Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Thiếu tiền chơi game, hai 9X liên tục trộm cắp, lừa đảo


Thiếu tiền chơi game, hai 9X liên tục trộm cắp, lừa đảo

ANTĐ - Sáng 27/3, tại UBND xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái, tòa án nhân dân thành phố Yên Bái đã mở phiên tòa lưu động xét xử  vụ án “ trộm cắp tài sản” và  “ lừa đảo tài sản” đối với Phạm Văn Thành, SN 1992  và Nguyễn Trường Thanh, SN 1994 ( cả 2 đều trú tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái).
Trong khoảng thời gian từ ngày 2 -  20/10/2011, 2 đối tượng đã  thực hiện nhiều vụ chiếm đoạt tài sản tại thành phố Yên Bái. Cáo trạng của VKS nêu: Vụ đầu tiên vào khoảng 1h ngày 2/10/2011, Thành và Thanh đi bộ trong thôn, thấy trước cửa nhà ông Nguyễn Văn Dũng có chiếc xe máy wave RSX, BKS 21F2 – 1062 của anh Mạnh. Lợi dụng cả chủ và khách không để ý, 2 tên đã dắt trộm chiếc xe rồi gửi ở nhà anh Vũ Kim Long, trú tại tổ 25, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái. 


Sau đó 2 ngày, Thành và Thanh rủ thêm 3 người bạn cùng nhau đi cầm cố xe máy được 8 triệu đồng cho anh Vũ Duy Đức ở tổ 11, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, rồi chia nhau tiền tiêu xài. Tới thời hạn chuộc xe, do không có tiền nên Thanh và Thành đồng ý bán chiếc xe cho anh Đức với giá 16 triệu đồng. Đến ngày 15/10/2011, 2 tên Thành và Thanh lại lang thang ở khu vực tổ 14, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái. Tại đây, chúng đã lấy trộm được xe máy hiệu Star BKS 21 T7 – 4878 của anh Vũ Tiến Hải dựng trước cửa nhà. Sau đó chúng mang đi cất giấu chờ dịp tiêu thụ. 

Vụ chiếm đoạt thứ 3 được hai tên thực hiện vào ngày 17/10/2011, khi Thành đến quán điện tử của anh Vũ Kim Long, ở tổ 25, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái chơi game, rồi mượn xe máy Sirius BKS 19Z5 – 5464 của anh Long  nói rằng đi công chuyện. Tuy nhiên sau đó, Thành đã rủ một người bạn rồi phóng thẳng xe xuống huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ chơi điện tử. Do không có 1,2 triệu đồng để trả nên Thành đã cắm chiếc xe tại quán game này.
Khi bị cơ quan công an thành phố bắt giữ, riêng đối tượng Thành khai nhận chỉ vì nghiện game nên đã liên tục lừa đảo lấy trộm xe. Thành chơi game đã 4 năm và có lần chơi game cả ngày không biết mệt mỏi.
HĐXX tòa án nhân dân thành phố Yên Bái đã tuyên án bị cáo Phạm Văn Thành nhận mức án 2,6 năm tù giam, Nguyễn Trường Thanh là 9 tháng tù giam.
Hạ Băng – Hà Thanh

Độ tuổi từ 15-24 thất nghiệp nhiều nhất


Độ tuổi từ 15-24 thất nghiệp nhiều nhất

(ANTĐ) -  Hôm nay, 29-3, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn việc làm cho thanh niên. 

Sinh viên hy vọng tìm được cơ hội ở Ngày hội việc làm
Thông tin tại diễn đàn cho thấy khủng hoảng việc làm thanh niên toàn cầu đang diễn ra trên quy mô chưa từng có. Trên thế giới, tỷ lệ thanh niên không có việc làm cao gấp 3 lần so với lao động lớn tuổi. Ở Việt Nam, thanh niên độ tuổi từ 15 đến 24 là nhóm đông nhất, chiếm 50,4% trong tổng số người thất nghiệp. 

Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO tại Việt Nam cho biết, mỗi năm hơn 1 triệu thanh niên Việt Nam gia nhập thị trường lao động và rất nhiều trong số họ phải vất vả mới tìm được việc làm. Năm 2010, tỉ lệ thất nghiệp của nữ thanh niên ở Việt Nam là 8,3%, nam thanh niên là 5,9%.

Tại diễn đàn, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm tới việc bố trí các nguồn lực để cải thiện tình hình việc làm của thanh niên nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.
Tiến Hưng

Buồn chán, nam sinh lớp 12 tự tử bằng thuốc diệt chuột


Buồn chán, nam sinh lớp 12 tự tử bằng thuốc diệt chuột

ANTĐ - Ngày 22-3, Ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Trãi, TP Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết, học sinh Trương Văn Sự, sinh năm 1994, trú ở thôn Đại Phú, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa đã tử vong do uống thuốc diệt chuột.
Trước đó, sáng 21-3, Sự lấy 2 gói thuốc chuột của gia đình đến thôn suối Cái, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa uống. Mọi người phát hiện đưa Sự vào bệnh viện huyện Phú Hòa cấp cứu rồi chuyển xuống bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên trong tình trạng hôn mê sâu, trụy tim mạch, không bắt mạch được phải thở bằng máy. Đến 14h chiều cùng ngày em Sự đã tử vong và được gia đình đưa về nhà. 
Theo bà Nguyễn Thanh Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 12CB5, Sự là học ngoan hiền, trầm tính, hạnh kiểm tốt. Cha mẹ em đã ly hôn và đều có gia đình mới nên Sự ở với cha và bà nội. Thời gian gần đây, Sự có biểu hiện buồn phiền, ít nói, học hành giảm sút.
Bình Minh

Bị mẹ mắng, nữ sinh lớp 9 thắt cổ tự tử


Bị mẹ mắng, nữ sinh lớp 9 thắt cổ tự tử

ANTĐ - Đến giờ đi học nhưng không thấy chị gái đi học, đứa em gái chạy gác xép gọi chị thì tóa hỏa khi phát hiện chị mình đã treo cổ tự tử từ lúc nào không hay.
Vụ tự sát đau lòng trên được phát hiện vào khoảng 15h chiều ngày 29/3. Nạn nhân là em Phan Thị Thuý Mẫn (15 tuổi) học sinh lớp 9B trường THCS Bạch Liêu, thị trấn Yên Thành (huyện Yên Thành – Nghệ An), thường trú ở Khối 1 thị trấn Yên Thành.
Được biết, vào khoảng thời gian trên, khi thấy đến giờ đi học nhưng không thấy chị gái đi học nên Phan Sĩ Thiết (em trai Mẫn) chạy lên gác xép thì tá hoả khi phát hiện chị mình đã trong tư thế treo cổ ở cầu thang. Nghe tiếng tri hô, mọi người kéo đến nhưng tất cả đã quá muộn khi Mẫn đã chết từ trước đó.

Ngôi nhà nơi nữ sinh Phan Thị Thúy Mẫn treo cổ tự vẫn
Theo nhiều người hàng xóm nơi đây thì nguyên nhân dẫn đến việc em Mẫn tử tử có thể là do lúc trưa cùng ngày bị mẹ mắng nên Mận đã bỏ lên gác xép và treo cổ.
Được biết, bố mẹ em Mẫn là anh Phan văn Cần và Chị Nguyễn Thị Hạnh đã li dị nhau 4 năm nay, Mẫn và Thiết sống với mẹ.
Trọng Đại – Nguyễn Hải

Cơ hội ở những ngành... khó tuyển


Cơ hội ở những ngành... khó tuyển
Thứ Sáu, 30.3.2012 | 07:09 (GMT + 7)
Mới đây, Bộ GDĐT đã phải báo động về sự mất cân đối trong đào tạo và sử dụng nhân lực khi khối ngành như: Kinh tế, tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh có chỉ tiêu chiếm xấp xỉ 38% và có gần 50% số thí sinh dự thi ĐH, CĐ hằng năm đăng ký dự thi vào các ngành này.
Điểm chuẩn không cao

Với việc gần 50% số thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng, nên không có gì khó hiểu khi những trường, ngành không thuộc nhóm này có mức điểm trúng tuyển hằng năm khá thấp, dù là trường công lập. Những ngành như kỹ thuật, công nghệ, nông - lâm - ngư, xã hội..., mặc dù nhân lực đang thiếu trầm trọng nhưng điểm chuẩn trúng tuyển vào ĐH, CĐ lại không cao, chỉ ở mức 13 - 15 điểm trong vài năm trở lại đây.
Làm thủ tục vào phòng thi trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 tại Hà Nội. Ảnh: Kỳ anh
Làm thủ tục vào phòng thi trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 tại Hà Nội. Ảnh: Kỳ Anh
Cụ thể, Trường ĐH Thủy lợi, năm 2010 điểm sàn chung vào trường khu vực Hà Nội là 15 điểm, TPHCM là 13 điểm. Mức điểm này được giữ nguyên ở năm 2011. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội năm 2010, điểm chuẩn các ngành khối A thường 15 điểm. Thậm chí nhiều ngành điểm trúng tuyển chỉ là 13 điểm như ngành công nghệ may, thiết kế thời trang... Sang năm 2011, các ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, công nghệ may... cũng vẫn chỉ duy trì điểm trúng tuyển ở mức tối thiểu - 13 điểm, bằng với điểm sàn của bộ.

Một số ngành có điểm trúng tuyển 13,5 điểm là khoa học máy tính, hệ thống thông tin, kỹ thuật phần mềm. Năm 2010, điểm trúng tuyển vào các ngành của Trường ĐH Vinh chỉ dao động từ 13 - 14 điểm, chỉ một số ít ngành có điểm trúng tuyển từ 15 điểm trở lên. Đến năm 2011, điểm trúng tuyển nhiều ngành cũng chỉ ở mức bằng với điểm sàn của bộ, từ 13 - 14 điểm tùy khối thi như ngành quản lý tài nguyên và môi trường, khuyến nông, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... Trường ĐH Lâm nghiệp, điểm chuẩn năm 2010 các ngành khối A, D1 là 13 điểm. Đến năm 2011, điểm chuẩn hầu hết các ngành cũng chỉ 13 - 14 điểm. Có ngành cao nhất là công nghệ sinh học 17 điểm.

Cơ hội việc làm là có thật

Chia sẻ về vấn đề việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp khoa Địa lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ông Nguyễn Hiệu - Phó chủ nhiệm khoa - cho biết: “Khoa Địa lý hiện có 2 ngành đào tạo là quản lý đất đai và địa lý tự nhiên. Ngành quản lý đất đai các em SV thi vào rất tốt, còn ngành khác thì thực sự ít ỏi. Bên cạnh sự khó tuyển do tính đặc thù thì thời gian qua chúng tôi cũng tìm hiểu và thấy địa lý không hấp dẫn với thí sinh đôi khi do thông tin không được tốt.

 Vừa rồi, theo chủ trương chính sách của Nhà nước, Bộ Tài chính đã xây dựng một dự án mang tính thử nghiệm trước khi nhân rộng là Nhà nước bỏ tiền đầu tư cho khối ngành khoa học cơ bản mà địa lý nằm trong đó. SV vào khoa Địa lý có các hỗ trợ như tuyển thẳng HSG quốc gia môn địa lý vào khoa hoặc các ngành như khí tượng thủy văn, địa chất... Bản thân các em học địa lý tốt có thể vào chương trình chất lượng cao. Chính sách hỗ trợ được học bổng với mức thấp nhất là bằng học phí.

Bên cạnh đó, nguồn ngân sách còn tạo điều kiện về trang thiết bị, nguồn học liệu cho các em  SV. Hiện nay chúng tôi có đơn đặt hàng của Tổng cục 5 về đào tạo sinh viên mảng viễn thám và GS; ký biên bản ghi nhớ với Cục Bản đồ Bộ Tổng tham mưu về đào tạo nguồn nhân lực cho họ. Bên cạnh việc họ trao học bổng cho SV có kết quả học tập tốt còn có cam kết nếu SV có kết quả học tập tốt và có nguyện vọng vào quân ngũ thì sẽ nhận vào quân đội... Theo thống kê của khoa, khoảng 40 SV tốt nghiệp/năm. Sau 1 - 2 năm các em đều có việc làm tốt. Có khoảng 70% làm việc đúng ngành. Đặc biệt, các em học khoa học cơ bản nếu tiếng Anh tốt có rất nhiều cơ hội có học bổng đi học nước ngoài”.

Đối với ngành nông - lâm, TS Vũ Viết Bình - Phó trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng, đây là một ngành học có rất nhiều cơ hội kiếm tiền bởi ngành nông nghiệp hiện nay được Nhà nước đầu tư rất nhiều để thúc đẩy sản xuất.
Ngân Anh

Hỗ trợ trợ xây trường vùng khó


Hỗ trợ trợ xây trường vùng khó
Tối 29.3, tại Hà Nội, Chương trình khuyến học "Đèn đom đóm" đã thông báo ngôi trường thứ 9 được tài trợ xây dựng. Đó là trường tiểu học Nguyễn Trãi (xã IABIA, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai).
Hơn 3 tỷ đồng sẽ được tài trợ để xây mới cho ngôi trường này. Chương trình “Khuyến học Đèn đom đóm” do Công ty FrieslandCampina VN khởi xướng và bảo trợ. Đây là năm thứ 10, chương trình này được tổ chức với tổng kinh phí 30 tỉ đồng để xây 8 ngôi trường mới tại các xã vùng sâu, vùng xa các tỉnh: Bình Phước, Quảng Ngãi, Huế, Hà Nam, Cà May, Kon Tum, Quảng Bình, Lai Châu và trao hơn 20.000 học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó.    
T.X

Thạc sĩ hay là...


Thạc sĩ hay là... phổ thông cấp 5?
Tại các tỉnh miền Trung có các lớp đào tạo thạc sĩ ngành tài chính - ngân hàng với sự tham gia của hàng trăm người (chủ yếu là cán bộ, nhân viên các ngân hàng) do Trường ĐH Tài chính - Maketing (trụ sở tại TPHCM) mở.
Nhìn vào cung cách học viên ghi danh nộp tiền học ồ ạt do được trường cho nợ đầu vào và đào tạo thạc sĩ trái với quy định của Nhà nước, nhiều người hồ nghi rằng đây có phải là đào tạo thạc sĩ đích thực, hay là... phổ thông cấp 5(!?).

Ngân hàng cũng tham gia chiêu sinh 

Ngày 2.3, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Định đã phát thông báo số 91/TB-BIĐ5 “Thông báo tuyển sinh cao học chuyên ngành kinh tế tài chính - ngân hàng (TC-NH) năm 2012 tại TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định”. Theo đó, NH này phối hợp với Trường ĐH Tài chính - Marketing (viết là TC-MKT) tổ chức tuyển sinh đào tạo thạc sĩ (ThS) ngành TC-NH, học tại TP.Quy Nhơn, học phí 30 triệu đồng/2 năm. 

Các địa phương khác như Quảng Ngãi, Quảng Trị, Khánh Hòa cũng đều có lớp đào tạo ThS do trường ĐH nói trên mở, và cho dạy - học ngay tại địa phương. Việc cơ sở đào tạo ThS mở các lớp đào tạo tại các tỉnh miền Trung là trái với quy chế của Bộ GDĐT ban hành ngày 28.2.2011. Điều 24 của quy chế quy định: “Đào tạo trình độ ThS được thực hiện tại cơ sở đào tạo, nơi đã được cơ quan thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc cho phép đào tạo. Trường hợp cơ sở đào tạo có phân hiệu, việc tổ chức đào tạo tại phân hiệu cũng phải được Bộ trưởng Bộ GDĐT cho phép”.

Tại tất cả các địa phương mà Trường ĐH TC-MKT mở lớp đào tạo ThS đều không có phân hiệu của trường này. Ngay tại một số địa phương đã có cơ sở đào tạo ĐH như Khánh Hòa, Bình Định thì việc mở lớp ThS này cũng hoàn toàn “bí mật”. Trả lời PV Lao Động về lớp ThS ở Quy Nhơn do Trường ĐH TC- MKT mở, PGS-TS Nguyễn Hồng Anh - Hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn - nói rằng, nhà trường không hề biết có lớp đào tạo ThS nào như thế tại TP. Quy Nhơn. Trong khi đó, lãnh đạo Phòng Đào tạo ĐH Nha Trang cho hay, họ có biết về lớp ThS nợ đầu vào do Trường ĐH TC-MKT mở ngay tại Nha Trang, trường cũng đã có báo cáo bằng văn bản lên Bộ GDĐT về việc đó.  

Phổ thông cấp... 5(!)

Khi trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Hảo (Hải Dương) về việc tổ chức đào tạo ThS dễ dãi, chất lượng thạc sĩ thấp, việc liên kết đào tạo ThS tại các địa phương có chất lượng rất thấp, tiêu cực, Bộ GDĐT đã khẳng định: “Bộ không cho phép tổ chức các lớp đào tạo ThS liên kết tại các địa phương, trừ một số trường hợp đặc biệt (ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đối với các ngành có yêu cầu đặc biệt). Các cơ sở đào tạo không được tổ chức các lớp đào tạo ThS ở ở bên ngoài cơ sở của mình”. Với quan điểm như vậy, nhưng rõ ràng Bộ GDĐT đã buông lỏng, để cho Trường ĐH TC-MKT mở tràn lan nhiều lớp ở nhiều địa phương trên cả nước.

Tại lớp ThS ngành TC-NH do Trường ĐH TC-MKT mở tại Quảng Trị có trên 100 học viên nộp tiền theo học chương trình đào tạo ThS, nhưng trong số đó đã có hơn 80 người nợ đầu vào. Còn lớp ThS ở Nha Trang thì có trên 2/3 trong tổng số 30 học viên nợ đầu vào. Người ta tự hỏi, đào tạo ThS kiểu mở lớp thu tiền, bất chấp chất lượng đầu vào như vậy thì có giữ đúng mục tiêu đào tạo ThS mà Bộ GDĐT đưa ra là “ThS là người có trình độ cao về lý thuyết và thực hành, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc ngành, chuyên ngành được đào tạo”. Cách đây chưa lâu, với chủ trương đào tạo cử tuyển, các trường ĐH đã cho ra lò một lớp cử nhân... phổ thông cấp 4, và nay liệu với phong trào ThS nợ đầu vào, tới đây xã hội lại phải tiếp nhận một thế hệ ThS... phổ thông cấp 5?
Tiền thân của Trường ĐH Tài chính - Marketing là Trường Cao đẳng bán công Marketing, năm 2004 được nâng lên trường ĐH bán công. Trường này được Bộ GDĐT cho phép đào tạo ThS từ năm 2011. Theo quy chế, giảng viên có chức danh GS được hướng dẫn tối đa 7 học viên ThS, PGS hoặc có bằng TSKH được hướng dẫn tối đa 5 học viên, TS được hướng dẫn tối đa 3 học viên trong cùng thời gian.
NHÓM P.V