"Nhìn nhận lại chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tôi thấy còn nhiều điều chưa hợp lí, rất cần được xem xét lại để chương trình mới được hoàn thiện, chỉn chu hơn" - ý kiến của NGƯT Tô Ngọc Sơn - chuyên viên Sở GD&ĐT Đồng Tháp.
Phụ huynh muốn con em học gì chắc nấy!
NGƯT Tô Ngọc Sơn cho rằng, chương trình hay bộ sách giáo khoa nào cũng rất là bổ ích và cần thiết vì đã được các nhà khoa học nghiên cứu, chỉnh chu và nội dung, ý nghĩa, mục đích đều để giáo dục, giúp học sinh phát triển trí tuệ, hoàn thiện nhân cách con người. Nếu được hội đồng chuyên môn, hội đồng khoa học kiểm định, đóng góp thì có thể nói giáo dục sẽ có một chất lượng tuyệt vời.
Nhưng chương trình của giáo dục chúng ta từ trước đến nay còn rất ôm đồm, giáo dục còn quá tham vọng. Với tôi nên chú trọng tới tính chuyên nghiệp, chuyên sâu. HS có thể không cần biết nhiều lĩnh vực, nhiều môn (nhất là tiểu học), chẳng hạn: may vá, thêu thùa, hay chăn nuôi, lắp ráp,…. Những nội dung này thiết nghĩ: không cần đưa vào chương trình để dạy vì tự học sinh có thể biết, gia đình có thể day,… Những gì gia đình không thể dạy, gia đình không thể biết,… thì phải cần đến nhà trường.
Nội dung cũng vậy. Học sinh được giới thiệu để biết đến nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề xoay quanh cuộc sống là rất tốt nhưng biết rồi thì thôi, … Có những nội dung các em rất cần được thực hiện, thực hành, trải nghiệm thì không có thời gian. Đấy là một điều thiếu sót đáng tiếc trong quá trình giáo dục. Nếu vẫn cứ cưỡi ngựa xem hoa thì chất lượng vẫn sẽ còn mang tính hình thức và vẫn xảy ra những tình trạng mà từ trước đến giờ giáo dục gặp phải: bệnh thành tích, tiêu cực,…
"Thời gian vừa qua có rất nhiều ý kiến phụ huynh đồng tình với việc: “Chúng tôi không cần biết nhiều thứ, nhiều điều mà mang tính nửa vời, không rõ, qua loa. Khi biết như vậy sẽ dễ dẫn đến việc nói khoác, nói hướng, nói theo hiệu ứng đám đông,… Tất cả rất mong muốn con em mình biết được cái gì thì chắc cái nấy, hiểu được vấn đề gì thì cần cặn kẽ vấn đề ấy.”" - thầy Sơn chia sẻ.
|
Ảnh min họa. Internet |
Đồng tình chú trọng trải nghiệm
Chia sẻ một trong những bất cập của chương trình hiện hành, NGƯT Tô Ngọc Sơn ví dụ:
Phân môn Tập làm văn lớp 5. Khi học văn miêu tả (tả người chẳng hạn) học sinh vừa được giới thiệu kiểu bài “Cấu tạo bài văn tả người”, học sinh chỉ mới được tập tành lập dàn ý trên một đối tượng (người thân trong gia đình em) thì các em lại được dẫn qua việc khai thác trên đối tượng mẫu (SGK) đưa ra.
Trong khi việc quan sát, tìm ý, lập dàn ý là rất cần thiết – nhất thiết nội dung này các em cần được trải nghiệm trên nhiều đối tượng khác nhau để HS biết chọn lọc chi tiết, chọn lọc từ ngữ và xây dựng câu văn, cách nói sao cho phù hợp với đối tượng. Nên dành thời gian cho HS được trải nghiệm thực tế trên những đối tượng thật (bạn, thầy cô, nhân viên trong nhà trường,…) vừa quan sát, vừa thiết lập những câu nói miêu tả cụ thể phù hợp với đối tượng mà các em đang được trải nghiệm. Các em chưa sâu vấn đề này thì các em lại dẫn qua vấn đề khác: Làm biên bản cuộc họp giới thiệu vừa xong biên bản thì quay trở lại tả người rồi lại làm biên bản một vụ việc rồi lại tả người.
Những nội dung được chen vào như vậy ai cũng hiểu là muốn HS được phân tán, tránh xoáy sâu vào một vấn đề để rồi HS nhàm chán. Nhưng tránh được vấn đề này thì gặp phải vấn đề khác làm cho HS hoang mang, không tập trung, mang tính sơ sài, đối phó. Những nội dung chen vào tôi thấy không cần thiết. HS tiểu học có thể biết nhưng không thể làm và cũng không cần làm vì lứa tuổi này đưa ra một biên bản liệu có giá trị không? Nên để dành nhiều thời gian hơn cho việc trải nghiệm những nội dung đã được triển khai.
Ở môn Toán cũng vậy. HS được giới thiệu rất nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực, được giải rất nhiều bài toán, loại toán. Nhiều em giỏi, nhưng khi nhờ đo giùm một đồ vật hay tính toán diện tích của một mặt bàn theo kích thước để ba mẹ mua gỗ, mua vật tư… thì không tính toán được.
"Chương trình giáo dục phổ thông mới đang chú trọng vào việc giảng dạy theo lối trải nghiệm, tôi rất đồng tình.
Tôi đề nghị cần xem xét và nên cô đọng lại nội dung chương trình, tránh hình thức qua loa, cần tập trung tính chuyên sâu, đẩy mạnh giáo dục gắn kết thực tiễn. Có như thế HS mới năng động, sáng tạo và như thế mới phát huy hết tính tích cực chủ động của HS.
Nên lược bỏ bớt một số nội dung không cần thiết, không mang tính học tập rèn luyện. Nên phân chia giáo dục vào toàn xã hội; làm rõ nội dung nào cần được giáo dục trong nhà trường, nội dung nào gia đình cần giáo dục và nội dung nào cần phải nghiên cứu ngoài xã hội, cộng đồng cần có trách nhiệm hỗ trợ, giáo dục học sinh" -NGƯT Tô Ngọc Sơn nêu quan điểm.