Hãy trả lại đúng nghĩa giáo sư cho các nhà giáo thực sự
(LĐ) - Nhu cầu về bằng cấp đang diễn ra ở nước ta được ví như một “cơn đại hồng thuỷ” đối với những người muốn tiến thân trên con đường công danh. Nạn chạy chức, chạy quyền nhiều lần được đại biểu Quốc hội làm nóng nghị trường.
Và một nghịch lý đã hiển nhiên tồn tại: Muốn chạy được chức, quyền thành công thì đi kèm phải có bằng cấp. Thế là kéo theo hệ lụy mua bán bằng cấp của những chức danh mà bấy lâu nay chỉ thuộc về những người có năng lực, chuyên môn. Ông Kiến Quốc (phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) gửi bài viết về toà soạn với lời đề nghị: Cần phải trả lại đúng nghĩa giáo sư cho các nhà giáo thực sự. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
|
Ở nhiều nước, chức danh giáo sư là dùng để chỉ những người giảng dạy ở bậc đại học (ảnh minh hoạ). Ảnh: KỲ ANH |
Giáo sư (Professor) là một chức danh dùng để chỉ người giảng dạy đại học. Ở các nước tiên tiến, người ta không có chức danh phó giáo sư (PGS). Thật đáng buồn cho một nước có nghìn năm văn hiến như nước ta, mà ngay cả cái tên gọi cho học hàm, học vị cũng còn chưa được chuẩn hoá. Đã nhiều năm nay, ở nước ta việc tổ chức bầu chức danh GS, PGS đã có nhiều điều khuất tất, gây phiền toái và chán nản trong giới khoa học và bất bình trong xã hội.
Có người cho rằng, chức danh GS, PGS được coi như một cái mốt để trang trí cho một số nhà chức trách và một số người cơ hội luồn lách tiến thân. Rất nhiều người không hề dạy học hoặc dạy qua quýt cũng đều mang chức danh GS, PGS, vì họ ở các vị trí lãnh đạo.
Ở nhiều nước, chức danh giáo sư là dùng để chỉ những người giảng dạy ở bậc đại học (ảnh minh hoạ).
Việc soạn thảo ra các tiêu chuẩn để bầu chức danh GS, PGS đã không ít lần thay đổi, nhưng càng thay đổi lại càng thấy có nhiều lộn xộn. Hình như những nhà soạn thảo này đã cố tình không coi đây là chức danh dạy học, hay họ cố tình đề ra các tiêu chuẩn để có lợi cho những người không làm công tác giảng dạy? Ví dụ như việc đề ra điểm của các bài báo, các công trình cấp bộ, cấp nhà nước, tiêu chuẩn ngoại ngữ... Họ không hề tính đến thâm niên giảng dạy và chất lượng giảng dạy! Những tiêu chuẩn đề ra hiện nay phù hợp hơn cho những người có chức quyền.
Chỉ khoảng 30% - 40% những người được bầu là có thực lực, đáp ứng được các yêu cầu như vậy. Nhưng còn thực chất giá trị của các công trình nghiên cứu thì chưa ai có thể chứng minh được. Chỉ cần đặt một câu hỏi là “tại sao ngành của anh hay trường của anh có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều GS như vậy, mà không thấy nổi bật và phát triển được gì?”, thì cũng có thể hiểu được thực chất của vấn đề.
Vì không cần quan tâm đến số giờ giảng hằng năm, cũng như chất lượng giảng dạy, nên người phấn đấu làm GS, PGS chỉ cần tích cực “sản xuất” các bài báo và các công trình nghiên cứu, mà không cần phải giảng dạy nhiều. Tiêu chuẩn đã là mờ ám, các hội đồng đặt ra để bầu lại thiếu sự minh bạch và mang nặng tính cá nhân; nên đã làm phát sinh rất nhiều tiêu cực.
Thực chất những tiêu chuẩn như hiện nay là quá dễ dàng cho những người không có thực lực của nhà giáo. Lại càng mở cửa cho những người không làm công tác giảng dạy có cơ hội để “độn” thêm chức danh. Nếu hội đồng chỉ có xét duyệt và xét duyệt chéo giữa các cơ quan trong ngành, thì tiêu cực chắc sẽ giảm nhiều.
Ngày nay, với việc tổ chức đào tạo tiến sĩ “hàng loạt”, thì rồi đây chức danh GS, PGS cũng sẽ “hàng loạt” hơn nữa. Những chức danh không thực chất đó, phải chăng nên gọi là chức danh “rởm”. Nếu nghiêm túc nhìn vào thực chất việc giảng dạy tại các trường đại học ở nước ta hiện nay thì đáng buồn là nó đang xuống dốc. Đội ngũ thầy đã yếu thì làm sao có trò giỏi, làm sao có cán bộ đủ năng lực phục vụ đất nước!
Để trả lại đúng nghĩa giáo sư cho các nhà giáo thực sự, rất mong Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục - đào tạo sớm có biện pháp và soạn thảo luật lệ cho phù hợp. Nên chăng từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, GS, PGS. Tiêu chuẩn bầu GS, PGS, cần chú trọng đến chất lượng giảng dạy, thể hiện qua bình giảng, thi giảng, viết sách giáo khoa và đặc biệt là thâm niên giảng dạy. Nên giảm bớt tiêu chuẩn ngoại ngữ và số điểm công trình nghiên cứu, vì 2 tiêu chuẩn này đã nằm trong việc hướng dẫn nghiên cứu sinh và cao học.
Mỗi thành viên hội đồng chỉ nên làm nhiệm vụ xét duyệt công khai chấm điểm. Tuyệt đối không xét cho những người làm công tác lãnh đạo mà không dạy học. Phiếu tín nhiệm nên lấy ở toàn ngành. Cần có những tiêu chuẩn thay thế cho những tiêu chuẩn không bắt buộc, cho phù hợp với từng ngành. Luật sửa đổi nên được thông qua, lấy ý kiến của đại chúng.
Nếu làm được như vậy, chắc chắn sẽ đem lại sự trong sáng cho chức danh giáo sư, phó giáo sư, chắc chắn sẽ hạn chế được tiêu cực nói trên.
Kiến Quốc (Định Công, Hà Nội)