham gia các chương trình tăng cường ngoại ngữ sẽ được xét tuyển theo chuẩn. Cụ thể, HS lớp 5 có điểm kiểm tra công nhận trình độ từng kỹ năng tiếng Anh từ 6 điểm trở lên, hoặc có điểm toàn năm từng kỹ năng từ 6 điểm trở lên. Lớp tiếng Pháp tuyển HS lớp 5 có học lực môn cả năm 2 môn tiếng Việt và toán lớp 5 đạt từ 8 trở lên và có điểm trung bình của các môn tiếng Pháp từ 6 trở lên được chuyển thẳng vào các lớp 6 tăng cường tiếng Pháp theo lộ trình A. Với HS theo học chương trình tiếng Trung, xét tuyển theo chuẩn: Học lực môn cả năm 2 môn tiếng Việt và toán của năm học lớp 5 đạt loại khá trở lên. 

Với HS lớp 10, tiếp tục thực hiện song song hai hình thức thi và xét tuyển. Nguyên tắc xét tuyển, HS vẫn có thể xin thi tuyển vào các trường THPT trên các địa bàn có thi tuyển, nhưng sẽ không còn quyền tham gia xét tuyển vào các trường tại địa phương. Với những trường thực hiện thi tuyển kết hợp xét tuyển, sẽ dựa vào kết quả thi (ngày 21-22.6) của 3 môn: Ngữ văn, toán và môn thứ ba (sẽ công bố vào ngày 11.5.2012). 

Sau đó, HS sẽ lấy kết quả thi này để đăng ký 3 nguyện vọng (NV) ưu tiên để xét tuyển vào trường THPT công lập trên địa bàn, trừ 3 trường chuyên (Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa và Trường THPT năng khiếu Đại học Quốc gia). Nguyên tắc xét tuyển là tổng điểm thi 3 môn theo hệ số theo quy định (ngữ văn và toán hệ số 2, môn thứ ba hệ số 1) cộng với điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). 

Một số trường thực hiện thi tuyển tại trường gồm: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (chấp nhận HS tỉnh khác, hội đủ chuẩn điều kiện tham gia dự thi), Trần Đại Nghĩa, THPT Nguyễn Thượng Hiền và THPT Gia Định. HS đăng ký 4 NV ưu tiên: Nguyện vọng 1, 2 vào lớp chuyên tại 2 trong 4 trường trên; nguyện vọng 3, 4 vào lớp không chuyên tại 2 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa. Nếu không trúng tuyển vào các trường, lớp chuyên, HS vẫn được quyền thi tuyển vào lớp 10 THPT bình thường theo 3 NV đã đăng ký thi tuyển hoặc xét tuyển. 
Thể Uyên