Cơ hội ở những ngành... khó tuyển
Điểm chuẩn không cao
Với việc gần 50% số thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng, nên không có gì khó hiểu khi những trường, ngành không thuộc nhóm này có mức điểm trúng tuyển hằng năm khá thấp, dù là trường công lập. Những ngành như kỹ thuật, công nghệ, nông - lâm - ngư, xã hội..., mặc dù nhân lực đang thiếu trầm trọng nhưng điểm chuẩn trúng tuyển vào ĐH, CĐ lại không cao, chỉ ở mức 13 - 15 điểm trong vài năm trở lại đây.
|
Làm thủ tục vào phòng thi trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 tại Hà Nội. Ảnh: Kỳ Anh |
Cụ thể, Trường ĐH Thủy lợi, năm 2010 điểm sàn chung vào trường khu vực Hà Nội là 15 điểm, TPHCM là 13 điểm. Mức điểm này được giữ nguyên ở năm 2011. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội năm 2010, điểm chuẩn các ngành khối A thường 15 điểm. Thậm chí nhiều ngành điểm trúng tuyển chỉ là 13 điểm như ngành công nghệ may, thiết kế thời trang... Sang năm 2011, các ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, công nghệ may... cũng vẫn chỉ duy trì điểm trúng tuyển ở mức tối thiểu - 13 điểm, bằng với điểm sàn của bộ.
Một số ngành có điểm trúng tuyển 13,5 điểm là khoa học máy tính, hệ thống thông tin, kỹ thuật phần mềm. Năm 2010, điểm trúng tuyển vào các ngành của Trường ĐH Vinh chỉ dao động từ 13 - 14 điểm, chỉ một số ít ngành có điểm trúng tuyển từ 15 điểm trở lên. Đến năm 2011, điểm trúng tuyển nhiều ngành cũng chỉ ở mức bằng với điểm sàn của bộ, từ 13 - 14 điểm tùy khối thi như ngành quản lý tài nguyên và môi trường, khuyến nông, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... Trường ĐH Lâm nghiệp, điểm chuẩn năm 2010 các ngành khối A, D1 là 13 điểm. Đến năm 2011, điểm chuẩn hầu hết các ngành cũng chỉ 13 - 14 điểm. Có ngành cao nhất là công nghệ sinh học 17 điểm.
Cơ hội việc làm là có thật
Chia sẻ về vấn đề việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp khoa Địa lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ông Nguyễn Hiệu - Phó chủ nhiệm khoa - cho biết: “Khoa Địa lý hiện có 2 ngành đào tạo là quản lý đất đai và địa lý tự nhiên. Ngành quản lý đất đai các em SV thi vào rất tốt, còn ngành khác thì thực sự ít ỏi. Bên cạnh sự khó tuyển do tính đặc thù thì thời gian qua chúng tôi cũng tìm hiểu và thấy địa lý không hấp dẫn với thí sinh đôi khi do thông tin không được tốt.
Vừa rồi, theo chủ trương chính sách của Nhà nước, Bộ Tài chính đã xây dựng một dự án mang tính thử nghiệm trước khi nhân rộng là Nhà nước bỏ tiền đầu tư cho khối ngành khoa học cơ bản mà địa lý nằm trong đó. SV vào khoa Địa lý có các hỗ trợ như tuyển thẳng HSG quốc gia môn địa lý vào khoa hoặc các ngành như khí tượng thủy văn, địa chất... Bản thân các em học địa lý tốt có thể vào chương trình chất lượng cao. Chính sách hỗ trợ được học bổng với mức thấp nhất là bằng học phí.
Bên cạnh đó, nguồn ngân sách còn tạo điều kiện về trang thiết bị, nguồn học liệu cho các em SV. Hiện nay chúng tôi có đơn đặt hàng của Tổng cục 5 về đào tạo sinh viên mảng viễn thám và GS; ký biên bản ghi nhớ với Cục Bản đồ Bộ Tổng tham mưu về đào tạo nguồn nhân lực cho họ. Bên cạnh việc họ trao học bổng cho SV có kết quả học tập tốt còn có cam kết nếu SV có kết quả học tập tốt và có nguyện vọng vào quân ngũ thì sẽ nhận vào quân đội... Theo thống kê của khoa, khoảng 40 SV tốt nghiệp/năm. Sau 1 - 2 năm các em đều có việc làm tốt. Có khoảng 70% làm việc đúng ngành. Đặc biệt, các em học khoa học cơ bản nếu tiếng Anh tốt có rất nhiều cơ hội có học bổng đi học nước ngoài”.
Đối với ngành nông - lâm, TS Vũ Viết Bình - Phó trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng, đây là một ngành học có rất nhiều cơ hội kiếm tiền bởi ngành nông nghiệp hiện nay được Nhà nước đầu tư rất nhiều để thúc đẩy sản xuất.
Ngân Anh