Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Choáng vì 207 ngành ĐH bị dừng tuyển sinh! (LĐ) - Số 29 Bạch Dương - Dương Hà

Choáng vì 207 ngành ĐH bị dừng tuyển sinh!
 (LĐ) - Số 29 Bạch Dương - Dương Hà
Sau khi Bộ GDĐT công bố 207 ngành đại học thuộc 71 trường bị dừng tuyển sinh năm 2014, nhiều trường đã choáng váng khi gần như không còn ngành nào để tuyển sinh, đào tạo. Trong khi đó, Bộ GDĐT cho biết, còn hàng trăm ngành cao đẳng thuộc các trường đại học khác đang có nguy cơ dừng tuyển sinh do không đáp ứng đủ điều kiện quy định.
Có trường ĐH chỉ còn 2 ngành để tuyển sinh
Theo Bộ GDĐT, việc thông báo dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo ĐH và cảnh báo hàng trăm ngành đào tạo ĐH, CĐ do các ngành này không bảo đảm về đội ngũ như yêu cầu mở ngành (với ngành đào tạo ĐH phải có ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ, ngành đào tạo trình độ CĐ cũng phải báo đảm có ít nhất 4 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký).
Theo đó, có trường bị dừng từ 1-2 ngành, có trường bị dừng đến 14-15 ngành đào tạo. Điển hình nhất là Trường ĐH Hà Tĩnh, hiện trường có 16 ngành đào tạo nhưng bị dừng tới 14 ngành. ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội bị dừng đào tạo 15 ngành. ĐH Hùng Vương Phú Thọ bị dừng tuyển sinh 10 ngành; ĐH Sư phạm Hà Nội bị dừng 8 ngành; ĐH Hải Phòng, ĐH Quy Nhơn bị dừng đào tạo 7 ngành... Trong danh sách còn có những trường ĐH công lập có tên tuổi khác như ĐH Y-Dược TPHCM, ĐH Y Thái Bình,
ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Kiến trúc TPHCM, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, ĐH Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Mỹ thuật TPHCM, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, ĐH Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội)...
Thí sinh sẽ không được dự thi vào 207 ngành đào tạo bị dừng tuyển sinh từ năm 2014.     Ảnh: GIANG HUY 
GS-TS Nguyễn Văn Đính - Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Tĩnh - cho biết: Trường rất bất ngờ trước thông tin này. Nếu thực hiện theo quyết định này thì trường chỉ còn 2 mã ngành đào tạo. GS Đính khẳng định, khi xin mở mã ngành đào tạo, nhà trường đã có báo cáo rõ ràng với Bộ GDĐT, nếu không đủ điều kiện theo quy định trường đã không được phép mở. Các ngành đào tạo của ĐH Hà Tĩnh đều đủ điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất, trường sẽ ra báo cáo lại số liệu với bộ.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có bề dày về đội ngũ và truyền thống đào tạo, nhưng cũng bị dừng tuyển sinh đến 8 ngành: Toán học, văn học, hóa học, sinh học, tâm lý học, giáo dục công dân, sư phạm mỹ thuật, công nghệ thông tin. Theo lãnh đạo trường này, riêng khoa toán của trường có đến 70 cán bộ giảng viên, trong đó hầu hết là TS, PGS, GS. Trường sẽ có báo cáo làm rõ, vì theo nhà trường, không có ngành nào của trường là không đáp ứng về đội ngũ.
Hết năm 2015, nếu đủ điều kiện sẽ cho đào tạo lại
Ngoài danh sách 207 ngành học thuộc 71 cơ sở vừa được Bộ GDĐT công bố, có 432 ngành cao đẳng trong trường  ĐH đang có nguy cơ dừng tuyển sinh. Trong đó, có 296 ngành CĐ thuộc 74 cơ sở đào tạo trình độ đại học hoạt động không đúng quy định. Cụ thể, đội ngũ giảng viên cơ hữu chủ trì ngành cao đẳng không đủ 4 thạc sĩ, sau khi trừ đi số giảng viên cơ hữu chủ trì ngành đại học tương ứng. Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho hay, với các trường hợp này, cơ sở đào tạo sẽ được tạm thời tiếp tục tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo thẩm quyền quy định tại Quy chế đào tạo. Đồng thời cơ sở đào tạo có trách nhiệm lập kế hoạch củng cố, bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu. Việc lập báo cáo kế hoạch củng cố và bổ sung giảng viên cơ hữu theo quy định phải gửi về Bộ GDĐT chậm nhất trước ngày 31.12.2014.
Với 136 ngành còn lại thuộc diện xử lý riêng, Bộ GDĐT cho biết sẽ triển khai biện pháp tương tự: Các cơ sở đào tạo được tạm thời tiếp tục tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo thẩm quyền quy định tại quy chế đào tạo. Đồng thời, cơ sở đào tạo có trách nhiệm lập kế hoạch củng cố, bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu, khi đủ điều kiện, chậm nhất trước ngày 31.12.2015, báo cáo bộ để được chính thức đào tạo.
Đối với việc phản ứng của các trường đại học trước các quyết định trên, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết: Điều này đã được bộ quán triệt tới hiệu trưởng các trường về phương châm hành động đổi mới, siết chặt kỷ cương để nâng cao chất lượng đào tạo. Ông Bùi Văn Ga nhấn mạnh, dù chủ trương này có ảnh hưởng đến nguồn thu của các trường, song việc giảm chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học, siết chặt liên kết đào tạo, quy định mới về đào tạo liên thông... để nâng cao chất lượng đào tạo vẫn nhận được sự đồng tình của lãnh đạo các trường ĐH!

Không có nhận xét nào: