Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Thạc sĩ hay là...


Thạc sĩ hay là... phổ thông cấp 5?
Tại các tỉnh miền Trung có các lớp đào tạo thạc sĩ ngành tài chính - ngân hàng với sự tham gia của hàng trăm người (chủ yếu là cán bộ, nhân viên các ngân hàng) do Trường ĐH Tài chính - Maketing (trụ sở tại TPHCM) mở.
Nhìn vào cung cách học viên ghi danh nộp tiền học ồ ạt do được trường cho nợ đầu vào và đào tạo thạc sĩ trái với quy định của Nhà nước, nhiều người hồ nghi rằng đây có phải là đào tạo thạc sĩ đích thực, hay là... phổ thông cấp 5(!?).

Ngân hàng cũng tham gia chiêu sinh 

Ngày 2.3, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Định đã phát thông báo số 91/TB-BIĐ5 “Thông báo tuyển sinh cao học chuyên ngành kinh tế tài chính - ngân hàng (TC-NH) năm 2012 tại TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định”. Theo đó, NH này phối hợp với Trường ĐH Tài chính - Marketing (viết là TC-MKT) tổ chức tuyển sinh đào tạo thạc sĩ (ThS) ngành TC-NH, học tại TP.Quy Nhơn, học phí 30 triệu đồng/2 năm. 

Các địa phương khác như Quảng Ngãi, Quảng Trị, Khánh Hòa cũng đều có lớp đào tạo ThS do trường ĐH nói trên mở, và cho dạy - học ngay tại địa phương. Việc cơ sở đào tạo ThS mở các lớp đào tạo tại các tỉnh miền Trung là trái với quy chế của Bộ GDĐT ban hành ngày 28.2.2011. Điều 24 của quy chế quy định: “Đào tạo trình độ ThS được thực hiện tại cơ sở đào tạo, nơi đã được cơ quan thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc cho phép đào tạo. Trường hợp cơ sở đào tạo có phân hiệu, việc tổ chức đào tạo tại phân hiệu cũng phải được Bộ trưởng Bộ GDĐT cho phép”.

Tại tất cả các địa phương mà Trường ĐH TC-MKT mở lớp đào tạo ThS đều không có phân hiệu của trường này. Ngay tại một số địa phương đã có cơ sở đào tạo ĐH như Khánh Hòa, Bình Định thì việc mở lớp ThS này cũng hoàn toàn “bí mật”. Trả lời PV Lao Động về lớp ThS ở Quy Nhơn do Trường ĐH TC- MKT mở, PGS-TS Nguyễn Hồng Anh - Hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn - nói rằng, nhà trường không hề biết có lớp đào tạo ThS nào như thế tại TP. Quy Nhơn. Trong khi đó, lãnh đạo Phòng Đào tạo ĐH Nha Trang cho hay, họ có biết về lớp ThS nợ đầu vào do Trường ĐH TC-MKT mở ngay tại Nha Trang, trường cũng đã có báo cáo bằng văn bản lên Bộ GDĐT về việc đó.  

Phổ thông cấp... 5(!)

Khi trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Hảo (Hải Dương) về việc tổ chức đào tạo ThS dễ dãi, chất lượng thạc sĩ thấp, việc liên kết đào tạo ThS tại các địa phương có chất lượng rất thấp, tiêu cực, Bộ GDĐT đã khẳng định: “Bộ không cho phép tổ chức các lớp đào tạo ThS liên kết tại các địa phương, trừ một số trường hợp đặc biệt (ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đối với các ngành có yêu cầu đặc biệt). Các cơ sở đào tạo không được tổ chức các lớp đào tạo ThS ở ở bên ngoài cơ sở của mình”. Với quan điểm như vậy, nhưng rõ ràng Bộ GDĐT đã buông lỏng, để cho Trường ĐH TC-MKT mở tràn lan nhiều lớp ở nhiều địa phương trên cả nước.

Tại lớp ThS ngành TC-NH do Trường ĐH TC-MKT mở tại Quảng Trị có trên 100 học viên nộp tiền theo học chương trình đào tạo ThS, nhưng trong số đó đã có hơn 80 người nợ đầu vào. Còn lớp ThS ở Nha Trang thì có trên 2/3 trong tổng số 30 học viên nợ đầu vào. Người ta tự hỏi, đào tạo ThS kiểu mở lớp thu tiền, bất chấp chất lượng đầu vào như vậy thì có giữ đúng mục tiêu đào tạo ThS mà Bộ GDĐT đưa ra là “ThS là người có trình độ cao về lý thuyết và thực hành, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc ngành, chuyên ngành được đào tạo”. Cách đây chưa lâu, với chủ trương đào tạo cử tuyển, các trường ĐH đã cho ra lò một lớp cử nhân... phổ thông cấp 4, và nay liệu với phong trào ThS nợ đầu vào, tới đây xã hội lại phải tiếp nhận một thế hệ ThS... phổ thông cấp 5?
Tiền thân của Trường ĐH Tài chính - Marketing là Trường Cao đẳng bán công Marketing, năm 2004 được nâng lên trường ĐH bán công. Trường này được Bộ GDĐT cho phép đào tạo ThS từ năm 2011. Theo quy chế, giảng viên có chức danh GS được hướng dẫn tối đa 7 học viên ThS, PGS hoặc có bằng TSKH được hướng dẫn tối đa 5 học viên, TS được hướng dẫn tối đa 3 học viên trong cùng thời gian.
NHÓM P.V

ke toan so cap

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Khối ngành kinh tế “hút” cả học sinh giỏi


Khối ngành kinh tế “hút” cả học sinh giỏi
Không chỉ có sức hút với những thí sinh bình thường khác, các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng… còn “hút” cả đội ngũ học sinh giỏi quốc gia.
Đứng đầu về chỉ tiêu
Theo thống kê của Bộ GDĐT, chỉ tiêu tuyển mới đào tạo hệ chính quy ĐHCĐ năm 2012 phân theo nhóm ngành. Theo đó, nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng: 184.300 chỉ tiêu; nhóm ngành kỹ thuật công nghệ: 172.800; sư phạm: 54.600; khoa học tự nhiên - xã hội nhân văn: 51.800; nông lâm ngư: 43.200. Như vậy, nhóm ngành kinh tế vẫn đứng đầu về chỉ tiêu tuyển sinh.

Trong những năm qua, các ngành quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính là những ngành có nhiều cơ sở đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất. Trong đó, quản trị kinh doanh có 340 cơ sở đào tạo (chiếm 8,3%), kế toán 297 cơ sở đào tạo (chiếm 8%), tài chính - ngân hàng 200 cơ sở đào tạo (chiếm 8%). Ba ngành học được thí sinh đăng ký nhiều nhất lần lượt là quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng và kế toán.
Không những thế, nhiều trường tiếp tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các ngành thuộc khối kinh tế như ĐH Ngoại thương tuyển 2.400 chỉ tiêu, chủ yếu vào các ngành tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế…; ĐH Tài chính Marketing tuyển 2.400 chỉ tiêu hệ ĐH tập trung vào các ngành thế mạnh là tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh, marketing; ĐH Thương mại tuyển các ngành tài chính - ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh, marketing với 300-350 chỉ tiêu/ngành…
“Hút” cả học sinh giỏi quốc gia
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết, trường đã có dự kiến tuyển thẳng theo chủ trương của Bộ GDĐT. Theo đó, các thí sinh được giải nhất, nhì, ba trong các cuộc thi học sinh giỏi các ngôn ngữ theo quy định sẽ được tuyển thẳng vào học các ngành ngôn ngữ.
Các thí sinh đạt giải khác muốn vào học 6 ngành còn lại như: Kinh tế, tài chính ngân hàng, kinh tế quốc tế sẽ phải dự thi và được ưu tiên xét tuyển nếu vượt qua điểm sàn tuyển sinh của Bộ GDĐT (riêng học sinh đạt giải ba phải đạt điểm bằng sàn + 3, 0 điểm). Kỳ tuyển sinh năm 2011, khi không được tuyển thẳng, trường cũng đã “hút” tới 200 học sinh giỏi vào học các ngành thuộc khối kinh tế, tài chính. Trong khi đó, ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ có 20 học sinh giỏi dự thi và theo học.
Năm nay, Bộ GDĐT cho phép học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào ĐH nhằm khuyến khích người tài. Đồng thời, để thu hút thêm nguồn lực vào các ngành khoa học cơ bản và sư phạm, Bộ GDĐT đã ra quy định: Học sinh giỏi đoạt giải chỉ được phép nộp hồ sơ tuyển thẳng vào đúng ngành hoặc gần đúng với môn thi đoạt giải học sinh giỏi. Như vậy, học sinh giỏi Văn sẽ vào thẳng ngành Văn hoặc sư phạm Văn…
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là giải pháp tốt nhất cho các ngành khoa học cơ bản, sư phạm… “hút” được người tài vì nếu các thí sinh này muốn học ngành khác, chỉ cần dự thi ĐH và đạt điểm sàn tuyển sinh là đã có thể được học ngành theo ý muốn. Trào lưu thi vào các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng đã “hút” một lượng không nhỏ học sinh giỏi quốc gia đã chứng tỏ việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức.
Nguyên Minh

Thí sinh được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển


Thí sinh được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển
Năm nay, số lượng đợt xét tuyển, thời gian xét tuyển sẽ do các trường ĐH, CĐ tự quyết định, vì thế thí sinh phải rất lưu ý, tránh bỏ lỡ.
Kỳ thi ĐH, CĐ năm nay, Bộ GDĐT sẽ không quy định cứng thời gian xét tuyển các nguyện vọng mà căn cứ điểm sàn và chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển, không hạn chế số đợt xét tuyển. Các trường được giao quyền tự chủ và chủ động trong việc sắp xếp thời gian xét tuyển theo điều kiện riêng của từng trường, vì thế thí sinh cần rất lưu ý thông tin tuyển sinh, xét tuyển của từng trường.

Thí sinh đã dự thi ĐH theo đề thi chung của Bộ GDĐT, nếu không trúng tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ điểm sàn trở lên, được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi ĐH ngay năm đó để nộp hồ sơ ĐKXT vào các trường còn chỉ tiêu xét tuyển hoặc không tổ chức thi tuyển sinh, có cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.
Thí sinh đã trúng tuyển vào một trường (hoặc một ngành, nếu trường xét tuyển theo ngành) không được xét tuyển vào trường khác (hoặc ngành khác). Theo đúng thời hạn quy định của các trường, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên. Thí sinh cũng có thể nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT trực tiếp tại trường, Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu tổ chức thu nhận, vào sổ, quản lí, cấp biên lai cho thí sinh.
Hồ sơ và lệ phí ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của trường, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.
Nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT đã nộp, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ và thí sinh không trúng tuyển do Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.
Đ.H

hoc phi


Đại học ngoài công lập tăng học phí
Trượt giá cao - một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường đại học ngoài công lập đang phải có những điều chỉnh ít nhiều về chính sách học phí. 
Tuy nhiên, không thể gọi là học phí tăng vì mức học phí mới này chỉ áp dụng cho sinh viên năm thứ nhất, còn đa số các ngành học cũ, sinh viên cũ tại trường vẫn được giữ ở mức ổn định.    
Học phí tăng nhẹ

Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa) công bố học phí hệ ĐH các ngành: 8 triệu đồng/năm, CĐ các ngành 6,5 triệu đồng/năm. Mức học phí này tăng khoảng 500.000 đồng/năm so với năm trước. SV mới nhập học được giảm 5% học phí năm đầu cho HS có hộ khẩu hoặc học cấp 3 tại Khánh Hòa; giảm 10% học phí năm đầu cho HS các trường đã kết nghĩa với nhà trường.

Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội) học phí các ngành kế toán, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản lý bệnh viện, y tế công cộng, công tác xã hội, Việt Nam học có mức học phí là 18 triệu đồng/năm. Các ngành toán ứng dụng, khoa học máy tính, truyền thông và mạng máy tính, hệ thống thông tin quản lý, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Trung Quốc ở mức 18,5 triệu đồng/năm. Ngành điều dưỡng có mức 18,5 triệu đồng/năm. Như vậy mức học phí năm học tới của trường tăng 2 triệu đồng/năm so với năm học này. 

Trường ĐH dân lập Phương Đông có mức học phí năm thứ nhất từ 6,75 - 8,25 triệu đồng/năm (tùy theo ngành học). Các năm sau, mỗi năm sẽ tăng khoảng 10% so với năm học trước (thu theo số tín chỉ thực học). Mức học phí này tăng rất ít (chỉ 100.000 đồng/năm) so với năm 2011. 

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có học phí là 9 triệu đồng/năm (năm 2011 là 8,4 triệu đồng). Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM có mức học phí năm thứ nhất từ 12 - 15 triệu đồng tùy theo ngành học (chia làm 2 đợt) - tăng nhẹ so với năm 2011. 

Trường ĐH dân lập Phú Xuân (Huế) học phí năm học 2012 - 2013 hệ ĐH là 3,5 triệu đồng/học kỳ; hệ CĐ là 3,25 triệu đồng/học kỳ. Như vậy trường tăng cả học phí hệ ĐH (6 triệu đồng/năm học 2011 - 2012) và hệ CĐ (5,5 triệu đồng/năm học 2011 - 2012). Trường hỗ trợ SV làm thủ tục vay vốn học tập và thủ tục miễn giảm học phí cho SV thuộc diện chính sách.

Tăng học phí - gánh nặng lại đè lên vai các bậc phụ huynh. Ảnh: KỲ ANH
Tuy nhiên, một số trường ĐH NCL đóng tại địa phương vẫn duy trì học phí ở mức thấp. Trường ĐH Chu Văn An (Hưng Yên) mức học phí ĐH từ 590.000 - 650.000đ/tháng, hệ CĐ từ 490.000 - 520.000đ/tháng - không tăng so với năm 2011. Trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) cho biết TS (và người cùng đi) đến dự thi tại trường được bố trí ở ký túc xá miễn phí trong thời gian thi. TS dự thi vào trường đạt điểm thủ khoa được thưởng 1 máy tính xách tay, đạt điểm á khoa được thưởng 1 máy tính để bàn. 

Học phí với hệ CĐ là 400.000đ/tháng, hệ ĐH là: 500.000đ/tháng - giữ nguyên so với năm học trước. TS trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh năm 2012 được miễn 1 tháng học phí của học kỳ đầu, được xét cấp học bổng theo học kỳ. Ngoài ra SV theo học tại trường còn được hưởng các chế độ chính sách khác của Nhà nước như: Miễn giảm học phí cho đối tượng chính sách, được vay vốn ngân hàng ưu đãi. 

Còn… nghiên cứu thêm

Tuy nhiên, một số trường còn chưa quyết định được mức học phí cho sinh viên tuyển năm 2012. Ông Võ Văn Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Văn Lang cho biết: “Mùa tuyển sinh 2012, chỉ tiêu xét tuyển của trường giảm khá nhiều, từ tổng chỉ tiêu của niên học trước là 3.000 chỉ tiêu xuống còn 2.000 chỉ tiêu cho mùa tuyển 2012 sắp tới. Tổng chỉ tiêu của trường giảm để đáp ứng đúng theo thông tư 57 của Bộ GDĐT quy định về đội ngũ giảng viên của trường. 

Về chính sách học phí của trường, khá ổn định suốt nhiều năm qua. Riêng mức học phí năm học tới (2012), bộ phận lo công tác tài chính của trường đang có những tính toán chi tiết và cụ thể để trình hội đồng quản trị, lãnh đạo trường, từ đó mới có những con số cụ thể cho từng ngành học. Những thông tin này sẽ được công bố vào khoảng tháng 4.2012 trên wesite của trường để phụ huynh và TS tham khảo, có hướng chọn lựa thích hợp khi đăng ký tuyển sinh vào trường. Được biết, dự kiến học phí của SV niên khóa 2012 tại trường sẽ áp dụng ở một mức mới, cao hơn so với SV khóa trước. Mức tăng không nhiều, tùy theo ngành học. 

Trường ĐH Hoa Sen - một trong những trường có chất lượng đào tạo cao song học phí cũng được xếp vào hàng “top” tại địa bàn TPHCM - chưa có mức học phí cụ thể cho năm học 2012 - 2013 nhưng lãnh đạo trường cho biết để giảm bớt gánh nặng học phí cho HS nghèo, học giỏi trường cũng đã triển khai nhiều chương trình học bổng. Cụ thể, từ nay đến giữa tháng 5, trường cùng với chương trình nhận hồ sơ xét tuyển đầu vào, trường cũng sẽ tiếp nhận các hồ sơ xin học bổng. Theo đó, trường sẽ cấp tổng cộng 150 học bổng chia làm 3 nhóm, dành cho các đối tượng khác nhau (tài năng, học giỏi hoặc vượt khó), mức học bổng cũng dao động tùy theo từng đối tượng từ 15 - 120 triệu đồng/suất và tổng số tiền học bổng dành cho SV trong niên học 2012 tại trường là 6 tỉ đồng.

Thông tin từ Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng - nơi đã từng có mức học phí “khủng” ở một số ngành học “hot” ở những năm trước - Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chính sách học phí sẽ được công khai vào khoảng đầu tháng tới, cũng trên website của trường. Mức học phí cụ thể của từng ngành sẽ được quyết định  trong tuần này. Được biết, lãnh đạo trường hiện đang cân nhắc để cân đối mức học phí sao cho vừa hợp lý với trường nhưng cũng sẽ không quá cao, không ảnh hưởng đến SV.
Thể Uyên - Ngân Anh