Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Gian nan tuyển sinh

Gian nan tuyển sinh
Ở các địa phương vùng ĐBSCL, đối với các trường cao đẳng nghề, TC nghề cấp tỉnh tuyển sinh đủ chỉ tiêu là chuyện không dễ. 
Các trung tâm dạy nghề, trường TC nghề cấp huyện lại càng khó khăn hơn, vì ngoài yếu tố tâm lý chung thích làm “thầy” hơn làm “thợ”của hầu hết các bạn trẻ, thì cơ sở dạy nghề cấp huyện khó khăn hơn về cơ sở vật chất - trang thiết bị, thiếu giáo viên, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng…   
Nhiều cách tư vấn - vận động vẫn khó
Trường TC Nghề huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã có 4 năm chiêu sinh đào tạo hệ TC nghề với gần 280/729 học sinh tốt nghiệp ra trường. Để thu hút học sinh, hằng năm Trường TC Nghề Tháp Mười phối hợp với các đoàn thể của huyện, các trường THPT, THCS trên địa bàn tổ chức tư vấn; đồng thời phổ biến thông tin tuyển sinh trên các phương tiện truyền thông, phối hợp với UBND các xã đến tận nhà gặp gỡ học sinh, phụ huynh để tư vấn, vận động các em tham gia học nghề.
Tuyển sinh dạy nghề ở ĐBSCL còn nhiều khó khăn.   Ảnh: L.N.G
Tuyển sinh dạy nghề ở ĐBSCL còn nhiều khó khăn. Ảnh: L.N.G
Dù vậy, việc tuyển sinh cũng gặp không ít khó khăn do phần lớn học sinh phổ thông có tâm lý không thích học nghề.
Ở Trường TC Nghề huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) tình trạng cũng tương tự. Theo Hiệu trưởng Đào Minh Lợi, hằng năm cán bộ - nhân viên của trường đều đến các trường THPT, THCS và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cho học sinh.
Tuy nhiên, không dễ thu hút học sinh theo học nghề. Hầu hết các em chấp nhận theo học nghề là do không thể, không có điều kiện theo học đại học, cao đẳng...
Ngoài yếu tố thích làm “thầy” hơn làm “thợ” của học sinh, theo một số cơ sở dạy nghề cấp huyện ở ĐBSCL, việc chiêu sinh khó còn do một số nguyên nhân khác: Cơ sở vật chất - trang thiết bị dạy nghề còn khó khăn, đội ngũ giáo viên thiếu nên chưa thật sự tạo được sự tin tưởng về chất lượng đào tạo.
Ngành nghề đào tạo cũng chưa đa dạng, vì vậy chưa đáp ứng các yêu cầu chọn nghề khác nhau. Học xong liệu có dễ tìm việc làm cũng là điều khiến không ít học sinh băn khoăn có nên vào học tại các trung tâm dạy nghề, trường nghề cấp huyện?
Xoay xở tìm lối ra 
Thực tế ở Trường TC Nghề Tháp Mười cho thấy, khi “giải tỏa” được phần nào những “vướng mắc” nêu trên thì việc tuyển sinh đạt kết quả khả quan hơn. Năm 2007, bậc TC nghề trường chỉ tuyển sinh 3 nghề (điện công nghiệp, kế toán DN, quản trị mạng máy tính) và mở được 3 lớp.
Đến năm 2010, Trường TC Nghề Tháp Mười đào tạo thêm 3 nghề (kỹ thuật sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí, cắt gọt kim loại, văn thư hành chính) và mở được 6 lớp. Còn hệ sơ cấp nghề mở  được 8 lớp (gần 500 học viên) với nhiều nghề đào tạo. Năm 2011, trường đào tạo 10 nghề bậc TC với 400 chỉ tiêu tuyển sinh và đã có 330 hồ sơ đăng ký.
Không chỉ đa dạng nghề đào tạo, Trường TC Nghề Tháp Mười còn liên hệ với các DN trong và ngoài tỉnh đào tạo theo địa chỉ để giải quyết “đầu ra” cho học sinh.
Nhờ đó, theo khảo sát của trường, hơn 80% học sinh tốt nghiệp ra trường có việc làm với thu nhập từ 1,5 - 4 triệu đồng/tháng; 7% học sinh tiếp tục học liên thông lên bậc CĐ nghề. Văn Văn Anh tốt nghiệp ngành quản trị máy tính được Cty Tỷ Xuân - chi nhánh Tháp Mười tuyển vào làm bảo trì máy (thu nhập 3 triệu đồng/tháng) và Nguyễn Minh Thông tốt nghiệp ngành quản trị mạng tìm được việc làm tại một DN ngành thép ở Long An (thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng) là 2 trong số những học sinh của Trường TC Nghề Tháp Mười tốt nghiệp ra trường có việc làm với mức thu nhập ổn định...
 Lê Như Giang

Không có nhận xét nào: